Cụ thể, VPF bị ràng buộc với hai bản hợp đồng khai thác bản quyền truyền hình với Công ty Cổ phần truyền thông Next Media. Bao gồm, hợp đồng quản lý kênh Youtube và bản quyền khai thác truyền hình (gồm truyền hình, ứng dụng online và youtube).
Sau khi ra mắt HĐQT mới, ban Giám đốc, cụ thể Chủ tịch HĐQT – kiên Tổng giám đốc VPF Trần Anh Tú đã kiểm tra và phát hiện những bất cập. Giải thích vấn đề này, ông Tú chia sẻ: “VPF đã rà soát hợp đồng ký kết với Next Media. Sau khi kiểm tra, chúng tôi nhận thấy những bất cập về mặt pháp lý và quyền lợi các giải đấu do VPF tổ chức.
Chúng tôi đã ngồi lại Next Media mong muốn phải thay đổi hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới. Nhưng tài chính là vấn đề ràng buộc nên cả hai vẫn chưa thể tìm ra điểm chung. VPF cũng gửi công văn cho Next Media nhưng vấp phải khó khăn khi không đạt được thỏa thuận.”
Trong trường hợp cuộc tranh chấp kéo dài, VPF và Next Media sẽ nhờ đến tòa án để phân định thắng thua, ông Trần Anh Tú giải thích thêm: “Làm sao để các CLB được hưởng quyền lợi trong cuộc chơi, đó là mục đích của VPF. Chúng tôi đang thực hiện những bước pháp lý với Next Media, nên có những khúc mắc về vấn đề tài chính. Nếu không tìm tiếng nói chung, cả hai sẽ nhờ cơ quan trọng tài kinh tế xét xử.”
“Tôi tin, với những Đài truyền hình nào đã ký hợp đồng với Next Media sẽ không dám tham gia bản quyền truyền hình tại V-League 2018. Còn với các Đài truyền hình không ký kết thì có quyền tham gia,” Chủ tịch Trần Anh Tú kết luận.
Theo nguyên tắc, bản quyền truyền hình các giải đấu của bóng đá Việt Nam đều thuộc về VFF. Và VFF đã giao cho VPF toàn quyền sở hữu vấn đề này. Ông Trần Anh Tú giải thích: “Tôi ví dụ như hàng đổi hàng. Đài truyền hình sản xuất và trả lại quyền lợi cho VPF quảng cáo trong 15 phút mỗi trận đấu. Còn tiền quảng cáo như thế nào sẽ do VPF quyết định và rao bán cho nhà tài trợ. Tuy nhiên, mặt hàng phải có giá trị! Nếu nhiều người muốn mua thì VPF mới hét to. Nhưng hiện tại rất khó.”