Tuyển Nga "Cách mạng ngầm" dưới thời Fabio Capello

08:58 Thứ hai 10/09/2012

Bây giờ các cầu thủ Nga có thể hiểu được vì sao những đồng nghiệp người Anh không quá luyến tiếc Fabio Capello.

Không đến tập muộn, không điện thoại trong giờ tập luyện, không trả lời báo chí ngoài những người được chỉ định…, tuyển Anh có hẳn một "Cẩm nang ứng xử" dành cho các tuyển thủ. Điều đó lặp lại ở tuyển Nga, nơi các cầu thủ buộc phải từ bỏ lọ ketchup quen thuộc trong mỗi bữa ăn, cũng như không còn cái thú phì phèo shisha như trước.

Tuyển Nga "Cách mạng ngầm" dưới thời Fabio Capello

Thực tế là quyết định của Capello được người Nga ủng hộ - những CĐV đã luôn thất vọng với các thế hệ HLV trước đó vì thất bại trong nỗ lực đưa tuyển Nga giành quyền dự World Cup, kể từ lần cuối vào năm 2002. Các cầu thủ Nga vốn được cưng chiều tại CLB cần một ông thầy nghiêm khắc và áp đặt hệ thống kỷ luật khắc nghiệt trên đội tuyển.

Nếu các cầu thủ Roma, Milan, Real Madrid… nghe được lời than thở của Aleksandr Samedov, cầu thủ chạy cánh của Lokomotiv Moscow, rằng: "Ông ta quá chú trọng vấn đề kỷ luật", hẳn họ sẽ cười chảy nước mắt. Hẳn là anh chàng này chưa biết vì sao người ta gọi ông ta là Don Fabio!? Điều chắc chắn, tuyển Nga cần một bàn tay thép để uốn nắn các công thần còn sót từ thời Guus Hiddink. EURO 2008 có thể là đỉnh cao sự nghiệp của những Andrei Arshavin, Yuri Zhirkov, Roman Pavlyuchenko… nhưng họ đã rời Anh về nước với thất bại thảm hại.

Advocaat bị cho là quá mềm yếu, "Nga hóa" sau quãng thời gian làm việc ở Zenit St. Petersburg, dễ dàng thỏa hiệp với các công thần. Điều đó dẫn tới rắc rối cho chính ông, đội bóng, cá nhân các cầu thủ và LĐBĐ Nga. Lời bình luận của Arshavin, đổ lỗi toàn bộ thất bại của tuyển Nga tại EURO 2012 là do CĐV Nga, chính là hậu quả từ phương pháp làm việc thiếu kỷ luật như thế. Arshavin đang đánh mất dần tầm ảnh hưởng ở đội tuyển mới, thậm chí chiếc băng đội trưởng đang dần dần được thay thế bởi gương mặt mới, Igor Denisov.

Bản thân Capello cũng không phải là mẫu HLV thích cách mạng triệt để. Cứ nhìn đội hình thắng 2-0 trước Bắc Ireland, người ta thấy rõ những con người từng chơi bóng từ thời Hiddink, tới Dick Advocaat. Chỉ có điều, họ chơi bóng với phong cách thực dụng hơn. Capello luôn như vậy: Trong một đội bóng, không có ngôi sao đứng trên những người còn lại. Tuyển Anh trước đây cũng thế, và tuyển Nga bây giờ càng như vậy. Alan Dagoev đang trở thành gương mặt sáng chói ở đội tuyển, nhưng mỗi khi cầu thủ trẻ 22 tuổi quàng thêm "vai" trên sân cỏ, Capello sẵn sàng ra sát đường biên dọc để huýt sáo, la hét và buông ra những lời chỉ đạo không khác gì quát nạt - ngay cả khi cậu học trò có thể không hiểu một từ ông đang nói.

Tất nhiên, Don Fabio cũng sẽ phải đối mặt với áp lực, từ nhiều phía. Những thói quen xấu khó thay đổi một sớm một chiều của cầu thủ Nga. Những ông chủ các CLB, đóng góp phần không nhỏ tài chính cùng LĐBĐ Nga trả mức lương 7,8 triệu bảng/năm cho Capello, thích được thấy cầu thủ của đội mình lên Tuyển.

Khao khát của hàng triệu, triệu CĐV Nga muốn chứng kiến đội bóng của mình tham dự World Cup - minh chứng rõ nét nhất là cảnh hàng chục ngàn CĐV Nga vượt sông Visla đến Ba Lan tại EURO 2012. Bản thân Don Fabio cũng hiểu rằng, rời bỏ nước Anh, tránh sự xỉa xói của truyền thông Anh, im lặng trước những phân tích của giới HLV và cựu cầu thủ Anh… - không có nghĩa là ông không phải đối đầu với những điều tương tự tại Nga.

Nếu tuyển Nga không thể giành quyền dự World Cup 2014, cần gì phải thuê một HLV nhận mức lương "khủng" đến thế?

Thành Lương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục