U23 Việt Nam và sơ đồ 5-4-1: Khi định mệnh chưa gọi tên

15:18 Thứ ba 31/03/2015

(TinTheThao.com.vn) - Sau trận đấu với U23 Nhật Bản, đã có hai luồng ý kiến trái chiều khi bàn về sơ đồ 5-4-1, mang đậm thiên hướng phòng thủ cục bộ của HLV Toshiya Miura.

U23 Việt Nam đã có một trận đấu kiên cường trước đối thủ mạnh là Nhật Bản. Ảnh: Internet.

Hoàng đế bóng đá Đức, Franz Beckenbauer đã từng có câu nói thâm thúy rằng: "Kẻ mạnh chưa chắc đã là kẻ chiến thắng, mà kẻ chiến thắng mới là kẻ mạnh". Và sau đó, nó đã trở thành một triết lý vô cùng nổi tiếng trong môn thể thao Vua. Bước vào trận đấu trước đối thủ rất mạnh là U23 Nhật Bản, có lẽ HLV Toshiya Miura – một chiến lược gia có 5 năm tu nghiệp tại đức rất muốn truyền niềm cảm hứng ấy vào các học trò của mình ở U23 Việt Nam. Bênh cạnh đó, ông tung ra một sơ đồ đội hình đầy sự toan tính với 5-4-1, với mục tiêu hạn chế tối đa bàn thua trước Nhật Bản và dựa trên đó mơ mộng về một yếu tố bất ngờ nào đó. Miura đã sử dụng Phạm Mạnh Hùng trong vai trò hậu vệ quét, vị trí đã nâng tầm Beckenbauer thành huyền thoại của những hậu vệ huyền thoại. Thực tế cho thấy, Mạnh Hùng cũng đã có một màn trình diễn vô cùng ấn tượng, đeo bám quyết liệt, gây ra vô vàn khó khăn cho các ngôi sao tấn công bên phía U23 Nhật Bản.

Chắc chắn đối với không ít các fan hâm mộ bóng đá Việt Nam theo dõi trận đấu sẽ cảm thấy rất bất ngờ trước sự thể hiện của các cầu thủ bên phía chúng ta. Kể từ 10 năm trở lại đây, hàng phòng ngự thường là điểm yếu cố hữu của các đội tuyển quốc gia Việt Nam. Đã rất nhiều lần những sai lầm ngớ ngẫn xuất phát từ hệ thống phòng thủ đã khiến cho Việt Nam phải ôm hận. Tuy nhiên, U23 Việt Nam trước U23 Nhật Bản lại làm toát lên một luồng sáng mới mẻ lạ thường. Như nhà báo Minh Hải đã bày tỏ cảm xúc trên truyền hình rằng: "Đây là trận đấu Việt Nam phòng thủ tốt nhất trong 10 năm qua". Thực vậy, các học trò trẻ tuổi của Miura đã thi đấu bằng tinh thần “Samurai” của người Nhật. Những pha tung người phá bóng đầy dũng mãnh ở trên không, những pha xoài người cản phá đầy lăn xả,…sẽ là những hình ảnh ấn tượng còn đọng lại trong tâm trí NHM sau 90 phút của trận đấu.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực của đoàn quân thầy trò HLV Toshiya Miura đã không thể đem về cho U23 Việt Nam một kết quả bất ngờ, chúng ta đã thua với tỷ số 0-2. Và bên cạnh những ý kiến khen ngợi tinh thần chiến đấu của U23 Việt Nam, cũng rất nhiều CĐV đội nhà cho rằng U23 Việt Nam đã trình diễn một thứ bóng đá xấu xí, phòng ngự tự sát và cứ như vậy thì chẳng đi đến đâu trong tương lai. Thậm chí một số còn châm biếm ông Miura ‘có tinh thần dân tộc cao’, chủ động nhường lối chơi cho đội bóng quê hương?

Chúng ta không phán xét đến tính đúng sai của hai luồng quan điểm nói trên bởi đó dường như là một cuộc chiến không có hồi kết. Điều cần phải nói đến ở đây là tính khách quan thực tế. Dĩ nhiên thì ai cũng biết, đẳng cấp của chúng ta cách xa Nhật Bản như thế nào. Trong khi Nhật Bản là cường quốc bóng đá hàng đầu của châu Á, luôn là đại diện tiêu biểu của khu vực tham dự các vòng chung kết World Cup. Thì Việt Nam chúng ta còn chưa phải là đội bóng thống trị giải đấu ‘vùng trũng’ như SEA Games hay AFF Cup. Trong khi nước họ có nền tảng vững chắc, có chiến lược đầu tư và phát triển rõ ràng, biết mục tiêu của mình ở đâu, hằng năm luôn sản sinh ra được những cầu thủ chất lượng, xuất khẩu sang những giải đấu lớn của thế giới. Thì nền bóng đá của Việt Nam vẫn đang vùng vẫy trong những Scandal cá độ, khiến các đội bóng ở giải đấu cao nhất như V.League phải thi nhau giải thể. Còn chiến lược đào tạo và phát triển tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam gần như là không có, nếu không kể đến sự đầu của Bầu Đức với học viện HAGL ARSENAL JMG.

Trong bóng đá hiện đại ngày nay, người ta thường nói khoảng cách giữa các đội bóng đã được thu hẹp. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc không còn chỗ cho những chiến thắng trên trời rơi xuống, một đội bóng yếu hơn, chơi tệ hơn, nhưng ‘hên’ hơn và giành chiến thắng? Không, có lẽ nó chỉ còn nằm ở một giải đấu nghiệp dư nào đó. Đứng trước Nhật Bản, chúng ta phải biết mình ở đâu, rõ ràng chúng ta không thể so sánh với đẳng cấp của họ, những đại diện ưu tú đại diện cho tương lai của cường quốc bóng đá châu Á. Tác giả đã đọc qua một số bài viết và thấy rằng có vẻ như một số người đã quá ảo tưởng sức mạnh từ lứa U19 Việt Nam và đánh đồng với cấp độ U23. U23 Việt Nam không phải là U19, không phải là sân chơi riêng cho đoàn quân thầy trò HLV Guillaume Graechen. Và tất nhiên sức mạnh của cấp độ U23 Nhật Bản là mạnh hơn rất nhiều so với U19 nước họ. Đội bóng đã từng tàn sát chúng ta với thất bại 0-7 ngay trên sân Mỹ Đình.

Trở lại trận đấu với U23 Nhật Bản cách đây hai ngày, dựa trên quan điểm nói trên của tác giả, có thể thấy HLV Miura đã đưa ra một đấu pháp hợp lý với việc ưu tiên tất cả cho mặt trận phòng ngự. Nhìn chung trong suốt trận đấu, các học trò của Miura đã vô cùng nỗ lực, đều xứng đáng với một trận đấu hay cho từng cá nhân ở trên sân. Nhưng chúng ta vẫn thua thiệt rất nhiều về yếu tố bản lĩnh, lộ ra sự non nớt thấy rõ, chính vì tập trung chơi phòng ngự nên các cầu thủ không dám tự tin với những pha lên bóng của mình. Rất nhiều lần các CĐV Việt Nam đã cảm thấy vô cùng tiếc nuối trước những pha xử lý thiếu chắt chiu của Lê Đức Lương. Cánh phải của Nhật hoạt động không thực sự quá chặt chẽ, Đức Lương sỡ hữu một tốc độ tốt, những pha dâng cao tấn công của hậu vệ cánh thuộc biên chế của HAGL thường khá thoáng, nhưng đáng tiếc Đức Lương đã không đủ tỉnh táo và sự bình tĩnh để đưa ra quyết định cuối cùng của mình trong chuyền bóng.

Chúng ta chơi bóng với hàng phòng ngự đông đúc, kín kẽ như vậy, nhưng có thể thấy các ngôi sao của Nhật Bản vẫn luôn xử lý rất tinh tế trong từng pha phối hợp ở tốc độ chóng mặt nhằm khoan phá bức tường bê-tông của U23 Việt Nam. Nếu như điều kiện mặt sân tốt thì nhiều khả năng Nhật sẽ còn tạo ra vô số cơ hội ‘thót tim’ với hàng thủ của chúng ta. Chơi với gần như là 9 cầu thủ phòng ngự, nhưng Nhật Bản đã khiến cho chúng ta làm việc vô cùng vất vả như thế nào. Như Quế Ngọc Hải đã phát biểu sau trận đấu: toàn đội đã chơi bóng với hơn 200% sức lực của mình, nhưng cũng chỉ để giúp U23 Việt Nam tránh khỏi việc phải nhận hơn 2 bàn thua.

Trong bàn thua thứ nhất của tuyển Việt Nam, có thể nhận thấy sự thơ ngây trong kèm người của số 39, Vũ Văn Thanh, hậu vệ cánh phải của U23 Việt Nam đã quá chậm chân lùi vê, những ai quan sát tỉ mỉ có thể thấy Thanh đã có đôi chút lưỡng lự trước pha đi bóng của Nakajma, nếu Nakajma không đi bóng hay và tự mình ghi bàn, thì Minamino hoàn toàn có thể tung ra một pha dứt điểm trong một tư thế thoải mái hơn. Còn bàn thua ở phủt bù giờ cuối cùng, thì hàng tiền vệ đã không có sự phối hợp tốt để ra nhiều khoảng trống cho Nakajma hoàn tất cú đúp của mình. Hai sai sót của hệ thống phòng ngự, người Nhật đã không cho thủ thành Phi Long bất cứ một cơ hội nào để sửa chữa cho các đồng đội. Giả sử chúng ta chơi thứ bóng đá đôi công thì kết quả sẽ là như thế nào?

Điều cuối cùng tác giả muốn nói đến, thử hỏi trong pha đánh đầu của Tấn Tài ở cuối hiệp 1, nếu như thủ thành Kushibiki của Nhật không thi đấu tập trung hay pha dứt điểm ở cự ly gần của Quế Ngọc Hải chỉ cần đi trúng khung thành của họ thì liệu điều gi sẽ xảy ra? Nếu tỷ số được quân bình 1-1 thì liệu người Nhật có đứng vững được trên đôi chân của mình được nữa hay không? Như Miura đã nói ông sẽ tìm nguồn sống từ bóng chết cho U23 Việt Nam. Về khoản này, thực sự ông đã thành công. Đã ít nhất hai lần trong trận đấu U23 Việt Nam phải khiến cho hàng thủ của Nhật phải run rẫy bởi  tình huống bóng chết. Và trong ngày hôm ấy, chúng ta đã không có được hai từ ‘nếu như’, cụ thể là may mắn hơn một chút nữa. Hay nói cách khác rằng định mệnh đã không gọi tên thầy trò Miura trong buổi tối vừa qua.

Chỉ cần thêm may mắn, U23 Việt Nam có thể ghi được bàn thắng vào lưới đối thủ. Ảnh: Internet.

Chúng ta đều luôn khát khao có một chiến thắng trước người Nhật. Nhưng nếu chúng ta giành được nó vào thời điểm này thì cũng là một chiến thắng mang tính bất ngờ. Và có thể khẳng định các đội trẻ hay đội lớn của chúng ta không hề tiệm cận tới đẳng cấp của người Nhật Bản như một số người đang tự tưởng tượng ra. Chúng ta có thể dâng cao tấn công và tìm kiếm bàn thắng. Nhưng người Nhật sẽ không bao giờ để chúng ta ung dung bảo vệ thành quả của mình, mà còn có thể đòi lại gấp nhiều lần. Đối với tác giả, sơ đồ 5-4-1 của Miura trước U23 Nhật mới là lối chơi để thu ngắn lại khoảng cách giữa hai bên. Còn muốn giành bất ngờ, có lẽ trong bối cảnh hiện nay, phải trông chờ vào định mệnh có gọi tên chúng ta không mà thôi!

Chelsea đã đăng quang Champions League với gần như là 11 cầu thủ ở phần sân nhà, họ yếu đuối, tiêu cực, nhưng chính họ mới là kẻ mạnh vĩ đại ở năm 2012. Những người dám thu nhỏ mình để đạt đến giấc mơ.

Anh Trường | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục