Vén màn bí mật vụ Công Vinh xuất ngoại

13:14 Thứ ba 23/07/2013

Bất chấp sự chỉ trích của NHM bóng đá xứ Nghệ, Công Vinh vẫn quyết định đầu quân cho Consadole Sapporo với bản HĐ cho mượn 4 tháng. Đây là thương vụ không bất ngờ bởi nếu phân tích kỹ thì nó mang lại lợi ích cho cả 3 bên tham gia, từ Consadole Sapporo, SLNA cho tới chính Công Vinh.

Consadole Sapporo cần 1 tiền đạo

Bỏ lại sau lưng hành trình dang dở của Sông Lam Nghệ An (SLNA) tại V-League 2013, Công Vinh đã quyết định đầu quân cho Consadole Sapporo, CLB đang thi đấu ở giải hạng Nhì Nhật Bản. 4 tháng hợp đồng không phải điều gì quá to tát và chuyện cầu thủ Việt ra nước ngoài thi đấu cũng không còn là chủ đề mới lạ ở Việt Nam.

Cái đáng bàn là những bí ẩn xung quanh chuyến đi này của chân sút xứ Nghệ. Ngay sau khi Công Vinh kí hợp đồng với Consadole Sapporo, đã có không ít lời bàn tán cho rằng đây chỉ là thương vụ có ý nghĩa quảng cáo đơn thuần, bởi ai cũng biết Sapporo là thương hiệu bia nổi tiếng của xứ sở hoa Anh đào.


Nhưng thực tế có thể không đơn thuần được nhìn nhận ở góc độ quảng cáo, hay quảng cáo thương hiệu. Trong bản hợp đồng với Công Vinh, CLB Consadole Sapporo đã đề cao vấn đề về chuyên môn. Nên nhớ, ở mùa giải 2012, đội bóng Nhật đã liên hệ với Công Vinh khi tiền đạo này còn thi đấu cho CLB bóng đá Hà Nội. Song do một số trục trặc nên cuối cùng hai bên vẫn chưa đạt được ước nguyện.

Bởi vậy, không bất ngờ khi Consadole Sapporo đã đánh tiếng mời Vinh về Hokkaido sau khi giai đoạn lượt đi J.League kết thúc.

Vào thời điểm này, Consadole Sapporo đang thiếu tiền đạo, lại gặp khó khăn trong cuộc chiến trở lại J-League. Việc Công Vinh đang dẫn đầu danh sách dội bom tại V-League với 14 bàn thắng chẳng khác nào lời mời gọi không thể cưỡng nổi với Chủ tịch Yoshikazu.

Ở Việt Nam, 1 tỉ chi ra để mượn 1 cầu thủ trong vòng 4 tháng có thể là 1 con số lớn. Nhưng tại Nhật, đó không phải điều đáng bàn, nhất là khi Công Vinh đã nằm trong danh sách ưa thích của Consadole Sapporo. Ngay cả mức lương 7 nghìn USD/tháng dành cho Công Vinh cũng chỉ là khoản đãi ngộ tầm trung ở J-League 2.

Cũng liên quan tới vấn đề này, đại diện của công ty bia Sapporo Việt Nam đã bác bỏ thông tin cho rằng Consadole Sapporo chiêu mộ tiền đạo Công Vinh nhằm quảng bá cho thương hiệu bia lâu đời nhất Nhật Bản tại thị trường Việt Nam.

Thực tế, hãng bia Sapporo và CLB Consadole Sapporo là 2 đơn vị hoàn toàn độc lập. CLB này đặt trụ sở tại thành phố Sapporo thuộc đảo Hokkaido, thuộc sở hữu của tập đoàn Toshiba, không liên quan tới hãng bia Sapporo. Bởi vậy, việc đội bóng này chiêu mộ chân sút số 1 Việt Nam thuần túy là vì lý do chuyên môn. Thậm chí, theo kế hoạch, Consadole Sapporo sẽ mua đứt Công Vinh từ CLB bóng đá Hà Nội nếu chân sút xứ Nghệ gây ấn tượng trong 4 tháng sắp tới.

Nhưng ngay cả khi Consadole Sapporo chiêu mộ Công Vinh vì mục đích thương mại, thì Công Vinh và SLNA cũng có quyền tự hào khi nhận được niềm tin từ một thương hiệu danh tiếng từ Nhật Bản.

Cả SLNA và Công Vinh đều hưởng lợi!

Không thể phủ nhận những đóng góp mà Công Vinh mang lại cho SLNA ở V-League mùa này. Đó là 14 bàn thắng giúp đội bóng xứ Nghệ dẫn đầu V-League sau vòng 16. Đang có trong tay một chân sút nội đẳng cấp, SLNA đã tự làm suy yếu sức mạnh của chính mình khi để Công Vinh ra đi. Quyết định ấy khiến không ít NHM bóng đá xứ Nghệ thất vọng.

Nhưng suy cho cùng, SLNA có lí do để làm việc này. Trong buổi họp báo chiều qua tại Vinh, Giám đốc điều hành SLNA, ông Hồ Văn Chiêm thừa nhận việc để Vinh ra đi là vì muốn tiền đạo này có cơ hội khẳng định mình. Điều đó có vẻ đúng nếu đội bóng xứ Nghệ để Vinh ra đi khi V-League 2013 kết thúc, giống như việc Hà Nội T&T đã làm khi cho Công Vinh “du học” ở Leixoes vào năm 2009.

Đằng này, V-League đang trong giai đoạn khắc nghiệt nhất. Công Vinh lại là 1 trong những trụ cột không thể thiếu. Có chăng SLNA đã đặt lợi ích kinh tế lên trên những lời "ngụy biện" về chuyên môn. Chỉ với 4 tháng cho mượn Công Vinh, đội bóng xứ Nghệ đã thu về 1 tỉ đồng, gấp đôi khoản tiền mà họ đã mượn tiền đạo này từ CLB bóng đá Hà Nội.

Và từ mùa giải 2014, SLNA sẽ sở hữu hoàn toàn Công Vinh mà không mất thêm 1 đồng chuyển nhượng. Với khoản chi phí nhận từ Consadole Sapporo, cũng đồng nghĩa đội bóng xứ Nghệ gần như "lấy không" Công Vinh. Nên nhớ, HN T&T và CLB BĐ Hà Nội đã phải bỏ ra tới 21 tỷ đồng "lót tay" cho Công Vinh.


Với một đội bóng phải tính toán chi li để đảm bảo các hoạt động từ đội chính tới các đội trẻ như SLNA, có thêm 1 tỉ đồng từ bản HĐ kéo dài 4 tháng của Công Vinh, thực sự là điều quý giá. Hơn nữa, chức vô địch V-League 2013 có lẽ cũng chẳng phải mục tiêu “sống chết” với SLNA, bởi họ đã từng nhiều lần phải đi “du lịch giá đắt” tại sân chơi châu lục như AFC Cup.

Về phần Công Vinh, tiền đạo này cũng có được những lợi ích riêng khi quyết tâm rời bỏ màu áo quê hương. Trong buổi họp báo chiều qua, Vinh thừa nhận muốn ra đi để tìm kiếm cơ hội khẳng định dù đó là quyết định khó khăn: “Tất nhiên, để đánh đổi những cái được đó thì tôi cũng phải chịu thiệt thòi một chút nhưng nếu đặt lên bàn cân thì những cái được lớn hơn cái mất nhiều”.

Ở Consadole Sapporo, Công Vinh sẽ được hưởng mức lương 7 nghìn USD/tháng (gần 150 triệu đồng). Đây chỉ là khoản đãi ngộ trung bình ở J-League 2 nhưng lại là nguồn thu khổng lồ so với mặt bằng chung tại V-League. Con số này gấp tới 5 lần mức lương mà Vinh đang hưởng ở SLNA. Chỉ trong 4 tháng hợp đồng, Công Vinh có thể thu về tới 600 triệu, chưa kể các khoản thu bên lề khác. Cơ hội đến, nhất là khi V-League sắp kết thúc, Công Vinh không thể bỏ lỡ.

Cái lợi thứ 2 của Công Vinh là việc anh được cải thiện khả năng trong môi trường mới chuyên nghiệp hơn. Chuyến đi sắp tới của chân sút xứ Nghệ có nhiều điểm khác biệt so với trải nghiệm ở Leixoes trước đây. Ở lần xuất ngoại này, Vinh sẽ có cơ hội ra sân thực sự chứ không sắm vai “kẻ học việc” như năm 2009.

Hơn nữa, Consadole Sapporo đang thi đấu ở giải hạng Nhì Nhật Bản, giải đấu có trình độ chuyên môn không quá vượt tầm so với V-League. Cơ hội tỏa sáng của Vinh là không nhỏ, nhất là khi anh đang duy trì phong độ khá ấn tượng. Lợi là vậy song chân sút 27 tuổi này vẫn đang đối mặt với không ít thách thức.

Trong quá khứ, bóng đá Việt đã từng có nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu như Huỳnh Đức (Lifan Chongqing), Việt Thắng (Porto B), Lương Trung Tuấn (Cảng Thái Lan) hay chính Công Vinh (Leixoes),… Nhưng trong môi trường mới với chế độ ăn ở, sinh hoạt hoàn toàn khác, lại bị cản trở bởi yếu tố ngôn ngữ, những cầu thủ trên đều không thể tỏa sáng.

Đó là những khó khăn mà chắc chắn Vinh sẽ lại đối mặt trong lần xuất ngoại thứ 2 này.
Phương Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục