Vì sao Van Gaal thành công với sơ đồ "kim cương"?

01:31 Thứ bảy 20/09/2014

HLV Louis Van Gaal đã sử dụng sơ đồ 4-3-1-2 kim cương trong trận đấu gặp QPR cuối tuần trước, giúp Man Utd giành chiến thắng đậm đà với tỷ số 4-0. Vì sao Man Utd lại có thể thành công với sơ đồ này?

Khi HLV Louis Van Gaal sử dụng sơ đồ kim cương 4-3-1-2 và giành chiến thắng đầu tiên tại Premier League, đánh bại QPR với tỷ số 4-0, đã có rất nhiều CĐV của M.U tỏ ra hào hứng với sơ đồ chiến thuật mới này. Trong mắt nhiều người, chiến lược gia người Hà Lan dường như đã tìm ra “chìa khóa thành công” cho M.U một cách tình cờ.

Bản thân Van Gaal tỏ ra khá ngạc nhiên khi chứng kiến phản ứng của các CĐV và giới truyền thông. Ông khẳng định rằng triết lý bóng đá của ông chưa hề thay đổi, và điều đó quan trọng hơn rất nhiều so với đội hình mà ông sử dụng trong các trận đấu.


Tất nhiên, sơ đồ kim cương không phải là một chiến thuật mới mẻ. Nó đã được sử dụng nhiều lần trong quá khứ, kể từ khi được “phát minh” tại Liên Xô thời thập niên 1960. Nhưng ở thời điểm năm 2014, Manchester United của Louis Van Gaal và Liverpool của Brendan Rodgers đã thành công với sơ đồ này, bởi sau một thời gian không được sử dụng rộng rãi, các đội bóng dường như đã quên mất cách chống lại nó như thế nào.

Điểm yếu cốt lõi của sơ đồ kim cương – nhất là khi nó được sử dụng trong các tình huống tấn công – nằm ở hai bên cánh. Do không có tiền vệ cánh nên sơ đồ kim cương bị “hẹp” ở chiều ngang. Điều này dẫn đến những tình huống nguy hiểm khi sơ đồ kim cương gặp phải những hậu vệ cánh có xu hướng hỗ trợ tấn công.

Điểm yếu này đã được Schalke 04 khai thách triệt để trong hai trận đấu gặp Inter Milan tại tứ kết Champions League năm 2011. Hai hậu vệ cánh của họ, Atsuto Uchida và Hans Sarpei đều tập trung tấn công vào hai cánh của Inter, và sơ đồ kim cương của đội bóng Italia đã nhanh chóng sụp đổ.

Tuy vậy, ở năm 2014, Livepool và Man Utd đã cho thấy một hướng đi mới để khắc phục điểm yếu này. Liverpool yêu cầu hai tiền đạo của họ dạt cánh để khai thác khoảng trống phía sau các hậu vệ cánh của đối phương, và điều này đã khiến các hậu vệ này không thể tham gia hỗ trợ tấn công cho các đồng đội tuyến trên.

Điều này đồng thời cũng tạo ra khoảng trống cho cầu thủ ở vị trí số 10 tận dụng, và sự di chuyển linh hoạt của cầu thủ này – cụ thể là Raheem Sterling ở Liverpool và Juan Mata ở Man Utd – khiến cho hàng phòng ngự của đối phương gặp nhiều khó khăn. Trên lý thuyết, một đội bóng sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 có thể yêu cầu một tiền vệ trung tâm lùi về ngăn cản cầu thủ số 10 của sơ đồ kim cương, nhưng hầu như không có ai ngăn cản được những mẫu cầu thủ khéo léo như Sterling và Mata.


Ở M.U, sự thay đổi từ sơ đồ 3-5-2 sang sơ đồ kim cương không phải là quá lớn, và như lời Van Gaal khẳng định, triết lý bóng đá của ông không hề thay đổi khi ông sử dụng sơ đồ kim cương.Về bản chất, sự khác biệt giữa 3-5-2 và 4-3-1-2 là ở hai điểm: Thứ nhất, một trong 3 trung vệ của 3-5-2 đã được đẩy lên khoảng 10 mét để chơi vị trí tiền vệ phòng ngự, và thứ hai, hai hậu vệ cánh đã lùi xuống thấp hơn khoảng 10 mét.

Sở dĩ Van Gaal sử dụng sơ đồ 3-5-2 và 4-3-1-2 kim cương ở Man Utd là bởi ông muốn tận dụng tối đa sức mạnh hàng công của Man Utd. Hai tiền đạo của M.U (Wayne Rooney, Robin Van Persie hoặc Radamel Falcao) sẽ khiến các trung vệ đối phương không thể kèm được Juan Mata ở vị trí số 10, và khi đó tiền vệ người Tây Ban Nha sẽ có điều kiện thi đấu tốt nhất – anh có thể ghi bàn và kiến tạo ở vị trí sở trường của mình. Những bàn thắng gần đây của Mata cho thấy anh đang được sử dụng một cách hợp lý.
Tổng hợp | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục