Van Persie: Hồn Pháo áo Quỷ

14:49 Thứ hai 05/11/2012

Trong bóng đá luôn có những sự ra đi. Robin Van Persie đã chọn cách ra đi như một người đàn ông, có trách nhiệm với sự nghiệp, chí hướng của bản thân nhưng không vứt bỏ đi những nghĩa tình xưa cũ. Anh đã cư xử đủ đúng đắn ngay trong lần đầu tiên gặp lại “mối tình 8 năm” Arsenal, đó có lẽ là cách tốt nhất để xóa nhòa khoảng cách quá lớn giữa hai đội bóng từng nhiều ân oán, trả lại sự yên bình cho nhiều tâm hồn cổ động viên, và nhắc nhở bóng đá về giá trị con người trong nó.

Không ngoảnh lại không có nghĩa là quên đi

Không ai biết chắc những Nasri, Adebayor có tiếc nuối nhiều về những tháng ngày trong màu áo Pháo thủ hay không, nhưng dù tiếc, họ cũng sẽ không còn có thể cho mình thể hiện ra một khi đã làm và đã nói những điều “như thế”. Từ sâu thẳm tâm hồn mình, đó không phải những người “yêu” Arsenal, họ đến với đội bóng có thể bởi tên tuổi, bởi tiềm năng lúc bấy giờ, bởi đó là nơi tốt nhất họ chọn được khi ấy, cái đích của họ là phát triển sự nghiệp, hy vọng của họ là tìm lấy vinh quang, còn mặc áo gì cũng không quan trọng.

Van Persie đáng được tôn trọng với những gì anh đã làm cho Arsenal. Ảnh: Internet.

Vừa thỏa mãn vấn đề kinh tế và chen chân trong đội ngũ lấp lánh của Man City, Nasri ngay lập tức ngoảnh đầu công kích đội bóng cũ, thách thức các cổ động viên, và lấy danh hiệu PL làm cái cớ chứng minh sự chọn lựa của mình là đúng, dù ai cũng biết ở Etihad Nasri cũng chỉ là một nhân vật “bình thường”, không có nhiều dấu ấn trong các chiến công. Chưa bàn tới việc thích làm “đuôi voi” hơn “đầu chuột” vì đó là ý muốn cá nhân, song thái độ vô ơn của anh sẽ khiến cầu thủ trẻ người Pháp không thể nào ngẩng mặt khi về Emirates được nữa, nó cũng chặn đứng mọi sự cảm thông mà người ta có thể dành cho anh, tất cả sẽ chỉ là sự khinh miệt chê cười khi anh vấp ngã. Adebayor còn “khổ” hơn, pha ăn mừng hợm hĩnh khó quên kia sẽ mãi biến anh thành một kẻ phản bội xấu xí. Lúc này khi phải long đong phiêu bạt qua bao nhiêu đội bóng, lãng phí những tuổi đời để thấy chỗ đứng đích thực là ở đâu, hẳn anh cũng thấy cái giá của người gạt bỏ hết nghĩa tình để chạy theo sự phù phiếm là không hề rẻ.

Van Persie có thể bị đốt áo, có thể bị chửi rủa thậm tệ không kém bởi anh là “đội trưởng”, bởi anh là người giỏi nhất, và nơi anh đến thì lại là đại kình địch M.U. Anh đã đá từ đầu mùa như thể là một “Quỷ đỏ” từ lâu, chỉ cần một trận đấu để xua đi sự bỡ ngỡ, chẳng có áp lực tâm lý nào đè lên cái chân trái của anh, và từ đó cứ tiến lên, dường như không ngoảnh lại. Cái cương quyết và lạnh lùng ấy lại chẳng hơn nhiều sự nhỏ nhen, bôi bác của những Nasri, Adebayor hay sao? Vậy mà người Arsenal vẫn chạnh lòng, và một số vẫn căm ghét anh ra mặt. Đến khi anh ghi bàn mà không ăn mừng dù đang ở Old Trafford, khi anh ôm lấy Wenger, ai đó vẫn có thể cho anh là giả tạo, là toan tính, vẫn trách sao anh không ăn mừng “thật lòng” và tỏ ra đáng ghét hơn. Phải, có người vẫn đau, có người sẽ nhớ, có người ủng hộ, song họ đều không thể ảnh hưởng lên cách Van Persie hành động, anh vẫn xử sự đường hoàng như một người đàn ông, quyết đoán nhưng không hề gạt phăng tình nghĩa.

Hồn Pháo, áo Quỷ

Cái ơn phát hiện, chăm sóc, tìm ra vị trí thích hợp cho Persie của Arsenal và Arsene Wenger là không phải bàn cãi. Anh đã không đến Man City “trọc phú” - đội bóng trái ngược hoàn toàn với Arsenal, không đến Juventus để từ bỏ môi trường đỉnh cao Ngoại hạng, anh chọn M.U vì truyền thống và danh tiếng, cũng vì đó là một đội bóng căn cơ, với một huấn luyện viên lão làng, nhiều nét tương đồng với Pháo thủ.

Dù thi đấu ở đâu, Van Persie luôn thể hiện sự chuyên nghiệp của một cầu thủ. Ảnh: Internet.

Sự thù địch giữa M.U và Arsenal chỉ là sự tưởng tượng của một bộ phận cực đoan người hâm mộ, hiệu ứng đám đông và nỗi buồn tay trắng khuếch đại nó lên thành làn sóng chống lại Van Persie. Cũng chẳng có nghĩa gì, bởi bây giờ Arsenal nhớ anh nhiều hơn quên, bởi anh là cái cây lặng dù gió cố tình thổi, bởi anh đang dần trở thành sợi dây hòa giải giữa hai thế lực của Manchester và London nhiều năm qua so kè từng trận đấu. Ghét nhau, cãi vã nhau, nhưng tôn trọng nhau, đó là Arsene Wenger và Sir Alex, khác nhau nhưng đều hướng đến sự cống hiến và làm bóng đá lâu dài, đó là Arsenal và M.U, cuồng nhiệt với tình yêu nhưng cũng rất biết phải trái, đạo lý, đó là những fan chân chính của cả hai. Lúc ra sân họ là “thù”, nhưng xét về lý tưởng bóng đá, dường như lại là bạn, là bạn giữa những Man City, Chelsea, Real, những “nhà giàu” chi tiền không phải nghĩ.

Van Persie có nương chân trong một vài pha dứt điểm trước Arsenal thì có lẽ Sir Alex cũng không thể trách, Arsenal có thụt lùi, có bế tắc thì nhiều người M.U cũng chẳng lấy làm vui. Không ít các Manucians khâm phục những Henry, Bergkamp, thưởng thức họ dù đôi khi phải “chửi thầm” vì vượt mặt M.U, cũng sẽ không ít fan Arsenal dành cho Sir Alex và một M.U giàu truyền thống sự tôn trọng, không ai bắt họ phải như thế, nhưng vì đó là bóng đá, là một “tôn giáo chung”, bất chấp ngôn ngữ khác nhau, sự “bất đồng văn hóa” giữa mọi người.

Sau sự ra đi của Van Persie là một Arsenal tiếp tục cặm cụi gồng mình trên con đường tìm lại ánh hào quang, là một M.U dựng xây hy vọng mới sau một mùa tay trắng, cuộc sống luôn vận động, con người đến rồi đi, những gì phát triển là những gì hướng về phía trước, thay vì quẩn quanh, moi móc mãi những khó chịu nhất thời. Không phải ai cũng tỉnh táo, thẳng thắn, mẫu mực được như Persie sau tất cả những thù ghét, búa rìu mà anh phải chịu, mỉm cười với ngay cả những người không hề hiểu, thông cảm với mình. Đó là lựa chọn của anh, và cũng có thể là lựa chọn của nhiều fan chân chính khác, không dè bỉu, không chế nhạo, không đả kích, không gì cả, Van Persie của Arsenal hay Van Persie của M.U thì vẫn là một con người bình thường làm nghề cầu thủ mà thôi. Chúc anh thành công trong thời gian khoác lên mình chiếc “áo quỷ”, sự chuyên nghiệp ấy sẽ chỉ càng làm tôn lên những gì tốt đẹp được đọng lại từ “hồn pháo” trong anh.

Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục