Vì sao những sân cỏ ở V-League xấu như “bãi thả trâu”?

16:06 Thứ bảy 24/01/2015

Trận Hải Phòng – HAGL ở vòng 4 V-League tuần rồi được trực tiếp trên kênh VTV đã cho thấy mặt cỏ sân Lạch Tray không khác gì mặt ruộng cày hay các sân bóng kiêm bãi thả trâu ở những vùng quê. Vì sao giải đấu có tiếng chuyên nghiệp 15 năm lại tồn tại những sân cỏ xấu xí đến vậy?

Cận cảnh mặt sân Lạch Tray trước trận Hải Phòng - HAGL ở vòng 4 V-League 2015

Sân Lạch Tray không phải trường hợp cá biệt

Sau khi hình ảnh về mặt sân Lạch Tray được truyền hình trực tiếp đến hàng triệu khán giả, không ít người bức xúc về điều kiện thi đấu tệ hại của giải đấu V-League. Một giải đấu chuyên nghiệp, tiêu tốn đến 500-600 tỷ đồng mỗi mùa giải nhưng cầu thủ lại thi đấu trên mặt sân trơ trụi cỏ, lồi lõm đất cát.

Đại diện VFF là ông Nguyễn Minh Ngọc – Trưởng BTC giải V-League trong buổi họp báo hôm qua tại TPHCM giải thích rằng do ban quản lý sân Lạch Tray nói thời tiết miền Bắc khắc nghiệt, lạnh và sương muối nên mặt đất cứng, cỏ mọc không được. Tuy nhiên đây chỉ là cách giải thích mang tính biện hộ vì trách nhiệm của BTC giải (VPF) không phải nhỏ vì VPF biết rất rõ mặt cỏ sân Lạch Tray từ trước đã không đủ tiêu chuẩn tổ chức thi đấu nhưng đã làm lơ, chỉ đến khi có trận HAGL mới phơi bày ra cho cả nước thấy.

Trường hợp của sân Lạch Tray cũng khá giống với sân Cẩm Phả của Than Quảng Ninh, sân Vinh của SLNA, sân Thanh Hóa, sân Tam Kỳ của Quảng Nam.

Sân Cẩm Phả đang được đội Than Quảng Ninh tập luyện hằng ngày

Sỡ dĩ các sân này xơ xác, xuống cấp bởi vì các CLB này đều không có sân tập riêng, phải dùng sân thi đấu để tập luyện hằng ngày, chưa kể ngoài đội 1 thì các đội trẻ, tuyến năng khiếu cũng tập luyện ở đây.

Chẳng hạn như sân Thanh Hóa vốn trực thuộc quyền quản lý của Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa và được CLB dùng để tập luyện, thi đấu. Nơi ăn ở, sinh hoạt của đội Thanh Hóa là dãy nhà 2 tầng nằm trong khuôn viên của SVĐ. Ngoài đội 1 Thanh Hóa thì các tuyến trẻ ở đây cũng dùng chính SVĐ để tập luyện ngày này qua tháng khác.

Riêng sân Cẩm Phả còn là sân tập và thi đấu không chỉ của bóng đá nam còn “gánh” thêm cả đội nữ Than Quảng Ninh. Một sân thi đấu được dùng kiểu đó không xuống cấp mới là lạ.

Vì đó là chuyên nghiệp kiểu Việt Nam

Sau bước ra sân Lạch Tray tập làm quen, dù đã được thông báo trước nhưng HLV Graechen của HAGL cũng lắc đầu ngán ngẩm: “Ở Pháp, ngay cả 1 đội hạng Năm muốn thi đấu cũng phải có mặt sân đủ tiêu chuẩn”.

Mặt sân tốt là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên chất lượng thi đấu cao, không những vậy mặt sân đẹp còn tạo nên hình ảnh đẹp trên truyền hình để thu hút quảng cáo, tài trợ. Nguyên tắc này ai cũng biết nhưng ở Việt Nam sau bao năm làm bóng đá chuyên nghiệp người ta vẫn điều hành theo "chủ nghĩa du di và thông cảm”.

Muangthong United (đỏ) và Buriam United ở Thai League thi đấu ở mặt cỏ tuyệt đẹp

Đúng nguyên tắc bóng đá chuyên nghiệp, một CLB đủ tiêu chuẩn công nhận chuyên nghiệp phải có sân tập riêng khác với sân thi đấu. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay tính cả V-League lẫn hạng Nhất chỉ có B.Bình Dương, ĐT.LA, HAGL, HN T&T, Nam Định, Vissai Ninh Bình, Khánh Hòa là tập ở sân tập riêng, còn lại hầu hết đều lấy sân thi đấu làm sân tập.

“Sau vòng thứ 8 nếu sân Lạch Tray không cải thiện mặt cỏ thì chúng tôi sẽ bắt Hải Phòng đá sân trung tập”, Trưởng BTC giải V-League Nguyễn Minh Ngọc tỏ ra cứng rắn. Nhưng, nói cứng vậy thôi chứ chính VFF, VPF thừa biết hơn ai hết việc răn đe sân Lạch Tray chỉ mang tính chữa cháy rồi trước sau gì “mèo cũng hoàn mèo”.

Đăng Khoa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục