Võ phái bí ẩn Nam Huỳnh Đạo

14:37 Chủ nhật 08/03/2015

Kể từ khi khai môn năm 1991 tại đình Nam Chân (đường Trần Quang Khải, quận 1, TP HCM), võ phái Nam Huỳnh Đạo đã tạo nên một luồng sinh khí mới cho phong trào võ thuật cổ truyền Việt Nam. Sau một thời gian ngắn, Nam Huỳnh Đạo đã nhanh chóng tạo được vị thế trong giới võ lâm Việt và bước ra thế giới giao lưu với võ đạo các quốc gia khác. Hiện võ phái Nam Huỳnh Đạo đã được một số địa phương đưa vào trường học dạy trong giờ rèn luyện thể chất.

Một số bậc trưởng thượng trong làng võ Việt cho rằng, Nam Huỳnh Đạo là một môn phái “sinh sau đẻ muộn”.

Thật ra, Nam Huỳnh Đạo là một môn võ đã được khai sinh từ đầu thế kỷ XVIII.

Nam Huỳnh Đạo xuất xứ từ Đông Sơn Quân?

Tổ sư khai sinh Nam Huỳnh Đạo là Đức Tiền Quân Kiến Xương Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức - một trong ngũ hổ tướng của triều Vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh (gồm Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Văn Trương, Trương Tấn Bửu).

Trong đội quân Đông Sơn của Gia Long, danh tướng Nguyễn Huỳnh Đức là một trong 4 vị chưởng quản quân đội gồm: Tiền quân Nguyễn Văn Thành, Tả quân Lê Văn Duyệt, Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức, Hậu quân Võ Tánh.

Ông có tên là Huỳnh Công Đức, tên úy là Huỳnh Tường Đức, sinh năm 1748 tại xã Tường Khánh, tổng Hưng Nhượng, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến Xương, tỉnh Định Tường (nay thuộc phường Khánh Hậu, TP Tân An, tỉnh Long An). Ông nội và cha của Huỳnh Tường Đức đều là võ quan thủy quân của triều vua Lê Hiếu Tông.

Theo các tài liệu chính sử, vào năm 1775, chúa Nguyễn Phúc Thuần bị quân Tây Sơn đánh đuổi phải bôn tẩu vào vùng Trấn Biên lẩn trốn.

Trong khi quân cứu giá ở Huế không đến kịp, một cai đội địa phương tên là Đỗ Thành Nhơn (tức Đỗ Thanh Nhân) cùng hợp lực với Huỳnh Công Đức, Trần Búa, Đỗ Vàng, Đỗ Kỵ, Vũ Nhàn, Đỗ Bảng quy tựu được 3.000 tráng sĩ ở Ba Giồng (khu vực Long An, Mỹ Tho ngày nay) thành lập đội quân hộ giá lấy tên là Đông Sơn quân.

Đội quân Đông Sơn đã nghênh chiến cùng quân Tây Sơn lấy lại được thành Gia Định rồi đón chúa Nguyễn Phúc Thuần về thành.

Nhờ đại công đó, Đỗ Thành Nhơn được chúa phong tước "Phương Quận công", Huỳnh Công Đức được phong tướng Tiền quân. Dù vậy, đội quân Đông Sơn cũng chỉ được xem là quân địa phương trú đóng tại Ba Giồng. Chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng quân chính quy di binh về Cà Mau.

Các võ sinh Nam Huỳnh Đạo đang luyện tập.

Năm Đinh Dậu (năm 1777), trước sức tấn công như vũ bão của Tây Sơn, quân chúa Nguyễn đại bại. Chúa Nguyễn Phúc Thuần bị giết. Vì Nguyễn Phúc Thuần không có con nên cháu trai là Nguyễn Phúc Ánh (chỉ mới 15 tuổi) được nối dõi.

Nguyễn Phúc Ánh thoát chết, đào tẩu về vùng Ba Giồng tìm đến đội quân Đông Sơn.

Trong suốt 2 năm, kể từ ngày cứu giá chúa Nguyễn Phúc Thuần cho đến khi Nguyễn Phúc Ánh tìm đến tá túc, đội quân Đông Sơn đã tự rèn luyện binh sĩ thành đội quân tinh nhuệ với những bài võ bí truyền. Tại đây, Nguyễn Phúc Ánh ban hịch chiêu mộ thêm binh sĩ.

Tháng 11/1777, đội quân Đông Sơn mặc toàn đồ tang do Đỗ Thành Nhơn và Huỳnh Công Đức chỉ huy tấn công quân Tây Sơn chiếm lại vùng Long Hồ và Gia Định.

Ỷ vào công lao cứu giá, Đỗ Thành Nhơn tự xưng là "Đông Sơn Thượng Tướng quân" và có những hành vi bạo ngược, vô đạo. Tuy ghi nhận công lao của Đỗ Thành Nhơn nhưng không thể dung thứ kẻ ác, Nguyễn Phúc Ánh cho người giết chết Đỗ Thành Nhơn.

Sau khi Nhơn chết, phiên hiệu Đông Sơn bị xóa. Toàn bộ binh lính được giao cho Hữu quân Huỳnh Công Đức chỉ huy.

Từ đó về sau, cuộc đời ông gắn chặt với Nguyễn Phúc Ánh, cùng nhau vượt qua gian khổ, nhất là khi Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi đến Định Tường và bị sa lầy. Chỉ mỗi một mình ông dám quay ngựa, xông thẳng về phía đối phương hô to những lời thách thức.

Do lúc này trời sắp tối, quân Tây Sơn sợ bị mai phục nên rút lui. Trong đêm đó, vì quá mỏi mệt, Nguyễn Phúc Ánh đã gối đầu lên đùi ông ngủ mê man. Khi tỉnh vậy, chúa Nguyễn thấy Huỳnh Công Đức vẫn còn đang lấy áo đuổi muỗi cho mình.

Cảm động, Nguyễn Phúc Ánh ban cho ông mang họ Nguyễn, thuộc hoàng tộc. Từ đó ông có tên mới là Nguyễn Huỳnh Đức.

Những người hậu duệ của Nguyễn Huỳnh Đức cho biết, tuy đội quân Đông Sơn do Đỗ Thành Nhơn chỉ huy nhưng việc huấn luyện võ thuật cho binh sĩ đều thuộc một tay tướng Nguyễn Huỳnh Đức.

Ông đã chỉ huy binh sĩ thuộc quyền đánh thắng quân Tây Sơn nhiều trận, điều mà trước đây nhiều tướng lĩnh nhà Nguyễn không làm được. Ông có công lớn giúp nhà Nguyễn khôi phục vương triều.

Năm 1802, khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, ông được phong tước Quận Công.

Năm 1816, ông được giao làm Tổng trấn Gia Định cùng với Trịnh Hoài Đức (làm Hiệp Tổng trấn) cai quản cả khu vực miền Nam.

Ngày 9/9 năm Kỷ Mão (1819), ông mất khi đang tại vị, thọ 71 tuổi. Sau khi ông mất, Vua Gia Long truy tặng tước hiệu Phụ quốc Thượng Tướng quân, Thượng Trụ quốc, Thái phó Quận Công, được thờ tại miếu Trung Hưng Công thần tại kinh đô Huế. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) ông lại được triều đình truy tặng là Kiến Xương Quận Công.

Hiện nay, đền thờ và lăng mộ của ông vẫn hiện hữu tại TP Tân An, Long An và đã được Bộ Văn hóa - Thể thao-Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Bí mật gia truyền

Trong những cổ thư để lại cho con cháu, Kiến Xương Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức còn để lại một số binh thư, y thư và đạo thư viết tay bằng chữ Hán và chữ Nôm.

Tất cả những cổ thư ấy được các thế hệ con cháu họ Huỳnh gìn giữ, bảo quản cẩn mật. Riêng về binh thư có nhiều quyển hướng dẫn võ công bí truyền mà các thế hệ con cháu họ Huỳnh đều được truyền thụ.

Cụ Huỳnh Văn Khanh là cháu thế hệ thứ sáu của Kiến Xương Quận Công đã thấm thấu gần trọn vẹn những cổ thư của cụ tổ.

Nhờ kiến thức truyền thừa từ cụ tổ, cụ Khanh đã dịch bộ y thư nổi tiếng Hoàng Hán y học của bác sĩ Thang Bản Cầu Chân (Nhật Bản) sang tiếng Việt.

Trước năm 1975, bản dịch này được các nhà nghiên cứu xem là kỳ công trong dịch thuật. Hiện bản sách dịch này được trưng bày trong "Đồng Nhân đường Thái Y viện" (Bệnh viện cổ truyền chuyên trị bệnh cho vua từ năm 1702 tồn tại cho đến ngày nay tại Bắc Kinh, Trung Quốc).

Võ sư Huỳnh Quốc Hùng (thứ hai từ phải qua) và Tiến sĩ Ngữ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên Bộ Giáo dục và Đào tạo (thứ hai từ trái qua) thăm viếng lăng mộ cụ tổ võ phái Nam Huỳnh Đạo: Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức.

Ngoài kiến thức Hán, Nôm, y dược, cụ Khanh còn truyền thừa võ công bí truyền của cụ tổ cho 3 người con trai (trong số 7 người con) là Phó giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng - nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM, hiện là giảng viên, Trưởng bộ môn Văn hóa Ứng dụng trường Đại học KHXH&NV TP HCM và Trường đại học Quốc gia; kỹ sư Huỳnh Tuấn Kiệt và kỹ sư Huỳnh Quốc Hùng.

Đặc biệt, Huỳnh Tuấn Kiệt là người có năng khiếu và mê đắm võ học nhất. Từ năm 5 tuổi, Huỳnh Tuấn Kiệt đã được cha truyền dạy võ công.

Ngoài những buổi truyền thụ trực tiếp từ cha, Huỳnh Tuấn Kiệt còn tìm tòi, nghiên cứu thêm những cổ thư lưu truyền của cụ tổ và tiếp thu tinh hoa của các võ phái khác như Nội gia Thiếu Lâm, Hồng gia La Phù Sơn.

Tuy tốt nghiệp kỹ thuật ngành giao thông vận tải nhưng với niềm đam mê võ học, Huỳnh Tuấn Kiệt gác bỏ mọi thứ để tập trung nghiên cứu võ thuật. Ông mượn sân đình Nam Chơn làm nơi truyền thụ võ công và tiếp tục nghiên cứu những bí thuật của cụ tổ.

Từ những quyển cổ thư, Huỳnh Tuấn Kiệt phát hiện ra những yếu quyết võ công mà sự lưu truyền của dòng tộc chưa được khai thác hết. Huỳnh Tuấn Kiệt âm thầm chiêm nghiệm và mật luyện bí ẩn của những chiêu thức võ học của gia tộc từ các quyển cổ thư suốt nhiều năm trời.

Võ sư Huỳnh Quốc Hùng - Trưởng tràng Nam Huỳnh Đạo (là em trai võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt) cho biết: "Võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt phát hiện ra rất nhiều điều bí ẩn trong võ phái của cụ tổ. Có những điều tưởng chừng chỉ có trong trí tưởng tượng của con người nhưng võ phái Nam Huỳnh Đạo thực hiện được".

Khi đã đạt được cấp độ thượng thừa, võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt vận công phát kình có thể đẩy một hàng 10 võ sĩ đang trụ tấn bật ngược ra sau hoặc có thể đẩy 2 hàng võ sĩ đang đối lực nhập thành 1.

Năm 1991, sau khi khai ngộ được những tuyệt kỹ của môn gia, trong tâm thức của Huỳnh Tuấn Kiệt thôi thúc ông truyền bá võ học đặc dị để không bị thất truyền. Huỳnh Tuấn Kiệt quyết định khai môn võ phái tại đình Nam Chơn. Năm đó, Huỳnh Tuấn Kiệt chỉ mới 23 tuổi.

Ngay sau khi khai môn, với phương pháp luyện tập khoa học, Nam Huỳnh Đạo đã thu hút được rất đông võ sinh. Mang triết thuyết Đức - Đạo - Thiền - Y - Võ, Nam Huỳnh Đạo xem trọng những giá trị đạo đức, nhân văn.

Tuy tất cả mọi người đều có thể ghi danh tập luyện võ thuật rèn luyện thể lực, điều trị các chứng bệnh do thiếu vận động nhưng để được trở thành môn đồ chính thức của võ phái thì phải trải qua một thời gian sàng lọc về đạo đức. Khi đã nhập môn chính thức, các môn sinh mới được tiếp cận các sở học uyên thâm, cao cấp của môn phái.

Hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch là ngày "bế môn" cũng là ngày xét duyệt những người tập luyện bước chân chính thức vào môn phái.

Để trở thành một cao thủ, môn sinh phải trải qua thời gian hơn 10 năm khổ luyện. Từ 4 giờ sáng, các môn sinh bắt đầu buổi tập luyện.

Ngoài luyện súc cốt công, nội công, khí công, quyền pháp, môn sinh Nam Huỳnh Đạo còn được luyện các môn binh khí như côn, thương, đao, kiếm, chùy, câu...

Điều đặc biệt là võ phái Nam Huỳnh Đạo có một hệ thống quyền pháp "Thập tam tuyệt kỹ trấn môn" rất đặc dị.

Rất nhiều người đã từng là "kẻ xấu" khi bước chân vào môn phái đã tu luyện đạo đức, bây giờ trở thành môn đồ cao cấp của Nam Huỳnh Đạo.

Anh Thu (đã đổi tên), vốn là một thành phần bất hảo ở khu vực kênh Nhiêu Lộc, hiện đang mang đai đỏ - đẳng cấp cao thủ của môn phái - cho biết: "Lúc đó em 14 tuổi, định học võ để sau này chiếm lĩnh địa bàn giang hồ. Nhưng khi vào học, nhờ những bài giảng của sư phụ, em dần nhận ra những điều hay lẽ phải. Dần dần, em từ bỏ tất cả mọi thói hư tật xấu, kể cả thuốc lá".

Từ thành phần thiếu niên bất hảo, Thu trở thành học sinh giỏi. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Thu nguyện phục vụ môn phái suốt đời. Hiện nay, hằng ngày anh Thu vừa đi truyền dạy võ vừa tiếp tục luyện tập những tuyệt kỹ võ công cao cấp.

Ngoài những tuyệt kỹ chiến đấu, phương pháp luyện tập Nam Huỳnh Đạo còn giúp người tập loại trừ được một số bệnh về xương khớp, tim mạch mãn tính và các chứng nghiện như thuốc lá v.v...

Ông Nguyễn Văn Thanh, cư ngụ quận 7 và ông Nguyễn Đức, cư ngụ quận Tân Bình, TP HCM, đều xác nhận họ từng bị đau cột sống kinh niên, điều trị tây y nhiều năm vẫn không dứt nhưng chỉ tập dưỡng sinh Nam Huỳnh Đạo hơn 3 tháng đã triệt tiêu được bệnh.

Nhiều võ sinh, trước khi vào học Nam Huỳnh Đạo là người nghiện thuốc lá nặng, sau một thời gian tập luyện, họ đã tự bỏ thuốc lá khi nào không hay. Anh Thái - một môn sinh đai đỏ khẳng định: "Không cần có ý định cai, khi luyện tập, tất cả những chứng nghiện tự triệt tiêu một cách vô thức. Có nghĩa là võ sinh tự dưng sợ khói thuốc lá, sợ các chất kích thích".

Chỉ sau 10 năm khai môn, tiếng tăm Nam Huỳnh Đạo lan khắp thế giới. Nhiều võ sĩ ở các nước châu Âu đã tìm đến tận đình Nam Chơn xin gia nhập môn phái trong đó có võ sĩ người Pháp Jef Francoi, quán quân võ tự do thế giới. Năm 2013, ông Ryu Jin Baek - Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Tổng hợp Đặc biệt Hàn Quốc đã ký kết một bản hợp đồng ghi nhớ "giao lưu" với Nam Huỳnh Đạo.

Năm 2013, Nam Huỳnh Đạo được Hội Di sản Văn hóa TP HCM công nhận là di sản dân tộc. Niên khóa 2012 - 2013, Nam Huỳnh Đạo được đưa vào chương trình dạy thể chất tự chọn ở các trường phổ thông của tỉnh Vĩnh Phúc.

Nam Huỳnh Đạo đã tạo được uy thế của mình trong làng võ Việt và thế giới.

Nông Huyền Sơn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục