Nổi bật với mục tiêu "tìm ra phương thức chiến đấu hiệu quả nhất", MMA cho phép các võ sĩ sử dụng tất cả kỹ năng từ đấm, đá của karate, boxing, Muay Thái tới vật khóa của judo, nhu thuật Brazil. Lúc này, các nhà vô địch của những bộ môn đơn lẻ bắt đầu “chuyển sới” qua thi đấu võ tổng hợp.
Tại Đông Nam Á, MMA đang có sự phát triển rất nhanh. Nhiều quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Philippines mỗi năm đều xuất hiện nhiều giải đấu võ tổng hợp và thu hút đông đảo người hâm mộ.
Tuy nhiên, khi những người bạn láng giềng bắt đầu hợp pháp hóa MMA và có những sự kiện võ tổng hợp cho riêng mình, khán giả Việt Nam vẫn chưa thể chứng kiến các trận đấu MMA được tổ chức ngay tại quê nhà? Điều này có thể lý giải bởi một số nguyên nhân khách quan.
Hình ảnh của MMA chưa phù hợp với truyền thống Việt Nam
Vốn đề cao tinh thần thượng võ, các môn võ truyền thống ở Việt Nam không cho phép môn sinh tấn công khi đối thủ đã ngã xuống sàn, bởi điều này tạo hình ảnh võ sĩ dùng mọi thủ đoạn để giành chiến thắng. Ngoài ra, tấn công đối thủ đã gục ngã còn tiềm ẩn nguy cơ chấn thương và mất an toàn.
Ngược lại, việc tấn công đối thủ đã ngã xuống sàn, được gọi "Ground and Pound" lại được xem như đặc trưng khác biệt nhất của MMA. Khi đối thủ đã ngã, võ sĩ MMA được phép tìm cách sử dụng các đòn tay hoặc thậm chí cả chân để tấn công lên mặt đối phương.
Đây cũng được cho là hình ảnh bạo lực nhất nếu so sánh MMA với các môn đối kháng thường thấy như karate, Muay Thái, boxing. Nếu xét trên phương diện an toàn khi thi đấu, luật lệ của MMA lại không mang đến nhiều chấn thương tích tụ nguy hiểm với võ sĩ.
“So sánh với các trận đấu boxing, khi võ sĩ bị choáng và ngã xuống sàn, họ vẫn có thể tiếp tục thi đấu sau thời gian đếm của trọng tài. Tuy nhiên, đôi khi điều này đến từ tinh thần không khuất phục chứ chưa hẳn là họ đã hồi phục hoàn toàn khỏi các chấn động. Việc lặp lại các hành động này khiến những thương tổn dần tích tụ lên vận động viên", HLV tán thủ Mai Thanh Ba, một trong các HLV tiên phong về phát triển MMA tại Việt Nam, chia sẻ với Zing.vn.
Với MMA, các võ sĩ có thể ra đòn khi đối thủ gục xuống sàn. Lúc này, trọng tài có nhiệm vụ đánh giá võ sĩ đã mất khả năng kháng cự để dừng trận đấu. Với các động tác bẻ khóa trong lúc thi đấu, trọng tài hoặc thậm chí các võ sĩ có thể tự dừng trận đấu nếu nhận thấy chấn thương nghiêm trọng có thể xảy ra.
Tiếp tục tấn công khi đối phương đã gục ngã được xem là bỉ ổi. Chính quan niệm này trở thành rào cản lớn nhất của MMA với không chỉ Việt Nam, mà còn nhiều quốc gia khác như Trung Quốc hay Thái Lan khi mới bắt đầu xuất hiện.
Ngoài ra, các võ sĩ thi đấu MMA thường xuyên có những chấn thương như vết rách nghiêm trọng hay đổ máu trên gương mặt, điều đó khiến võ tổng hợp bị quy chụp bạo lực và ảnh hưởng tiêu cực tới các nhóm khán giả.
MMA cần bộ luật riêng biệt và phức tạp
MMA không có luật? Đây là khẳng định gây hiểu lầm nhất của võ tổng hợp với khán giả và đặc biệt là các nhà quản lý thể thao trên thế giới.
Trải qua 25 năm, giải đấu đi đầu trong phát triển MMA là UFC đã phải thay đổi rất nhiều về luật thi đấu để có thể quảng bá ngay tại nước Mỹ - nơi vốn được coi là thánh địa của sự tự do nhưng cũng vô cùng khắt khe về luật lệ.
Ngoài việc bổ sung đồ bảo hộ (găng tay hở ngón, bảo hộ hạ bộ, bọc hàm) so với thời kỳ “tay không bắt giặc” ban đầu, Ủy ban Thể thao Hoa Kỳ và các bang cũng bắt đầu xem xét đưa ra các hạn chế cho MMA. Ví dụ, luật của võ tổng hợp cấm tất cả đòn đánh vào khu vực hiểm như các môn võ khác (mắt, hạ bộ, xương sống, gáy).
Ngoài ra, các võ sĩ MMA bị cấm húc đầu, ra đòn bằng chân vào đối thủ đã nằm sàn, sử dụng các đòn chỏ đặc biệt. Tất cả điều trên đều được miêu tả chi tiết trong Bộ luật Thống nhất cho MMA (Unified MMA Rules).
Với luật pháp Mỹ, các bang có quyền xem xét bỏ qua bộ luật trên và không cho phép các trận đấu MMA diễn ra trên địa phận của mình. Theo Washington Post, không có sự kiện võ tổng hợp nào được phép tổ chức ở thành phố New York cho tới năm 2016. Điều này gây tranh cãi và không ít lần được đưa lên bàn thảo luận.
Tương tự New York, nhiều nước cũng thực hiện các hạn chế với MMA, trong đó có các quốc gia phát triển như Pháp, Na Uy. Các nhà quản lý thể thao đều có lý do riêng, cũng như đi tới kết luận để cho phép MMA được xuất hiện ở quốc gia của mình hay không.
Cơ hội nào cho MMA tại Việt Nam
Nếu Muay Thái hay kick-boxing khác nhau ở việc cho phép các đòn phá trụ, đánh chỏ, lên gối, bốc vật hay wrestling (đấu vật) tự do để võ sĩ thực hiện các đòn tóm chân, quét ngã so với judo, MMA cho phép tất cả kỹ thuật đó, nhưng với hạn chế đã được quy định trong các bộ luật riêng.
Như vậy, bên cạnh rào cản về quan niệm võ thuật truyền thống đã đề cập phía trên, hiện tại Việt Nam vẫn không có cơ quan quản lý hoặc chưa áp dụng Bộ luật đủ chi tiết để cho phép MMA xuất hiện trong danh mục các môn thể thao được thi đấu chính thức.
Trả lời về vấn đề này, HLV tán thủ Mai Thanh Ba cho biết đó là điều kiện tiên quyết MMA có thể bắt đầu đi vào hoạt động tại Việt Nam.
“Hiện tại, việc có hệ thống quản lý các yếu tố như điều lệ thi đấu, đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên và trọng tài là điều kiện tiên quyết để đưa MMA đi vào hoạt động tại Việt Nam. Khi đã thành lập được liên đoàn để đưa ra các bộ luật và quy chế hoạt động, chúng ta có thể tổ chức những giải MMA của riêng Việt Nam, bên cạnh việc chào đón các giải đấu quốc tế như ONE Championship”, HLV Thanh Ba nói với Zing.vn.
Trong lần sang thăm thị trường Việt Nam, CEO Chatri Sityodtong của giải ONE Championship dành nhiều lời khen cho võ thuật Việt Nam. Vị tỷ phú người Thái biết Việt Nam có nhiều võ sĩ tiềm năng. Tại SEA Games hay ASIAD, võ thuật cũng là bộ môn mang về nhiều huy chương cho Việt Nam.
Việc sở hữu lứa võ sĩ tài năng giúp Việt Nam có điều kiện đủ để MMA được hợp pháp hóa. Điều kiện cần còn thiếu duy nhất chính là sự ra đời của liên đoàn võ tổng hợp. Theo nguồn tin riêng của Zing.vn, trong thời gian tới, Liên đoàn MMA Việt Nam sẽ được thành lập.
Lúc đó, những giải đấu võ tổng hợp sẽ du nhập và xuất hiện nhiều hơn để phục vụ những khán giả hâm mộ thể thao đối kháng.