Tự truyện Gary Neville, phần 2: Tôi đã bị CĐV Liverpool hành hạ ra sao?

16:23 Thứ sáu 22/03/2013

Yêu Man United say đắm, căm thù Liverpool đến tận xương tuỷ, Gary Neville đã không ít lần trở thành mục tiêu của những CĐV Liverpool quá khích. Cùng nghe anh kể lại những lần "sởn gai ốc" trong phần 2 của cuốn tự truyện này.

CHƯƠNG I, phần 2: Tôi đã bị CĐV Liverpool hành hạ ra sao

Robson luôn là thần tượng trong lòng tôi, dù rằng tôi chẳng phải là đứa trẻ mê mẩn những tấm poster treo trên tường. Tôi chưa từng xin chữ ký ai cả, và cũng cũng không hiểu nổi vì sao lũ trẻ lại phát cuồng vì những tấm ảnh đó. Tôi có một chiếc áo đấu của M.U, nhưng cũng không mặc nó tới sân Old Trafford bao giờ. Tình yêu bóng đá đối với tôi không nằm ở những cá nhân riêng lẻ. Nếu như hồi đó tôi có điện thoại chụp ảnh hiện đại như bây giờ, tôi cũng sẽ không chụp những bức ảnh lố bịch với một cầu thủ nào đó. Tình yêu của tôi luôn dành cho những trận đấu. Chẳng có gì sánh được với bầu không khí chiều thứ Bảy đắm mình cùng United.

Ngay từ thuở ban đầu ấy, tôi đã ngưỡng mộ những cầu thủ hết mình vì đội bóng, đó cũng là lý do vì sao tôi thích Robson gần như ngay lập tức. Anh ấy là một tấm gương lớn mà tôi nghĩ tất cả các cầu thủ M.U phải học tập. Anh chiến đấu hết mình trong mỗi trận đấu, đổ máu, mồ hôi, nước mắt. Anh đúng là một thủ lĩnh thực thụ. Mỗi khi anh xông pha vào vòng cấm của đối phương, dường như cả cuộc đời anh đang rực cháy vì những phút giây đó. Bạn có thể nhận ra điều đó trên khuôn mặt anh hay trong dáng chạy của anh. Mọi thứ đều là những trận đánh, những cuộc chiến dữ dội. Anh ấy tạo ra một ấn tượng to lớn trong lòng tôi. Sau này, tôi cũng thích cả Mark Hughes và Norman Whiteshite nữa. Ba cầu thủ tôi luôn tôn trọng. Họ đều có tài năng xuất chúng, nhưng thứ tôi thích ở họ nhất là tính thần chiến đấu. Tôi luôn ngưỡng mộ những chiến binh thực thụ như vậy.

Các cầu thủ Liverpool ăn mừng chức vô địch châu Âu năm 1977

Tôi thích những cầu thủ cũng hết lòng vì M.U như bản thân tôi, nhưng chỉ bằng tinh thần và nhiệt huyết thì chúng tôi sẽ chẳng giành được danh hiệu nào. Chúng tôi có vài cầu thủ giỏi, như Arthur Albiston và Mick Duxbury, nhưng chẳng thấm vào đâu so với đội hình rất chất lượng và có chiều sâu của Liverpool, dù tôi có cố tình tảng lờ điều đó đi nữa. Khi tôi còn đi học, M.U giành được hai cúp FA vào năm 1983, sau khi đánh bại Brighton, và năm 1985 sau khi hạ gục Everton, nhưng Liverpool liên tục giành chức vô địch giải quốc nội và cả cúp Châu Âu. Họ đang là bá chủ.

Giờ đây nhìn lại, tôi đánh giá cao những gì thành tích mà Liverpool từng giành được. Tôi không thể vờ như không biết tới sự xuất chúng của họ, ngay cả khi tôi rất ghét phải thừa nhận điều đó. Chỉ có những kẻ ngu xuẩn mới không thừa nhận tài năng của Kenny Dalglish. Làm gì có fan hâm mộ nào không thèm muốn những cái tên như Graeme Souness, Peter Beardsley hay John Alridge? Tôi thậm chí còn ngưỡng mộ thầm Steve Nicol. John Barnes cũng thật tài năng, nhiều lúc tôi phát ghen với anh ấy vì điều đó.

Ở thời điểm này, tôi đã chấp nhận Liverpool như một thành phố lao động thực thụ của miền Bắc nước Anh. Tôi nhận ra được lòng trung thành của người hâm mộ dành cho đội bóng của họ, và tôi ngưỡng mộ Liverpool, bởi giống như Manchester, họ đã phải vượt qua nhiều khó khăn để khẳng định mình trong âm nhạc và bóng đá. Nhưng khi đó tôi ghê tởm Liverpool, ghê tởm những thành công của họ.

United là đội bóng trong trái tim tôi, và tôi sẵn sàng chống lại mọi logic để ủng hộ họ. Ở trường, tôi khoe khoang với chúng bạn rằng M.U có trong tay Bryan Robson, đội trưởng ĐTQG và cũng là cầu thủ xuất sắc nhất đất nước. Tôi gào lên trong những cuộc tranh luận rằng Old Trafford to lớn hùng vĩ biết bao nhiêu, trong khi Anfield thật bé nhỏ. Câu trả lời mà tôi nhận được giống như những cái tát: “Ừ đúng rồi, nhưng mà Liverpool vô địch còn chúng mày kém bọn tao tới 31 điểm.”

Tôi cố gắng tìm niềm an ủi trong vinh quang quá khứ của [Matts] Busby, [George] Best, [Dennis] Law và [Bobby] Charlton, những câu chuyện mà tôi nghe bố kể, và tôi tự an ủi rằng một ngày nào đó United sẽ trở lại với vinh quang. Nhưng ngay cả tôi cũng không thể tin nổi khi M.U kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 13 trên bảng xếp hạng, kém cả Convetry City và QPR. Chúng tôi đã phung phí rất nhiều tiền nhưng chẳng giành được danh hiệu gì. Chúng tôi mua Garry Birtles và Peter Davenport, người hâm mộ được hứa hẹn rất nhiều, nhưng rồi lại thất vọng tràn trề với những kết quả bết bát. Nhiều lần chúng tôi trở thành ứng cử viên vô địch nhưng đến cuối mùa lại trắng tay. Dù vậy, tôi vẫn không nản lòng chút nào.

Gary Neville ăn mừng chiến thắng 2-1 của Man Utd trước Liverpool năm 1999

Hình như những lý lẽ của tôi giống với các CĐV Man City trong những năm gần đây, than thở ầm ĩ mỗi khi đội nhà không giành được chức vô địch? Các fan của Man City luôn huênh hoang về chuyện derby thành Manchester quả là mộ trận đấu lớn, còn bọn họ mới là những fan chân chính của Manchester. Nhưng đối với tôi United – City chẳng bao giờ là một trận đấu quan trọng. Đối thủ duy nhất xứng tầm với United là Liverpool, và tâm lý này một phần nào đó xuất phát từ những cuộc tranh cãi thưở nhỏ.

Là một CĐV bóng đá, chỉ có tình yêu với đội bóng bạn yêu thích thôi thì chưa đủ, còn phải có một nỗi căm hận đối với đối thủ truyền kiếp của bạn. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của bóng đá Anh là sự chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm CĐV, và giữa United và Liverpool luôn tồn tại một bầu không khí căng thẳng. Khi còn nhỏ, tôi rất đau khổ khi chứng kiến Liverpool hạ United hết lần này đến lần khác. Nhưng đó cũng là lý do vì sao những chiến thắng trước Liverpool với tư cách một cầu thủ của M.U luôn rất ngọt ngào, vì sao tôi luôn chiến đấu hết sức mình, luôn ăn mừng như điên dại sau mỗi trận thắng Liverpool, vì sao tôi luôn hôn phù hiệu United trước mặt CĐV Liverpool, như một fan cuồng hâm mộ thực thụ.

Máu cuồng nhiệt rồi cũng báo hại tôi, khi tôi bị FA phạt 5.000 bảng vì ăn mừng một bàn thắng quyết định ở Old Trafford. Tôi cho rằng đây đúng là một hình phạt ngớ ngẩn hết chỗ nói. Như lúc đó tôi đã phát biểu trước báo giới, chẳng nhẽ họ muốn biến chúng tôi thành robot hết à? Đã bao nhiêu lần họ ra rả với chúng tôi rằng khoảng cách giữa các cầu thủ và các CĐV quá lớn, và cũng chẳng ai quan tâm đến CLB mình đang khoác áo? Và rồi họ lại phạt người ta chỉ vì họ sống thực với cảm xúc của mình. Thật đáng thương hại.

Tôi đã gây thù với CĐV Liverpool khá nhiều lần, và họ cũng đã hành hạ tôi kha khá. Chẳng bao giờ tôi phàn nàn về những điều tệ hại mà CĐV Liverpool gây ra, dù tôi đã chịu đựng đủ mọi thứ trên đời, kể từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm này qua năm khác, tôi phải nghe những bài hát hằn học của họ. Một lần, tôi còn suýt bị CĐV Liverpool lật ngửa xe ở Salford Keys, khi đó tôi đang trên đường về nhà sau một trận đấu. Họ cố mở cửa xe, nhưng không được nên đã hò nhau vật ngửa chiếc xe ra đường. Thật may mắn, đúng lúc đó dòng xe cộ trên đường bắt đầu di chuyển, tôi nhấn ga phóng vọt đi trước khi những kẻ cuồng khích kia kịp lật xe.

Một đêm trước một trận đấu khác với Liverpool ở Old Trafford, cảnh sát gõ cửa nhà tôi. Họ báo cho tôi biết rằng nguồn tin mật thám đã xác định được một nhóm anh chị ở vùng Merseyside đang trên đường tới “hỏi tội” tôi, và khuyên tôi nên rời khỏi nhà càng sớm càng tốt. Ngay lập tức, tôi thu dọn đồ, di chuyển tới một vùng khác và tá túc tại một khách sạn.

Tôi luôn ý thức được rằng những rắc rối kể trên là cái giá phải trả cho sự cuồng nhiệt với United, một điều dường như đã trở thành trách nhiệm với tôi từ hồi còn bé. Nhưng nếu bóng đá không phải không phải là việc lựa chọn bên này bên kia, đội tao đấu với đội mày, dù đó là trên sân cỏ, trên nền đất, trong quán bar hay ở sân trường thì nó là cái gì chứ?

United tới hơi thở cuối cùng. Mặc xác những kẻ ngoại đạo.
Đỗ Thắng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục