Tôi gặp Nghiêm Xuân Tú lần đầu tiên là năm 2009, rất tình cờ, trong một cửa hàng bán giày đá bóng gần sân Hàng Đẫy. Không có ấn tượng gì đặc biệt về chàng trai trẻ ấy, ngoại trừ vẻ tần ngần khi cầm lên một đôi giày “xịn”, ướm thử rồi… đặt xuống.
Hôm đó, Tú đi cùng một người bạn khác, cũng là cầu thủ trẻ. Hai cậu choai choai cưỡi một chiếc Wave tàng, đôi giày rách treo lủng lẳng vẫn còn dính bùn lẫn vài sợi cỏ.
Nhìn tấm ảnh này, mọi người có thể hiểu vì sao Xuân Tú mang biệt danh Tú "ngựa". Ảnh: Quốc Bảo |
Vài năm sau, tôi mới biết Tú là con trai của cựu cầu thủ Đường sắt Nghiêm Xuân Mạnh, từng có một thời gian làm HLV Hoà Phát HN. Khi tôi phát hiện ra điều đó thì đứa con trai nhà họ Nghiêm đã mang biệt danh Tú “ngựa”, mặc áo đội phủi “Bia Cường hói” đá giải phong trào.
Một cầu thủ ăn tập hẳn hoi, về đá phong trào nếu không phải vì đam mê thì chỉ có thể là một bước lùi. Nhưng còn đá được bóng, với Tú “ngựa” cũng là cả một chặng đường trắc trở tưởng không thể vượt qua.
Năm 2010, sau khi lên hạng Nhất cùng Hoà Phát V&V, Tú “ngựa” đón nhận cùng lúc 2 tin dữ. Đầu tiên, bầu Thụy rót tiền mua đội bóng rồi chuyển khẩu vào TP HCM. Trong kế hoạch của ông chủ trọc phú này, không có chỗ cho Nghiêm Xuân Tú.
Sau đó chỉ vài ngày, anh được thông báo có một khối u ác tính đang lớn dần lên ở đại tràng. Một năm tiếp theo dài đằng đẵng, gắn liền với bệnh viện và hoá chất.
Tiền tiêu như nước, sức khoẻ suy sụp, nhưng như anh tâm sự, “tôi còn may mắn hơn nhiều người khác, khi vẫn giữ được mạng sống của mình”. Trên giường bệnh, Xuân Tú nhắm mắt lại là nghĩ đến Lance Amstrong, VĐV đua xe đạp nổi tiếng thế giới cũng từng phải chống lại ung thư.
Về ý chí, có lẽ Tú “ngựa” cũng không kém gì tay đua người Mỹ. Rời bệnh viện, như một đứa trẻ tập đi, anh ra sân phủi mân mê quả bóng để tìm lại niềm vui và sức lực. Khi đã khoẻ, Tú “ngựa” đá bóng như một gã cuồng, bù lại khoảng thời gian nằm bẹp.
Gã cuồng ấy cũng không thể ngờ sân phủi lại mang đến quá nhiều hạnh phúc. Một cô bạn gái “hot girl” – sau này thành vợ đảm, cho anh thằng Tý “ngựa” kháu khỉnh, đẹp giai. Một cú điện thoại từ Thanh Hoá, cho anh cơ hội nhún một bước chân lên đời chuyên nghiệp.
Ngay cả khi còn phơi phới 17, 18 tuổi, Tú “ngựa” cũng ít dám mơ về V.League. Ấy thế mà ở tư thế của kẻ đã giã từ sự nghiệp, V.League lại tự mở cửa đón anh.
Như một sự đền bù của vận may, kẻ đã trải qua tột cùng bất hạnh Nghiêm Xuân Tú bỗng nhiên được “tri ân” hào phóng. Bản hợp đồng với Thanh Hoá giúp anh có một mái ấm gia đình đúng nghĩa, và một năm sau, khi về với Quảng Ninh, anh thực sự thăng hoa.
Không chỉ thành danh trên sân bóng với những bàn thắng dị - sản phẩm của dòng máu chuyên lai phủi, Tú “ngựa” còn toả sáng ở nhiều sân khấu khác với sự thông minh, nhạy bén bẩm sinh.
Trong giới quần đùi áo số, trang cá nhân của Nghiêm Xuân Tú thực sự hấp dẫn, độc đáo và cuốn hút. Lạc vào facebook của anh là phải la đà với những bài hát tự chế quái chiêu, những câu đùa dí dỏm, những bộ sưu tập giày dép đầy phong cách của cậu thanh niên năm nào còn tần ngần với đôi giày rách…
Sân phủi đã cho Tú "ngựa" quá nhiều, như một sự bù đắp của vận may. Ảnh: Quốc Bảo |
Phủi cho anh nhiều thứ, nên khi có dịp, anh luôn tìm cách trả lại cho phủi sự hồn nhiên, chân thật nhất của mình. Là “sao” V.League, nhưng về với phủi, dù trên chiếc Mercedes long lanh thì Nghiêm Xuân Tú vẫn cứ là Tú “ngựa” của thời Wave chiến.
Bây giờ, “chàng trai năm ấy” lại có thêm một cơ hội nữa để đổi đời. Lời mời từ Kaiserslautern sẽ mang anh sang giải hạng Nhì nước Đức vào tháng 8. Cần nhớ, “du học” châu Âu từng là mục tiêu của bầu Đức khi mở lò đào tạo HA.GL JMG và cho ra đời những Tuấn Anh, Công Phượng…, nhưng vẫn chưa thành công.
Xuân Tú có thành công ở trời Âu hay không, đó là câu chuyện của tương lai. Ở thì hiện tại, người ta chỉ nhìn thấy một sự thật là tài năng và nghị lực của Tú “ngựa” đã lọt vào mắt xanh của tuyển trạch viên người Đức.
Ông Fritz Fuchs đã chọn một cầu thủ Việt mà theo ông, cuộc đời của cầu thủ ấy xứng đáng được làm phim…
|