Tại SEA Games 30, bóng đá nam vẫn là nội dung thi đấu được quan tâm bậc nhất, đặc biệt là với NHM Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến háo hức với viễn cảnh giải cơn khát vàng tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á đã kéo dài 60 năm, không ít người lại cho rằng một sân chơi “ao làng” thì “không đáng” để đội bóng của chúng ta dồn quá nhiều tâm sức.
Cuộc tranh luận này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, và cũng không phải đến kỳ đại hội này mới xuất hiện. Ở các quốc gia có khả năng tranh chấp ngôi vương bóng đá nam khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, NHM, giới chuyên gia và cả những người làm chuyên môn vẫn chưa bao giờ đồng nhất về ý kiến. Mặc dù vậy, nếu xét riêng những gì SEA Games 30 đã mang tới cho đến nay, có thể nói cái mác “ao làng” vẫn còn đó, nhưng trình độ của sân chơi này đã phản ánh một tín hiệu rất đáng khích lệ với bóng đá khu vực.
Trước hết, cần phải hiểu rõ tại sao bộ môn bóng đá nam ở SEA Games được gắn cái mác “ao làng”. Có 3 lý do chính yếu giải thích cho điều này:
Thứ nhất, bộ môn bóng đá nam tại SEA Games không được công nhận chính thức bởi FIFA. Đây không phải là vòng loại cho bất kỳ giải đấu nào của châu lục, các kết quả không gây ảnh hưởng đến thứ tự xếp hạng trên các bảng đánh giá quốc tế, đồng nghĩa rằng đây thuần túy chỉ là nơi các đội bóng Đông Nam Á so kè ''kẻ thấp người cao''.
Thứ hai, cách thức tổ chức của bộ môn bóng đá nam SEA Games luôn mang đến cảm giác thiếu chuyên nghiệp. Năm này qua năm khác, những câu chuyện như đội chủ nhà được chọn bảng dễ, độ tuổi đăng ký bị đổi đi đổi lại, lịch thi đấu bất hợp lý,... vẫn cứ tái lặp như một căn bệnh trầm kha.
Kỳ đại hội trên đất Philippines cũng không phải ngoại lệ, thậm chí vấn đề còn có phần bi đát hơn các năm trước. Ngay đến những yếu tố tối thiểu như khẩu phần ăn của cầu thủ, mặt sân thi đấu và tập luyện, hay cơ sở vật chất của sân vận động,... tất cả đều bị phàn nàn liên tục. Thêm cả những câu chuyện bi hài như cầu thủ Brunei không có tên trong đội hình xuất phát... vẫn ra sân, hay công tác trọng tài còn nhiều bất cập như 2 tình huống bắt việt vị khó hiểu với Văn Hậu ở trận ra quân của U22 Việt Nam,... thật khó để người ta có thể tin đây là sân chơi chuyên nghiệp của bóng đá khu vực.
Thứ ba, và cũng là lý do cực kỳ quan trọng dẫn đến cái mác “ao làng” của SEA Games, chính là trình độ của các đội bóng tham dự giải. Một giải đấu có thể bị ảnh hưởng bởi công tác tổ chức, nhưng điều quyết định đến sự thành công và mức độ đáng chú ý của nó vẫn là thực lực của các đại diện góp mặt. Vấn đề này đã luôn gây trăn trở ở các kỳ đại hội trước, bởi nhiều trận đấu tại SEA Games không đủ gây hứng thú cho người xem, từ đó tạo ấn tượng về một giải đấu được tạo ra thuần túy chỉ để “so bó đũa, chọn cột cờ” tại vùng trũng bóng đá...
Như đã đề cập, trình độ của các đội bóng, mức độ hấp dẫn của các trận đấu mới là thước đo xác đáng nhất để đánh giá một giải đấu. Và nếu xét trên tiêu chí này, trên thực tế, bộ môn bóng đá nam của SEA Games 30 đang khiến người ta phải thay đổi góc nhìn.
Nhìn vào các đội bóng trước khi dự giải, các CĐV đã có thể đặt ra nhiều kỳ vọng: U22 Việt Nam với dàn hảo thủ trong tay “thầy phù thủy” Park Hang-seo; Thái Lan cũng có HLV Akira Nishino trên băng ghế huấn luyện, cùng các cá nhân đáng chờ đợi như Supachok Sarachat, Supachai Jaided, tương tự là Indonesia của những Egy Maulana Vikri, Saddil Ramdani hay Osvaldo Haay. Chủ nhà Philippines, Malaysia, Myanmar cùng Singapore cũng có những lý do riêng để tự tin và quyết tâm, trong khi Lào, Campuchia – các đội bóng vẫn bị liệt vào diện “lót đường” – đã có những bước chuyển mình đáng kể ở cấp độ trẻ.
Và quả thật, khi trái bóng bắt đầu lăn trên các mặt cỏ nhân tạo ở SEA Games 30, NHM đã không phải thất vọng với chất lượng chuyên môn của giải đấu. Khoảng cách về trình độ đã được rút ngắn không ít, từ đó mang lại sự thú vị trong các trận cầu. Tại bảng B, U22 Việt Nam được đánh giá cao hơn hẳn U22 Lào cũng trải qua những phút bế tắc ở hiệp 1, thậm chí để thủng lưới. Đương kim vô địch U22 Thái Lan thua tâm phục đối thủ Indonesia, trong khi Singapore không tìm được chút dễ thở nào khi chỉ hòa Lào và để thua các cầu thủ trẻ Xứ Vạn đảo.
Bảng A cũng là câu chuyện tương tự khi cuộc đua tranh giữa Malaysia – Myanmar – Campuchia – Philippines đang diễn ra đầy kịch tính. Như vậy, ngoại trừ 2 nền bóng đá Timor Leste và Brunei vẫn còn bị bỏ lại xa, 9 đội bóng ở SEA Games đều đủ khả năng tác động đến cuộc đua cho tấm vé vào vòng loại trực tiếp.
Theo dõi những cuộc đối đầu ở bộ môn bóng đá nam SEA Games tính đến thời điểm này, NHM luôn có thể chờ đợi những bất ngờ, sự kịch tính, hay ít nhất là màn trình diễn có dấu ấn chuyên môn rõ nét từ các đại diện của bóng đá khu vực. Cái thời mà Lào, Campuchia bất lực trước Việt Nam, Philippines; Thái Lan băng băng về đích không một chướng ngại; hay các đội như Malaysia, Indonesia, Myanmar “bỏ bóng đá người” giờ đây đã chỉ còn là quá khứ. Các nền bóng đá ở Đông Nam Á đang trên đà thăng tiến mạnh mẽ, đại diện U22 của họ giờ đây đều tự tin chơi thứ bóng đá có bản sắc, có cá tính. Dù kết quả của mỗi đội có thể khác nhau, nhưng đây chắc chắn đã là một tín hiệu khởi sắc.
Tựu trung lại, nếu xét về công tác tổ chức hay mức độ được công nhận, bộ môn bóng đá nam tại SEA Games 30 vẫn có thể bị coi là sân chơi “ao làng”. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chất lượng chuyên môn của các đội bóng, kỳ đại hội này đã có thể coi là giải đấu mang đến niềm hy vọng về một ngày không xa, Đông Nam Á không còn là “vùng trũng”.