Yêu kiểu Arsenal

12:58 Thứ hai 17/09/2012

Mùa trước, Emirates dậy sóng vì sự dứt áo ra đi của Cesc Fabregas và Samir Nasri. Mùa trước, Arsenal khởi đầu chật vật và người ta đòi Arsene Wenger từ chức. Mùa trước, Arsenal hồi sinh mạnh mẽ nhờ người hùng Robin Van Persie để rồi cán đích ở vị trí thứ ba chung cuộc, không danh hiệu nhưng vẫn đáng mừng. Mùa này, Emirates lại dậy sóng vì Van Persie và Alex Song ra đi…

Kịch bản cũ

Với một người bình thường, nếu bị mất ví tiền và cả giấy tờ tùy thân trong một phút bất cẩn, người ta sẽ mừng lắm nếu may mắn lấy lại được giấy tờ, kể cả khi tiền đã không cánh mà bay. Hay khi người bán hàng bốc một ít thịt để lên cân rồi lại bốc thêm một chút nữa, người mua có cảm giác được “thêm vào”, bất kể sự thật là số thịt bốc lên lúc đầu ít hơn phải có. Arsenal cũng đang làm thế với người hâm mộ, để mất “những cái lớn”, nhưng gỡ lại bằng những niềm vui, niềm hy vọng nhỏ, làm người ta đôi khi quên rằng họ đang chẳng hề đi lên so với chính mình mùa trước.

Ở Arsenal, tình yêu là thế sao? - Ảnh: Internet

Sự mất mát đã trở thành một “thói quen” ở Emirates. Người ta buồn đấy, giận dữ đấy, bức xúc đấy, nhưng lại có một thói quen khác tiếp nối phía sau, đó là chờ mong, kỳ vọng vào những người mới, và vui với những thành quả tốt hơn dự kiến lúc đầu. Nhiều người nói về việc Arsenal không cần Van Persie nữa sau khi các pháo thủ đại thắng Southampton, nhưng thứ nhất, cần cũng không thể có, và thứ hai, chẳng ai thực sự tin Arsenal đang mạnh hơn thời điểm bùng nổ mùa trước của tiền đạo người Hà Lan. Như một vòng tuần hoàn, trong tâm trạng thất vọng và hoang mang vì bị lấy mất những gì quý giá, người ta rất dễ vui lên khi được bù đắp bằng những thứ quý giá khác, dẫu không bằng. Một lần nữa, người Arsenal lại có thể nghĩ rằng Giáo sư luôn đúng, mất người này ông sẽ lại có người kia, Arsenal vẫn sẽ sống tốt dù ai ra đi chăng nữa. Cứ như vậy thành một vòng tròn, có thể Arsenal không yếu đi, nhưng nếu vẫn là một Arsenal bằng bằng mức đó, cái mức mà 7 năm qua không danh hiệu, thì cũng không phải chuyện đáng mừng.

Yêu kiểu Arsenal

Tất cả những phân tích ở trên chẳng có nghĩa gì với những người yêu Arsenal bằng cả trái tim. Bản chất của tình yêu bao gồm cả sự dõi theo, sự trọng vọng, lẫn sự cảm thông, sự chấp nhận, dù mọi chuyện đôi khi không giống mình mong muốn. Có fan Arsenal nào không biết đội bóng cần nhiều ngôi sao để vô địch các giải đấu, có ai không hiểu thời Henry sở dĩ thành công cũng nhờ đội ngũ xuất chúng lúc bấy giờ, thậm chí người ta còn tính đến cả trường hợp tất cả những Fabregas, Nasri, Clichy, Persie, Song còn ở lại thì Arsenal hiện tại sẽ thế nào. Nhưng như thế thì sao? Như thế không có nghĩa nếu Arsenal không mạnh lên, Arsenal cứ phải bán, Arsenal cứ không thể là ứng cử viên nặng ký, thì người ta không yêu đội bóng nữa.

Sâu hơn, chính xác hơn, thì cái thứ tình yêu nếu có trong những ai nhận mình là fan Pháo thủ là đến từ lối đá, từ phong cách mà Wenger thổi vào câu lạc bộ này từ khi ông đến. Có thể nó chỉ được hoàn hảo hóa nếu có các nhân tố chất lượng cao làm bàn đạp, song nếu không được thế, nó vẫn là thứ bóng đá cống hiến đáng xem, làm dễ chịu lòng người. Tin rằng Arsenal đã mất đi một số lượng đáng kể người hậm mộ theo những gót chân Henry, Fabregas, những người hâm mộ theo chủ nghĩa “thần tượng cá nhân”. Song thay vào đó, với cách riêng của mình, họ vẫn có thêm rất nhiều những người ủng hộ trên hành tinh, những người cảm thấy rằng trong thời đại thực dụng và công nghiệp ngày nay, thứ bóng đá bằng tâm hồn như của Arsenal thật vô cùng đáng quý.

Lịch sử chỉ ghi nhận những danh hiệu, sổ sách chỉ chép lại những thống kê, song xét riêng với những con người yêu bóng đá và biết yêu hiện tại, hết mình vì hiện tại, thì Arsenal chắc chắn là một cái tên đáng nhớ không kém gì những đội bóng xưng vương, đáng nhớ bởi cái cách họ “sống” giữa thế giới này. Mặc dù những lời nghi kỵ dành cho Arsene Wenger vẫn nhiều hơn những lời tán tụng, tâng bốc, mặc dù những cái đích trên cao không gần gũi một chút nào, nhưng không phải cứ đứng ở đỉnh cao mới là đang sống. Ở vị trí của mình, Arsenal vẫn ổn, bất kể ai có nói gì chăng nữa. Họ không thể vung tiền, họ hiếm các siêu sao, đó là hoàn cảnh riêng của họ, quan trọng là bạn sống ra sao với những gì mình có. Và với kịch bản đang “lặp lại” ở Emirates, kịch bản quen thuộc của 7 năm qua, thay vì hờ hững quay lưng, có lẽ người ta nên ghi nhận rằng, với nhân lực có hạn trong tay, nếu không phải Arsenal, chắc gì đã có ai làm được thế. Bạn mua ô tô nhờ gia đình khá giả, đó là lẽ tất nhiên, nhưng bạn tự tay sắm lấy một chiếc xe máy trong hoàn cảnh gian khó, thì đó chính là nghị lực của con người.

Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục