Vì sao thế giới hết trung vệ giỏi?

11:05 Thứ năm 07/06/2012

Khi các trung vệ hàng đầu thế giới như Stam hoặc Maldini đạt đến đỉnh cao phong độ, thì đấy cũng là lúc mà ngành thống kê số liệu chuyên môn trong bóng đá phát triển rực rỡ. Không riêng gì giới quan sát, mà cả các HLV trứ danh cỡ Ferguson đều tỏ ra ngạc nhiên khi đọc số liệu của Stam và Maldini: họ chỉ trực tiếp tranh đoạt bóng bình quân 1 lần trong 2 trận đấu.

Ferguson thừa nhận sai lầm khi bỏ rơi Stam. Ông nghĩ rằng trung vệ số một của mình đã già và… lười. Ngược lại, trung vệ khôn ngoan thì luôn biết cách thi đấu sao cho không phải rơi vào tình huống tranh chấp năm ăn năm thua với đối phương. Họ hiếm khi trực tiếp tranh bóng là vì vậy. Nếu tranh bóng và thắng 8/10 lần thì cũng vô ích, đối phương sẽ có 2 cơ hội ghi bàn trong 2 pha còn lại.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà chính Puyol đã muốn chia tay đội tuyển TBN ngay sau World Cup 2010. Sau nhiều năm chinh chiến, anh quá biết tương lai của các trung vệ như mình sẽ như thế nào.

Một mặt, vai trò trung vệ đã trở nên mờ nhạt khi sơ đồ 4-2-3-1 thịnh hành khắp nơi. Trong sơ đồ này, luôn có ít nhất một tiền vệ trung tâm trụ lại, khiến các trung vệ không còn cơ hội bước quá khu vực giữa sân để châm ngòi tấn công như trước nữa. Mặt khác, bây giờ người ta phòng thủ khu vực chứ rất ít đội phòng thủ theo kiểu “kèm chết”. Cách chơi phòng thủ khu vực đòi hỏi trung vệ có tư duy chiến thuật tốt, hơn là kỹ thuật điêu luyện.

Trước đây, Cannavaro, Stam, Maldini… tỏ ra xuất sắc vì họ đều có kỹ thuật tuyệt vời, thường tỏ ra nổi trội khi tranh chấp và chiến thắng trong cách phòng thủ “bắt chết”. Như đã nói ở trên, trung vệ bây giờ cần chơi theo hệ thống chiến thuật nhiều hơn.

Từ các lò trẻ cho đến sân tập của các đội bóng lớn, trung vệ đều phải chơi theo cách mới, nên các kỹ thuật như lấy bóng, che bóng… dần mai một, nhường “bài” cho cách di chuyển, bọc lót và chọn chỗ hợp lý. Trung vệ giỏi hết đến nơi rồi, giờ tìm đâu ra được ngôi sao!

Kinh Kha | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục