World Cup 2014: Giải đấu không có “Vua”

15:03 Thứ ba 15/07/2014

Trận chung kết giữa Đức và Argentina khép lại cũng là lời kết cho cuộc chiến giữa tập thể và cá nhân. Ở một giải đấu mang nặng tính chiến thuật, rất khó để 1 cá nhân có thể tỏa sáng và trở thành ông Vua của Brazil 2014…

Thời thế thay đổi, Vua không có “đất sống”?

Ngai vàng World Cup 2014 dĩ nhiên đã thuộc về ĐT Đức. Nhưng “Vua” được nhắc tới ở đây là ngôi sao xuất sắc nhất. Ai là người xứng đáng? Đó là câu hỏi rất khó bởi thời thế đã thay đổi. Đây không phải là thời đại của những Pele, Diego Maradona, Ronaldo hay Zinedine Zidane, những huyền thoại đã đi vào lịch sử giải đấu như những nhân vật “một mình” đưa đội bóng của họ tới ngai vàng World Cup.

Ở thời của Maradona, người ta đã từng nói rằng, chỉ cần đặt Maradona vào bất cứ đội bóng nào, một mình "đứa con trai hư của Chúa" sẽ đưa đội bóng đó đến ngôi vô địch. Năm đó, “cậu bé vàng” giành danh hiệu Quả bóng Vàng World Cup xứng đáng tới mức chẳng nhiều người để ý tới pha chơi bóng bằng tay xấu xí của ông ở trận gặp Anh ở tứ kết.

Ở World Cup 2014, nếu có ai đó được kì vọng theo bước Pele hay Maradona, người đó chỉ có thể là Cristiano Ronaldo hoặc Lionel Messi, 2 siêu sao đương đại của bóng đá thế giới. Nhưng CR7 đã về nước từ vòng bảng khi Bồ Đào Nha của anh là tập thể thiếu ngôi sao, thiếu gắn kết. Còn Leo Messi thì tỏa sáng hơn, đưa Argentina vào tới trận chung kết.

Rõ ràng, so với 2 giải đấu trước (2006 và 2010), Leo Messi đã thể hiện một diện mạo hay hơn hẳn, vượt trội về cả số bàn thắng, tầm ảnh hưởng lẫn thành tích cùng Argentina. Messi chơi hay nhưng coi anh là cầu thủ xuất sắc nhất giải thì chưa thực sự thuyết phục. Ấy vậy mới có chuyện tranh cãi nổ ra khi Leo bước lên bục nhận giải sau thất bại trước ĐT Đức.

Không rõ do ái ngại với danh hiệu này hay vì Argentina vừa hụt cúp vàng, Messi chẳng lấy gì làm thích thú. Điều đó thể hiện rõ trên nét mặt của tiền đạo từng 4 lần giành danh hiệu Quả bóng Vàng. Khi đó, Chủ tịch Sepp Blatter cũng thừa nhận ông bất ngờ khi biết tin Leo thắng trận.

Việc Messi giành QBV FIFA World Cup 2014 cũng giống như chuyện “so bó đũa, chọn cột cờ”. Đũa tất nhiên không thể mang ra làm cột cờ nhưng trong thế thiếu, người ta vẫn phải so sánh để tìm ra một cá thể nổi trội nhất. Khi ấy, tranh cãi xuất hiện là chuyện đương nhiên. Dám cá rằng tranh cãi sẽ vẫn xuất hiện nếu danh hiệu này được trao cho một cầu thủ khác như Thomas Muller, Arjen Robben, Manuel Neuer hay James Rodriguez.

Nói như thế để thấy rằng World Cup 2014 là giải đấu không có Vua, không có nhân tố nào đủ sức áp đảo mọi lá phiếu giống như những nhân vật lịch sử kiểu Pele hay Maradona.

Bây giờ, nhắc lại khoảnh khắc vàng của Maradona là nhắc tới những truyền thuyết, câu chuyện khó, thậm không thể xảy ra vào thời điểm hiện tại, khi bóng đá bị bóp nghẹt trong những toan tính chiến thuật. Thật vậy, ở World Cup 2014, đặc biệt kể từ vòng knock-out, các trận đấu đã trở thành cuộc đấu trí giữa 2 HLV. Triết lý thực dụng khô khan đã khiến những siêu sao không thể tỏa sáng. Đó là chuyện đã diễn ra ở nhiều giải đấu lớn gần đây chứ không riêng gì World Cup 2014.

Vua là… tập thể!

Điều thú vị nhất World Cup kì này là cuộc đụng độ giữa Đức và Argentina ở trận chung kết, trận đấu tiêu biểu cho cuộc chiến giữa tập thể và cá nhân. Việc Argentina mất Di Maria và Higuain sụt giảm phong độ càng khiến cho vai trò của Leo Messi tăng cao. Nhưng rốt cuộc, ngôi sao từng 4 lần giành danh hiệu QBV FIFA đã thất bại trước tinh thần Đức, kỉ luật Đức và tập thể Đức.

HLV Berti Votgs, người giúp Đức vô địch EURO 1996, từng đưa ra một phát biểu nổi tiếng rằng “Ngôi sao đích thực chỉ có thể là đội bóng!”. Quan điểm ấy thể hiện rõ nhất triết lý của người Đức. Họ không quá quan trọng vào một cá nhân nào và đã mang tới Brazil một đội hình đồng đều, đoàn kết, ai cũng như ai.

Quá khó để tìm ra ngôi sao xuất sắc nhất World Cup 2014 của đội tuyển Đức. Thomas Muller là người dẫn đầu danh sách ghi bàn của Mannschaft nhưng cũng chỉ mà mắt xích quan trọng trong cả hệ thống của HLV Joachim Loew. Tương tự là trường hợp của Kroos, Schweinsteiger, Lahm hay Hummels,…

Nên nhớ, ở giải năm nay, Đức đã mất 1 tài năng sáng giá khác là Marco Reus. Vắng nhân tố quan trọng này, Mannschaft vẫn đăng quang. Đó là minh chứng cho thấy Đức không phụ thuộc bất cứ ai. Klose rời sân, đã có Goetze tỏa sáng! Ở giải năm nay, Đức đã có 5 bàn thắng được ghi từ những cầu thủ vào sân thay người, cao nhất giải. Tính tập thể của “xe tăng” là vậy!

Đức đăng quang là cái kết có hậu cho bóng đá Đức nói riêng và là kết quả hợp lý ở Brazil 2014, giải đấu mà đấu pháp, chiến thuật mới là yếu tố mang tính quyết định. Lionel Messi đã có 1 giải đấu thành công nhưng vẫn là ông vua “không hoàn hảo”. và ở các giải đấu về sau này nữa, có thể sẽ chẳng còn Vua nào hết. Một đội bóng, muốn vô địch, phải có 1 đội hình mạnh và 1 hệ thống chiến thuật khoa học và hợp lí, thay vì phải phụ thuộc vào một hay vài cá nhân đơn lẻ.

Tổng hợp | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục