Tương lai của thị trường chuyển nhượng - Kỳ 3: Một cuộc cách mạng pháp lý nữa?

14:28 Thứ sáu 19/07/2013

Gần hai mươi năm trước, sàn chuyển nhượng cầu thủ từng có một phen rung chuyển. Nói chính xác hơn, nó đã thay đổi mãi mãi kể từ khi cầu thủ người Bỉ Jean – Marc Bosman kiện RFC Liege ra tòa vì không được tự do thay đổi CLB. Bây giờ, hệ thống văn bản pháp lý trong chuyển nhượng đã chặt chẽ hơn, nhưng vẫn còn rất nhiều điểm chưa thống nhất và một cuộc cách mạng pháp lý nữa không phải là không thể xảy ra.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

 

Hành lang lỏng lẻo

Trong thế giới hiện đại, nơi các hoạt động giao dịch ngày càng được chuyên nghiệp hóa, thì kiểm tra và giám sát là những điều không thể thiếu. Dù là thị trường nhà đất, chứng khoán hay ngoại tệ, tất cả đều phải vận hành trong những khuôn khổ pháp lý rất chặt chẽ, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển. Lý do? Chưa bàn đến việc những thành viên tham gia thị trường luôn có động cơ để gian lận (bởi thị trường nào mà chẳng có kẻ thắng, người thua), thì sự điều tiết của luật pháp là rất cần thiết để đảm bảo cho các hoạt động giao dịch diễn ra công bằng, minh bạch, bảo vệ được quyền lợi của các bên. Tuy nhiên, thị trường chuyển nhượng cầu thủ trong bóng đá lại là một loại hình tương đối đặc thù, bởi rất hiếm có một thị trường nào khác mà con người lại bị coi như là những “món hàng” để trao đổi, mua bán.

Thêm vào đó, các cơ quan quản lý bóng đá lại không sở hữu quyền lực tối thượng: bất kỳ quyết định nào của họ đều có thể bị các CLB kháng cáo lên một tòa án cấp cao hơn, như Tòa án Công lý châu Âu (European Court of Justice – ECJ) hay Tòa án Thể thao Quốc tế (Court of Arbitration for Sport – CAS). Trên thực tế thì đã không ít lần ECJ hoặc CAS ra phán quyết ngược lại với FIFA và UEFA, với minh chứng hùng hồn nhất là vụ kiện của Jean – Marc Bosman năm 1995. Tóm lại, hành lang pháp lý trong thị trường chuyển nhượng hiện nay là tương đối lỏng lẻo và chồng chéo, do đó không loại trừ khả năng một cuộc cách mạng pháp lý nữa – tương tự như trường hợp của Bosman – sẽ ra đời trong tương lai gần. Đáng ngạc nhiên là phần lớn giới truyền thông, kể cả truyền thông nước ngoài, đều tỏ ra khá thờ ơ trước xu thế đó.

Luật Webster – thanh kiếm của cầu thủ

Đầu tiên, phải nhắc đến Andy Webster. Anh chỉ là một hậu vệ vô danh của CLB Heart of Midlothian (Hearts), nhưng vụ tranh chấp giữa Webster với đội bóng đang sở hữu mình vào năm 2006 thì lại cực kỳ nổi tiếng và từng được so sánh với vụ Bosman. Khi đó, Webster đang có mâu thuẫn nghiêm trọng với Hearts vì bị ông chủ Vladimir Romanov từ chối gia hạn hợp đồng, và quyết định ký HĐ với Wigan Athletic dù trên lý thuyết anh vẫn là người của CLB Scotland. Tất nhiên, Hearts không đời nào chịu để yên và nhanh chóng nhảy vào cuộc, đòi Wigan phải trả 5 triệu bảng phí chuyển nhượng cho Webster. Nhưng đội ngũ tư vấn pháp luật của Webster cũng không phải tay vừa: họ đã khai thác thành công một kẽ hở trong hệ thống quy định của FIFA để giúp thân chủ giảm số tiền bồi thường xuống đáng kể.

Cụ thể hơn, dù không nêu rõ đến từng chi tiết nhưng điều 17 Luật Chuyển nhượng của FIFA đã đưa ra một số cơ sở để một trong hai bên (cầu thủ hoặc CLB) đơn phương phá vỡ thỏa thuận lao động mà không cần lý do, với điều kiện họ đã thực hiện được ít nhất 3 năm hợp đồng (2 năm nếu bản HĐ đó được ký khi cầu thủ từ 28 tuổi trở lên). Kết quả, chung cuộc thì Webster chỉ phải bỏ ra 625.000 bảng để chuộc lại một năm trong hợp đồng với Hearts. Sau Webster, cũng có một vài cầu thủ đáng chú ý khác như Jonas Gutierrez (từ Mallorca sang Newcastle), Tony Sylva… tận dụng án lệ này để chuyển CLB, và kể cả những siêu sao như Cristiano Ronaldo, Rooney, Lampard, Gerrard, Yaya Toure… đều đã ít nhất một lần được liên hệ với “Luật Webster”. Sở dĩ các ngôi sao này chưa bao giờ vận dụng “Luật Webster” một phần là vì muốn giữ gìn hình ảnh, phần khác là vì… lương của họ quá cao. Tháng 3 vừa rồi, người đại diện Dmitri Seluk từng đe dọa Toure sẽ bỏ tiền ra mua lại HĐ, nhưng phương án đó thực ra không hề khả thi bởi thu nhập của Toure lên tới 11,5 triệu bảng/năm và số tiền chuộc 2 năm HĐ tối thiểu cũng là 23 triệu – quá cao đối với một cầu thủ đã 30 tuổi. Tuy nhiên kể từ năm nay thì mọi chuyện đã khác: để đáp ứng các yêu cầu của Luật Công bằng Tài chính, các CLB đều cố gắng thương lượng lại HĐ theo hướng giảm mức lương cứng xuống thấp nhất có thể và bù đắp vào đó là những khoản thưởng theo thành tích. Ví dụ: lương cơ bản của Toure chỉ còn là 150.000 bảng/tuần (7,8 triệu bảng/năm), phần còn lại sẽ được thanh toán tùy theo kết quả thi đấu của Man City. Cũng có nghĩa, mức phí mua lại hợp đồng của các ngôi sao sẽ giảm đáng kể trong tương lai gần, và rất có thể kể từ mùa hè năm sau chúng ta sẽ hiếm khi được chứng kiến những quả “bom tấn” trên sàn chuyển nhượng.

Luật Matuzalem – chiếc khiên cho CLB

Dù vậy, vụ Webster không có nghĩa là các cầu thủ có thể tự do lựa chọn thời điểm nói lời chia tay với CLB, và bài học đắt giá nhất có lẽ được dành cho Matuzalem. Năm 2007, tiền vệ người Brazil này tự ý rời Shakhtar Donetsk để chuyển sang khoác áo Real Zaragoza vì đinh ninh rằng mình sẽ chỉ phải trả 2,36 triệu euro tiền chuộc lại 2 năm HĐ căn cứ theo “Luật Webster”. Không ngờ là sau đó đội bóng Ukraine đâm đơn kiện lên FIFA, rồi lên CAS. Ban đầu, FIFA chỉ tuyên phạt Zaragoza 6,8 triệu euro, nhưng cuối cùng CAS lại phủ quyết mức phạt của FIFA và nâng lên 12 triệu euro (thậm chí lúc đầu Matuzalem còn suýt bị treo giò vĩnh viễn) vì “giá trị của Matuzalem với CLB cũ (đang là đội trưởng) và tình cảnh khó khăn mà anh ta đẩy Shakhtar rơi vào khi đòi ra đi một cách đột ngột”. Nói cách khác, CAS phân xử dựa trên thiệt hại thực tế mà Shakhtar phải gánh chịu, chứ không phải mức lương cố định trong hợp đồng. Tất nhiên, mỗi thương vụ sẽ có cách tính toán khác nhau và không phải ai cũng có nguy cơ bị phạt nặng như tiền vệ hiện đang chơi cho Lazio, nhưng rõ ràng vụ Matuzalem sẽ khiến các cầu thủ khác thận trong hơn mỗi khi cân nhắc đến việc đơn phương phá vỡ hợp đồng.

Rooney, Lampard, Toure đều suýt nữa đã ra đi theo Luật Webster, nhưng bây giờ các CLB đã có vũ khí mới là vụ Matuzalem

Như vậy, cả người lao động lẫn người sử dụng lao động đều có “vũ khí” của riêng mình trong trường hợp bên nào đó muốn kết thúc hợp đồng sớm. Hiện chưa rõ phe nào sẽ thắng thế nếu thực sự xảy ra tranh chấp, nhưng có một điều gần như chắc chắn là mâu thuẫn này sẽ phải sớm được giải quyết. Quyền lực sẽ thuộc về CLB (như trong các môn bóng chày, rugby, bóng rổ…. ở Mỹ), hoặc sẽ nằm trong tay cầu thủ (như tại các doanh nghiệp thông thường), và cuộc cách mạng pháp lý trong bóng đá có lẽ chưa dừng lại ở Bosman.

Bên cạnh các phương thức chuyển nhượng thông thường, phiên bản mới nhất của Luật Chuyển nhượng FIFA (cập nhật năm 2010) cũng cho phép các cầu thủ được tự động ra đi “vì lý do thể thao”. Tại điều 15, FIFA quy định rằng nếu một cầu thủ nào đó được ra sân ít hơn 10% số trận đấu của CLB trong cả mùa giải thì anh ta có thể nộp đơn đòi được ra đi. Quan trọng hơn, trong trường hợp này thì cầu thủ đó có thể không cần phải trả tiền bồi thường hợp đồng. Tuy nhiên, anh ta buộc phải tiến hành các thủ tục cần thiết để rời CLB trong vòng 15 ngày kể từ khi trận đấu chính thức cuối cùng của mùa giải kết thúc. Ngoài ra, nếu như các CLB không hoàn thành cam kết (chủ yếu là về mặt tài chính) thì đương nhiên các cầu thủ cũng có quyền tự chấm dứt hợp đồng.
Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục