V-League trở lại

07:53 Chủ nhật 05/04/2015

1. Cuối tuần này, V-League 2015 sẽ trở lại, bắt đầu từ vòng 9. Những tưởng thành công của Olympic Việt Nam tại vòng loại U.23 châu Á sẽ là luồng sinh khí để V-League được chào đón hơn, nhưng xem ra sự phát triển của giải đấu số 1 Việt Nam vẫn còn là một dấu hỏi.

Sự cố đầu tiên đó là giải hạng nhất (tức V-League 2) không có nhà tài trợ mới và ngân hàng Kiên Long phải tiếp tục đồng hành với giải đấu chỉ có 8 đội diễn ra trong vòng 2 tháng ngắn ngủi này. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, giải hạng nhất chỉ có 8 đội tranh tài, một con số quá ít để bảo đảm chất lượng của giải đấu vốn được xem là “sân sau” của V-League. Đáng tiếc là trong 8 đội bóng dự giải thì đến 6 đội không có nhu cầu thăng hạng vì vướng cơ chế khiến ngân sách đầu tư chỉ đủ đá hạng nhất. Với chất lượng như vậy, liệu đội bóng đứng đầu giải hạng nhất để giành quyền đá V-League mùa sau có thể tạo được sự an tâm không? Muốn V-League mạnh thì giải hạng nhất cũng phải mạnh. Càng nhiều đội muốn được đá chuyên nghiệp thì V-League mới đủ khả năng phát triển. Đằng này…

Giai đoạn 2 V-League thi đấu trở lại bằng trận Bình Dương - HN T&T. Ảnh: Nguyễn Nhân

2. Qua khảo sát ý kiến từ các CLB hạng nhất, đa số đều cho biết họ không muốn thăng hạng vì… chờ V-League “khá hơn”. Đại diện một CLB hạng nhất cho biết, ngân sách để đá V-League nhiều gấp 4 lần nhưng nguồn thu thì cũng chẳng khá hơn hạng nhất. Muốn thăng hạng đá V-League thì phải tìm doanh nghiệp đầu tư, nhưng hiện tại, ngay như V-League có 14 đội thì hết 7 đội hiện không thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa, nếu thăng hạng thì… “chỉ có chết”.

Ví dụ như đội Bình Định, từ V-League xuống hạng nhất từ năm 2008 nhưng đến năm 2014 thì “xin” không đá hạng nhất vì thiếu tiền. Năm nay cố gắng đá hạng nhất nhưng nếu có xuống hạng nhì thì cũng sẽ chấp nhận. Hoặc như đại diện của 3 đội Phú Yên, Bình Phước, Đắk Lắk cho biết, nếu trong năm nay không tìm được doanh nghiệp “chống lưng” thì họ “xin” được về lại hạng nhì để duy trì phong trào là chính.

Điều đáng tiếc là cho đến nay, việc thăng hạng V-League hầu như không đem lại quyền lợi cụ thể nào cho các CLB. Theo tính toán của Công ty VPF, cố gắng lắm thì mùa giải này, công ty sẽ không lỗ khi điều hành V-League chứ không mong có được lợi nhuận để chia lại cho các cổ đông là các CLB. Dù có nhà tài trợ uy tín là Toyota nhưng nguồn thu từ tài trợ quảng cáo của V-League hiện mới đạt 70% so với kế hoạch tài chính của VPF trong năm 2015. Sự sụt giảm khán giả trong những vòng đấu gần đây càng khiến bức tranh kinh doanh của VPF trở nên ảm đạm.

Có thể nói, dù các đội tuyển quốc gia đang đạt những bước tiến nhất định thì sân chơi danh giá nhất của bóng đá Việt Nam hiện vẫn đang đối diện với bài toán: phát triển theo hướng nào.

Đăng Linh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục