Trước hết, phải nhấn mạnh rằng khi tham dự một giải đấu quốc tế, thì mục tiêu vẫn cứ phải là lọt vào càng sâu càng tốt, nếu có được thành tích thì là điều tuyệt vời. Đội bóng nào thì cũng mơ làm nên chuyện thần thoại như Hy Lạp tại Euro 2004 hay Leicester City tại Premier League mùa bóng vừa qua cả, thế nên những lời nói kiểu như “học hỏi, cọ xát, rút kinh nghiệm” chỉ là để giảm áp lực thành tích, còn “chúng ta thua nhưng có quyền ngẩng cao đầu” chỉ là lời biện hộ sau thất bại mà thôi.
Tuy nhiên trên thực tế, trình độ bóng đá Việt Nam vẫn chưa tiệm cận được với châu Á, chứ đừng nói là thế giới. Lúc giành được quyền chơi World Cup, các học trò của ông Hoàng Anh Tuấn đã được tung hô lên mây, nhưng ngay sau đó, người Nhật, với đội hình chưa phải mạnh nhất, đã kịp tạt một “gáo nước lạnh” bằng tỷ số 3-0, để chúng ta “tỉnh lại” và hiểu rằng mình đang đứng ở đâu.
Với trình độ bóng đá như vậy, muốn làm được điều gì đó ở một giải đấu lớn, cần phải dùng những chiến thuật phù hợp, chẳng hạn như phòng ngự chặt, rình rập chờ thời cơ và đặc biệt là tập trung “phá lối chơi” của đối thủ. Nhưng nó cũng đồng nghĩa với ước vọng “đá đẹp” của người hâm mộ sẽ bị đặt sang một bên.
Với khán giả Việt, “đá đẹp” không chỉ đơn giản là chơi không bạo lực hay tiểu xảo, nó phần nhiều mang ý nghĩa “tấn công đẹp mắt”. Nhiều người thậm chi còn muốn các cầu thủ mạnh dạn cầm bóng và tổ chức tấn công ngay trước các đối thủ mạnh. Những điều đó rõ ràng là không phù hợp với đẳng cấp hiện tại của bóng đá Việt, ngoài ra khi thế giới ngày càng thực dụng, đất của “bóng đá đẹp” cũng ngày một ít đi.
Mourinho đã từng kéo Pepe lên đá tiền vệ với mục đích duy nhất là “bắt chết” Messi, nhằm phá lối chơi đối thủ. Lối đá quyết liệt, quá rắn nhiều lúc tới mức thô bạo và cũng có không ít tiểu xảo của cầu thủ người Bồ Đào Nha khi đó khó có thể xem là “đẹp”, nhưng nó có hiệu quả thì sẽ vẫn được dùng.
Đối với U20 Việt Nam, nói gì thì nói, việc lọt vào một bảng đấu được xem là “dễ thở” là một cơ hội cực kỳ tốt để chúng ta vào sâu, tạo một dấu mốc và gây sự quan tâm chú ý đối với bóng đá thế giới. Nhiều khi cơ hội chỉ đến một lần trong đời, không nắm bắt được sẽ là một điều đáng tiếc. Việc tính toán chiến thuật, phân phối sức cho từng trận đấu, kể cả việc hạn chế bàn thua trước đối thủ mạnh như Pháp, nhằm đảm bảo có được hiệu số tốt nhất, phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và cẩn thận.
Vậy nên, nếu có thấy một đội tuyển thi đấu xù xì, thô ráp và thậm chí có phần xấu xí đi nữa, thì cũng đừng ngạc nhiên và chỉ trích họ. “Đá đẹp” thì ai cũng thích, nhưng cố gắng thực hiện nó khi thực lực chưa đủ mạnh, sẽ chẳng đem lại điều gì.
(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam