Sống ở vùng rừng núi, phải làm rẫy và ở trên những chòi cao, người dân Myanmar có môn võ Bando, bắt nguồn từ tư thế các loài động vật. Trong môn võ này có bộ heo, bắt chước loài heo rừng với các đòn đẩy ngã và tấn công bằng khuỷu tay, đầu gối. Theo võ sư lão làng Maung Gyi, người từng đưa Bando sang Mỹ phát triển, không nên xem nhẹ võ heo khi bạn chưa chứng kiến cảnh một chú heo rừng phòng vệ và tấn công lúc gặp nguy biến. Khi ấy, ngay cả những chú chó săn đáng gờm còn phải sợ hãi vì sự hung hãn và nguy hiểm từ những đòn húc, đòn quăng cả người và đòn đè từ những con heo rừng đang say máu. Đặc biệt, heo rừng có thể "quật ngã" đối phương bằng các chiêu ghì mạnh ở cổ.
Võ sư Aikido Lê Hoàng Mai nổi tiếng với các bài hướng dẫn tự vệ cho công nhân lao động. Ông cho rằng việc chú trọng luyện tập "trư pháp", mô phỏng theo thế chạy của loài heo, cũng cần nghiên cứu trên cơ sở khoa học. Với các bài tập thể lực của mình, võ sư Hoàng Mai buộc các võ sinh phải tập luyện bò và chạy như loài heo hoang dã. Điều này giúp nâng cao sức chịu đựng, khả năng ủi, đẩy trong phòng thủ và tấn công cận chiến khi phải địa chiến (thi đấu dưới đất trong tư thế nằm).
Thật ra tất cả các môn võ nói chung đều xuất phát từ vận động của những con vật. Con người bắt chước các động tác của loài vật rất dễ, tùy theo vùng miền và sự thích nghi, để rồi từ những vận động của loài vật mà sáng tác những môn võ thuật để đời. Heo rừng sống ngoài rừng phải rèn luyện bản năng sinh tồn, di chuyển bằng 4 chi liên tục nên hầu như vận động toàn cơ thể, vì thế nội tạng rất tốt. Trong võ thuật, việc luyện nội công nôm na là luyện nội tạng; khi nội tạng khỏe thì con người lúc này cực kỳ khỏe.
Do vậy, với võ heo, các động tác mà chúng ta thường thấy mô phỏng từ sự vận động của heo rừng, khi heo rừng hay dùng đầu, nanh để đào xới thức ăn hằng ngày nên đầu rất cứng và nanh rất sắc. Đây cũng là cách rèn luyện bản năng sinh tồn ngoài thiên nhiên. Khi gặp thú dữ như cọp, beo, linh cẩu, nó sẽ lao vào và húc ngã đối thủ. Xuất phát từ những kỹ năng tự vệ sinh tồn của loài heo mà con người áp dụng vào một số môn võ tự vệ đối kháng như võ vật, nhu thuật… với kỹ thuật húc ngã đối phương và kết thúc đòn.
Chọi heo cũng là một môn thể thao đầy sát thương giữa các con heo rừng với nhau hoặc heo rừng với chó săn nhằm phục vụ sở thích của con người, để mua vui, kiếm tiền hoặc cá cược. Trên thế giới có nhiều hình thức chọi heo. Ở phương Tây, hình thức này gọi là Hog-dog rodeo hay Hog-dogging, là một sự kiện quan sát mô phỏng việc săn bắt heo rừng với đấu sĩ là những con heo rừng hoang dã hoặc heo hoang với chó. Nó đòi hỏi phải có những con chó chăn cừu được huấn luyện và nuôi dưỡng đặc biệt và được sử dụng để day giật và đôi khi bắt một con heo nhà hoặc heo rừng. Tại Trung Quốc và Indonesia, việc chọi heo còn được xem là lễ hội độc đáo của một số phường săn, dù bị nhiều người phản đối vì tính dã man của nó.