Khuôn mặt bẽn lẽn của Trương Thị Phương trên bục nhận huy chương. Đây là lần đầu tiên cô giành HCV SEA Games. Ảnh: Đức Nam |
Phương là lứa VĐV mới của canoeing VN tại SEA Games 28 sau khi những VĐV kỳ cựu đã xin nghỉ để đi học. Do mới, lại trẻ nên các HLV đội canoeing kể rằng khi đi tập ở Singapore, họ hầu như bố trí Phương và các VĐV trẻ đi tập sau hoặc không gần chỗ với VĐV mạnh của các nước vì sợ họ nhìn thấy sẽ bị khớp không thi đấu được.
Trước giờ thi đấu, Phương cũng tâm sự với các HLV rằng mình cảm thấy hơi lo lắng do thiếu kinh nghiệm so với các đối thủ. Vậy mà trên đường đua, cô gái 16 tuổi này cứ vung chèo mạnh mẽ để đưa thuyền băng băng về đích đầu tiên với thành tích 51 giây 456, thắng đối thủ về nhì Orasa Thiangkathok (Thái Lan) gần 2 giây. Nhưng cũng vì cố gắng quá sức (Phương bị căng cơ lưng từ trước ngày lên đường) nên sau khi về đích, Phương bị lật thuyền. Nhìn hình ảnh Phương mệt lả, cố gắng ôm thuyền để nổi lên trong lúc chờ thuyền cứu hộ đến khiến nhiều người xúc động.
Sau khi giành HCV, Phương nói: “Khi bước vào thi đấu, tôi cứ tự nhủ mình tập thế nào thì cứ thi đấu như thế để vượt qua sự lo lắng. Tung hết sức lực nên khi về đích, tôi mệt quá không thể đứng nổi trên thuyền nữa nên ngã xuống nước. Khoảnh khắc rơi xuống, nước tràn vào mũi và tai khiến tôi bị sặc. Nhưng tôi vui lắm vì đã đem về HCV cho Tổ quốc, đáp lại sự kỳ vọng của các thầy và đồng đội. Tôi cũng muốn dành tặng HCV cho người đồng đội của tôi là Trần Thị Lan (nói mà như khóc) vì tập luyện cùng nhau ở đội tuyển suốt bao năm qua nhưng đến lúc đi SEA Games 28, chỉ mình tôi được chọn.”
Ba mẹ Phương làm nông. Nhà có 3 sào ruộng, ba mẹ Phương phải nhận cày thêm 5 sào ruộng nhằm có thể lo cho cuộc sống gia đình (có hai người con, Phương là con út). Nhà nghèo, nên khi được các HLV canoeing đề nghị cho Phương theo thể thao vào tháng 10-2012, ba mẹ Phương đã đồng ý với mong muốn có thể giúp thay đổi cuộc sống. HLV Lưu Văn Hoàn nhớ lại: “Chúng tôi xuống huyện và đến trường để tìm VĐV thì chấm ngay Phương vì em cao hơn hẳn các bạn trong lớp (giờ đã cao 1,70m). Nhưng khi đưa Phương lên thành phố (cách nhà khoảng 30km) để ăn ở và tập luyện chưa được một tháng thì cô bé mới 12 tuổi khi đó cứ khóc đòi về vì nhớ nhà khiến chúng tôi phải gọi điện thoại kêu bố mẹ Phương lên trung tâm để động viên cô bé ở lại tiếp tục tập luyện.”
Nhưng chuyện tập luyện tại Vĩnh Phúc - tỉnh mới phát triển phong trào canoeing - cũng là cả vấn đề với Phương do cả đội chỉ có được một chiếc thuyền giá 30 triệu đồng (thuyền thi đấu có giá từ 3.000 - 6.000 USD) và mọi người phải thay nhau tập. Ngay cả khi lên đội tuyển, thuyền có tốt hơn cũng không thể so với thuyền đủ tiêu chuẩn thi đấu quốc tế. Vì thế, việc Phương thi ở ngày thi đấu cuối (9-6) được HLV Lưu Văn Hoàn cho là may mắn vì nó giúp cô có thời gian nhiều hơn để tập làm quen thuyền thi đấu chính thức.
Chiều nay (10-6), Phương cùng đội canoeing VN về Hà Nội. Phương cho biết sẽ về quê thăm ba mẹ và tranh thủ phụ giúp gia đình việc đồng áng.