Xung quanh chuyện tay vợt trẻ Lý Hoàng Nam từ chối lên tuyển: Lỗi tại “người lớn”

13:21 Thứ tư 12/02/2014

Được gọi lên đội tuyển quốc gia (ĐTQG) là một vinh dự, niềm tự hào với bất cứ HLV, VĐV nào, nhưng mới đây, HLV Trần Đức Quỳnh và VĐV Lý Hoàng Nam đã từ chối nhiệm vụ quốc gia với những lý do rất thiếu chuyên nghiệp. Điều đáng nói, CLB chủ quản của cả hai là Bình Dương lại "bật đèn xanh”, giữ người của mình ở lại để phục vụ cho những lợi ích cục bộ.

Hai lần từ chối lên tuyển

Để chuẩn bị cho vòng loại Davis Cup 2014 Nhóm II khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đội tuyển Quần vợt nam với danh sách gồm 2 HLV và 6 VĐV đã được triệu tập từ ngày 8-1 đến 20-2-2014 tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Trong danh sách này, HLV Trần Đức Quỳnh và VĐV Lý Hoàng Nam của đơn vị Bình Dương cũng có tên.

Sau khi có giấy triệu tập lên ĐTQG, đơn vị chủ quản của HLV Trần Đức Quỳnh và VĐV Lý Hoàng Nam vào ngày 24-1 đã có văn bản gửi Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF) với nội dung xin được cho cả 2 không tham dự đội tuyển. Lý do được Bình Dương đưa ra là HLV Đức Quỳnh và VĐV Hoàng Nam vừa tập huấn tại Mỹ về nên cần thời gian nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, Bình Dương đã không giấu ý định giữ người của mình, khi cho rằng Davis Cup nhóm II là giải đấu lớn, thi đấu 5 set, không phù hợp với VĐV chưa trưởng thành về mặt thể chất cũng như tâm lý, dễ gây chấn thương. Mục đích chính của đơn vị này trong việc không cho quân lên tuyển, là để Lý Hoàng Nam chuẩn bị tập huấn thể lực tại CH Séc trong tháng 4 để chuẩn bị cho giải trẻ Pháp mở rộng 2014. Trong khi đó, HLV Trần Đức Quỳnh sẽ tham dự lớp học đào tạo về quản lý thể thao và quản lý học viện quần vợt chuyên nghiệp tại Mỹ.

Hoàng Nam có nguy cơ bị cấm thi đấu 3 năm

Tất nhiên, những lý do mà Bình Dương đưa ra đã bị VTF từ chối. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VTF cho rằng: Sau khi HLV Trần Đức Quỳnh và VĐV Lý Hoàng Nam về nước từ Mỹ, có khoảng hơn 20 ngày là quá đủ để nghỉ ngơi. Hơn nữa, việc gọi lên ĐTQG là quyết định của Tổng cục TDTT, các HLV, VĐV không được phép từ chối nếu không có lý do chính đáng.

"Hoàng Nam lên tuyển không chỉ vì lợi ích cho quần vợt Việt Nam mà còn là nghĩa vụ quốc gia. Nếu không có lý do chính đáng, VĐV này có thể bị cấm thi đấu đến 3 năm. Nếu án phạt này được đưa ra, sự nghiệp của Hoàng Nam sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều” - ông Kỳ nói.

Đây không phải là lần đầu tiên HLV Trần Đức Quỳnh và học trò ruột của mình từ chối lên tuyển. Lần trước, khi được triệu tập dự Davis Cup 2012, cả hai đã đưa ra lý do bất đồng về phương pháp huấn luyện của chuyên gia người Australia, Michael Baroch và không thấy cần thiết phải thuê chuyên gia cho đội tuyển.

Lỗi tại "người lớn”

Việc HLV Trần Đức Quỳnh và Lý Hoàng Nam đã 2 lần từ chối đội tuyển là quá đủ để cơ quan quản lý nhà nước về TDTT ra án phạt. Thậm chí ngay VTF khi căn cứ vào qui chế quản lý đội tuyển, cũng có đủ căn cứ pháp lý để phạt Lý Hoàng Nam và thông báo việc này với Liên đoàn Quần vợt thế giới.

Thực tế, nếu ai cũng viện lý do để từ chối lên tuyển, thì hình ảnh về ĐTQG, màu cờ sắc áo sẽ ra sao? Tổng thư ký VTF Nguyễn Quốc Kỳ đã đưa ra một hình ảnh rất đối lập: "Daniel Nguyễn - một Việt kiều sinh ở Mỹ, nói tiếng Việt không sõi nhưng khi VTF liên hệ qua email thì lập tức trở về Việt Nam, tình nguyện làm "quân xanh” cho đội tuyển. Trong khi đó VĐV của chúng ta ở Việt Nam, được đầu tư, tạo cơ hội phát triển, nhưng khi quốc gia cần thì lại từ chối”.

Cũng theo ông Kỳ, việc HLV và VĐV từ chối lên tuyển có thể sẽ tạo những tiền lệ xấu. VĐV chuyên nghiệp cần phải có nghĩa vụ với ĐTQG.

Việc tay vợt trẻ Lý Hoàng Nam không lên tuyển, thực chất là chuyện của "người lớn”. Bản thân Hoàng Nam không có lỗi, khi anh phải nghe theo HLV, đơn vị mình. Nói cách khác, Hoàng Nam có thể chỉ là người đứng ngoài cuộc chơi, anh còn quá trẻ để có thể đưa ra những quyết định cho riêng mình.

Chuyện Hoàng Nam từ chối lên tuyển có tác động rất lớn từ Bình Dương và HLV Trần Đức Quỳnh, khi cả hai muốn tự lên kế hoạch tập luyện, thi đấu cho Hoàng Nam mà không cần phải thông qua VTF.

Gạt sang một bên những khúc mắc của người lớn để tạo điều kiện cho Lý Hoàng Nam thi đấu và tránh khỏi án phạt là điều mà người ta đang mong mỏi từ đơn vị chủ quản của Nam lúc này. Có lẽ đã đến lúc các phía cần gạt bỏ những bất đồng không đáng có để tìm một hướng giải quyết căn cơ, có lợi nhất vì mục đích chung là sự phát triển của quần vợt Việt Nam và cho cá nhân tay vợt đầy tài năng Nguyễn Hoàng Nam.

Hoàng Nam là tay vợt trẻ nhất trong lịch sử quần vợt Việt Nam giành chức VĐQG, khi mới 15 tuổi. Năm 2013, Hoàng Nam tiếp tục bảo vệ ngôi vô địch của mình. Đáng chú ý nhất là việc tay vợt người Bình Dương giành HCV Đại hội Thể thao trẻ châu Á tại Nam Kinh, Trung Quốc 2013. Đó chính là cột mốc lớn nhất của quần vợt Việt Nam ở đấu trường quốc tế.

An Chi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục