Chiến thắng đêm 3/11 giúp Nole nâng tỷ số đối đầu với Federer lên 25-22, tiến sát hơn tới danh hiệu Masters 1000 thứ 33 (sẽ san bằng kỷ lục của Nadal nếu hạ nốt Karen Khachanov trong trận chung kết) và gần như chắc chắn kết thúc năm 2018 ở ngôi vị số 1 (đã hơn Nadal gần 600 điểm trên ATP Race). Tuy nhiên, niềm vui của Nole có lẽ chưa thật sự trọn vẹn. Bởi anh có thể thắng trên sân tennis, nhưng vẫn thua Federer trong cuộc chiến đi tìm tình yêu.
Thắng trên bảng tỷ số, chưa thắng trong lòng người hâm mộ
Nole bước vào trận bán kết Paris Masters với tư cách tay vợt số 1 thế giới (sẽ chính thức tiếp nhận vị trí đó từ Nadal vào tuần sau), ứng viên số 1 cho chức vô địch và là gương mặt giàu thành tích nhất trong lịch sử Paris Masters (4 lần).
Tuy nhiên, sự ủng hộ mà khán giả dành cho anh vẫn kém xa Federer. Khi Fed bước vào chào sân, bốn góc khán đài hò reo như sấm dậy, khán giả hô vang tên anh hòa cùng giọng đọc của MC. Khi Nole được giới thiệu, những tiếng hoan hô ít hơn hẳn và âm thanh "Novak....Djokovic" phát ra từ hệ thống loa bỗng trở nên đơn độc giữa khán đài AccorHotelsArena.
Sự chênh lệch trong tình cảm của khán giả được thể hiện rõ nhất ở những khoảnh khắc quyết định. Khi Nole có cơ hội giành set 1, khán đài im lặng như tờ và lác đác cũng chỉ có vài tiếng hoan hô cất lên khi anh tận dụng thành công set point. Khi Fed có set point ở set 2, AccorHotelsArena lập tức rung chuyển và tưởng chừng vỡ òa, bởi Fed kết thúc set 2 bằng cú passing đẹp mắt.
Khi Fed phải đối mặt với hai break point trong game bản lề của set 3 (tỷ số đang là 4-4), gần như tất cả khán giả hô vang "Roger" và mỗi cú trả giao bóng hỏng của Nole là một lần những tràng pháo tay (cho Fed, dĩ nhiên) vang lên dữ dội.
Cú trả giao hỏng khi tỷ số đang là 4-4, 30-40 ở set 3 ấy đã khiến Nole tức giận đến nỗi đập vợt và đáp lại anh là cơn mưa la ó từ các khán đài. Để so sánh, khi Fed giữ game thành công và vươn lên dẫn 5-4, thì khán giả Paris làm gì? Họ đứng hết cả dậy và thực hiện những làn sóng người, điều hiếm thấy trong các trận tennis. Giây phút ấy, nhìn Nole thật cô đơn.
Kể cũng nên nhắc lại là khán giả Pháp không hề ghét Nole. Anh sống ở Monaco, nói tiếng Pháp thuần thục, từng vô địch cả hai giải đấu lớn nhất trên đất Pháp là Roland Garros và Paris Masters. Sau trận chung kết Roland Garros 2015, khán giả Paris từng dành cho Nole tràng vỗ tay dài bậc nhất lịch sử sau và khiến anh cảm động đến phát khóc. Chỉ đơn giản là họ không yêu anh bằng Federer mà thôi.
Vì sao Novak Djokovic không được yêu?
Sự thiên lệch của khán giả trong trận đấu đêm qua chỉ là một chuyện nhỏ, nhưng nó lại là biểu trưng của xu hướng lớn hơn: Dù có cố gắng thế nào, có chơi hay đến đâu, Djokovic vẫn không được yêu mến bằng Nadal hay Federer.
Dẫn chứng? Trên mạng xã hội, lượng người theo dõi của Nole chỉ bằng già nửa Federer và Nadal. Thu nhập từ quảng cáo - một thước đo khá chính xác cho mức độ ảnh hưởng - của Nole cũng “chỉ” đạt khoảng 23 triệu USD mỗi năm, vẫn còn kém Nadal (26 triệu), chứ đừng nói Federer (51 triệu) mặc dù Nole mới là tay vợt thành công nhất trong thập niên này, cũng là giai đoạn bùng nổ của các mạng xã hội.
Tính từ 2011 đến nay Nole bỏ xa cả hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất về cả số danh hiệu Grand Slam, số danh hiệu Masters 1000 cũng như số tuần ở vị trí số 1. Vậy đâu là lý do khiến Nole có ít fan hâm mộ hơn cả Federer lẫn Nadal?
Đầu tiên là lý do thời thế. Phần lớn fan hâm mộ tennis đều trung thành và không dễ gì chuyển sang yêu thích một tay vợt khác, nhất là khi đó là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của thần tượng. Nole vươn lên số 1 thế giới vào năm 2011, khi cả Federer lẫn Nadal đều đã xây chắc vị trí tượng đài của mình trong làng tennis.
Phần lớn người hâm mộ đã trót yêu một trong hai huyền thoại sống này, và lượng fan của Nole chỉ có thể đến từ những khán giả mới theo dõi tennis hoặc những fan trung lập (nhưng lượng này không nhiều). Đến tận bây giờ, bộ đôi Fedal vẫn còn thi đấu, và chừng nào họ còn xách vợt ra sân thì đâu có lý do gì khiến fan của họ chuyển sang hâm mộ Nole.
Thứ hai là lý do về phong cách thi đấu. Federer nổi tiếng với phong cách thanh lịch, quyến rũ, Nadal xây dựng tên tuổi nhờ tinh thần chiến binh. Còn phong cách của Nole khó định nghĩa. Anh rất toàn diện, chơi trên mặt sân nào cũng hay, nhưng khó để chỉ ra một điểm đặc trưng trong lối chơi của tay vợt người Serbia.
Ở chừng mực nào đó, lối chơi của Nole được xây dựng dựa trên điểm yếu của đối thủ. Đối thủ yếu ở đâu, anh sẽ điều chỉnh lối chơi để khoét vào đó. Lối đánh của Nole vì thế có thể được gói gọn trong hai từ "linh hoạt", nhưng lại không có hình thù rõ ràng và tương đối khó để người hâm mộ bình thường thưởng thức.
Không may cho Nole, đối thủ chính của anh trong giai đoạn 2012-2016 là Andy Murray cũng có lối chơi khá thụ động, khiến cho những cuộc đối đầu Djokovic - Murray (họ gặp nhau 6 lần ở chung kết Grand Slam trong vòng chưa đầy 4 năm) trở nên buồn tẻ và chỉ làm người hâm mộ thêm nhớ về những trận cầu rực lửa giữa hai tay vợt đối lập về phong cách là Federer và Nadal.
Thứ ba là lý do về văn hóa. Bản thân quốc tịch Serbia của Djokovic cũng khiến anh phần nào đó kém long lanh hơn so với Federer hay Nadal, ngoài ra khán giả Âu Mỹ cũng ưa thích sự hào hoa của Federer hoặc sự khiêm tốn của Nadal hơn là phong cách có phần tự do, thoải mái thể hiện bản thân (đặc biệt trong giai đoạn đầu sự nghiệp) của Djokovic. Người ta rất hiếm khi thấy Federer hoặc Nadal nổi nóng, đập vợt, nhưng Djokovic không ít lần thể hiện sự giận dữ trên sân và những lần anh tỏ ra bực tức với khán giả cũng không phải là hiếm.
Do sự gần gũi về văn hóa và ngôn ngữ nên Federer (có mẹ là người Nam Phi và tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ theo đúng nghĩa đen) nhìn chung chiếm lĩnh các thị trường nói tiếng Anh, Nadal thống trị ở những nơi nói tiếng Tây Ban Nha, còn Nole chỉ có hy vọng cạnh tranh tại châu Á, nhưng ngay cả tại đây thì độ phủ sóng của Fedal cũng không hề tồi.
Cuối cùng là vấn đề về "nhận dạng thương hiệu". Trong mắt một bộ phận khá lớn người hâm mộ thì tennis đồng nghĩa với Federer, Nadal thời trẻ là kẻ thách thức nhưng nay đã trở thành phần bổ sung cho những gì chưa hoàn hảo của Federer, còn Djokovic là vai phản diện, kẻ chống lại hai tượng đài. Xét về sở trường, Federer là vua sân cỏ và cứng, Nadal là vua sân đất nện. Federer đang giữ kỷ lục về số lần vô địch ở Australian Open, Wimbledon và US Open, Nadal là vô đối ở Roland Garros.
Còn Djokovic là gì? Anh chơi mặt sân nào cũng hay, nhưng không có mặt sân nào là nơi anh thực sự lên ngôi vua. Trên mặt sân tốt nhất của mình (sân cứng), Nole có 9 chức vô địch Grand Slam (6 AO + 3 USO) so với 11 (6 AO + 5 USO) của Federer, tại giải Grand Slam tốt nhất của mình (Australian Open), Nole vẫn đang phải chia sẻ kỷ lục với Fed.
Biết đâu lại là điều tốt… Nhưng nếu có ai đó luôn biết cách biến nghịch cảnh thành sức mạnh, thì đó hẳn là Nole - người đã trải qua các bài tập tennis đầu đời bên những hố bom và xa gia đình từ khi 12 tuổi để sang Đức học tennis.
Trong trận chung kết US Open 2015, một trong những lần mà khán giả thiên vị Federer rõ ràng nhất, Nole làm gì khi 23.000 người trên sân Arthus Ashe gầm vang "Roger! Roger!". Anh bảo: "Tôi cứ tưởng tượng như họ đang hô Novak! Novak!". Trận ấy, Nole cứu được tới 19 trong số 23 break point và hạ gục Federer (vốn đang chơi cực hay, mới chỉ bị bẻ game 2 lần trong cả giải và chưa thua set nào kể từ Wimbledon 2015) 3-1.
Trận bán kết Paris Masters hôm 3/11, Nole lạnh lùng dập tắt sự thăng hoa ở cuối set 3 của Federer bằng những cú giao bóng 1 chính xác trong loạt tie-break. Có lẽ Nole sẽ chẳng bao giờ được yêu mến như Federer hay Nadal, nhưng biết đâu đó lại là điều tốt. Chính khát vọng phải vượt qua Fed và Rafa đã thôi thúc Nole liên tục phấn đấu để rồi hoàn thiện như bây giờ. Chính vì khán giả mãi vẫn chưa yêu anh nên Nole mới không ngừng chiến đấu. Và trong cuộc đua vô tiền khoáng hậu giữa ba huyền thoại này, chắc chắn khán giả yêu tennis là người thắng cuộc.