Hơn 10 năm trước, khi V-League dần dần đi vào ổn định và có một sự tranh đua đáng kể giữa các đội bóng tham dự. Và đâu có là cuộc chơi của những ông bầu “máu” bóng đá như Bầu Đức hay Bầu Thắng thì V-League thực sự đáng xem. Nếu nói một cách chính xác hơn nữa thì đó là khoảng thời gian của những năm 2003-2004, đó là giai đoạn hưng thịnh của người Thái tại V-League.
Vì sao lại nhắc đến người Thái? Vì thời điểm đầu của V-League, người Thái đã chọn Việt Nam làm điểm đến hấp dẫn, vì tiền, vì sự cạnh tranh và vì sự máu lửa của các ông bầu. Thai Premier League được thành lập từ rất sớm, vào năm 1996 nhưng cách làm của họ cũng còn khá nửa vời. Thế nên, chuyện những ngôi sao của bóng đá Thái đã chọn V-League cũng là điều dễ hiểu.
Giai đoạn mà HAGL lên ngôi vô địch V-League vào năm 2003 và 2004 chính là giai đoạn mà người Thái đã làm mưa làm gió. Điều đó đã dần lan sang các đội bóng khác trong việc sử dụng người Thái rồi mạnh dạn hơn trong việc sử dụng ngoại binh. Từ đó cho đến nay, việc ngoại binh dần dần đóng vai trò quan trọng trong các đội bóng gần như là hiển nhiên.
Vậy trong 17 mùa giải đã qua ấy, các đội bóng V-League có điều gì phát triển theo năm tháng? Sự phát triển là có, chẳng hạn như chú trọng hơn đến lực lượng cầu thủ trẻ, cải thiện sân bãi và coi trọng sự nghiệp của cầu thủ. Thế nhưng, về tổng thể, V-League vẫn chưa có nhiều cải tiến so với những ngày đầu tiên. Bởi còn đó là những vấn đề về trọng tài rồi đến lối chơi bạo lực đã trở thành căn bệnh mãn tính.
Có thể nói rằng, dù đã 17 tuổi và dần trưởng thành nhưng V-League chưa thể được gọi là trưởng thành mà có thể gọi là già. Già về giải đấu, già về cách làm nhưng non trẻ về mọi mặt còn lại. Một giải đấu chuyên nghiệp nhưng các đội bóng chuyên nghiệp không thể mạnh dạn tham dự đấu trường Châu lục. Chuyên nghiệp nhưng các đội bóng không thể tự nuôi sống mình mà vẫn sống nhờ vào nguồn bầu sữa dồi dào từ nhiều phía.
Đến nay, số CLB có cho mình những cơ sở vật chất, những điều kiện cần thiết để hoạt động và cả một cơ chế chỉ đếm được là rất ít. Tương tự như vậy là BTC của giải đấu, cơ quan quyền lực cao nhất này vẫn vừa học vừa làm nên để trở thành một tổ chức chuyên nghiệp thì e rằng còn khá xa.
Lại nói chuyện người Thái, bây giờ, Thai Premier League đã vượt xa V-League về tầm vóc, sự thu hút đầu tư, quảng cáo và những cầu thủ chất lượng. Đương nhiên, họ đã trở thành một giải đấu chuyên nghiệp thật sự khi họ biết chuyển mình. Còn V-League, đến bao giờ sẽ làm điều tương tự?