Tự truyện Andrea Pirlo - Chương 10 (tiếp theo và hết): Con đường riêng của Pirlo

13:47 Thứ tư 10/07/2013 | 1

Pirlo nghi ngờ các cầu thủ Deportivo đã dùng doping trong trận đấu lịch sử năm 2004, nhưng anh khẳng định mình không bao giờ đi “con đường tắt” mang tên doping. Cũng vì tư duy đó nên Pirlo đã ở lại Italia thay vì nhận lời sang Qatar năm 2011.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

 

Mối nghi ngờ doping

Tôi không muốn người ta nghĩ về mình như là một người não phẳng. Đúng là có một số cầu thủ bóng đá không được thông minh cho lắm (tôi biết vài người…), và tôi không dám so sánh mình với các giáo sư, kiến trúc sư hay dược sĩ (những người có IQ rất cao), nhưng về cơ bản tôi nghĩ trí thông minh của mình cũng xứng đáng được xếp vào hạng trung bình. Tôi luôn luôn có quan điểm riêng về tất cả mọi thứ và tôi không những không ngần ngại nói ra điều đó, mà còn sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình nếu cần thiết. Và, theo tôi, có ai đó đã gian lận. Dù không có bằng chứng chắc chắn, ít nhất thì tôi cũng cảm thấy cực kỳ nghi ngờ.

Andrea Pirlo thời còn khác áo Milan

Đó là trận đấu ở La Coruna năm 2004, lượt về vòng tứ kết Champions League khi tôi còn khoác áo Milan. Ở lượt đi, chúng tôi đã thắng tới 4-1 và trong mắt một số người thì xác suất cho việc Milan không thể đi tiếp cũng ngang ngửa với xác suất của việc Gattuso tốt nghiệp ngành văn học. Chúng tôi tin rằng mọi chuyện đã kết thúc ngay sau lượt đi và thậm chí đã nghĩ đến vòng bán kết: chuyến làm khách ở TBN chỉ là một cuộc dạo chơi mà thôi. Nhưng một kịch bản không thể tưởng tượng nổi đã diễn ra: chúng tôi dường như quên mất cách chơi bóng, bị áp đảo từ đầu đến cuối và thua trắng bốn bàn không gỡ. Đúng là chúng tôi đã thi đấu không thực sự tốt – đó là điều kiện tiên quyết cho chiến thắng của Deportivo – nhưng sau vài năm nhìn lại thì có vẻ như có điều gì đó không ổn. Đối thủ của chúng tôi đã thể hiện một sức mạnh thể chất khủng khiếp: họ chạy nhanh như chớp, phải đến hàng nghìn km/giờ (Pirlo hơi thậm xưng một chút – ND) và bật vọt khỏe như đạn pháo. Nhưng quang cảnh khiến tôi có ấn tượng sâu sắc nhất diễn ra vào cuối hiệp một: khi trọng tài đã thổi còi kết thúc 45 phút đầu tiên, họ vẫn tiếp tục lao như điên vào phòng thay quần áo với tốc độ của Usain Bolt. Lẽ ra 15 phút đó phải được dùng để nghỉ giải lao, nhưng họ không thể ngừng lại được. Tôi không có bằng chứng để kết tội bất kỳ ai và có thể tôi đã tư duy quá nghiêm trọng, có thể đó chỉ là suy nghĩ bột phát vì quá giận dữ sau một thất bại, nhưng đó là lần đầu tiên trong đời tôi nghi ngờ rằng ai đó đã dùng doping.

Không đi đường tắt

Tuy nhiên tôi đã cười lớn mỗi khi nghe người ta gán việc sử dụng doping với những thành công của Barcelona. Bí mật thực sự đằng sau chiến thắng của họ là việc kiểm soát bóng càng nhiều càng tốt (và chẳng có doping nào ở đây cả). Ở Italia cũng thế, doping gần như không tồn tại bởi các cầu thủ bóng đá chúng tôi luôn bị giám sát và kiểm tra rất chặt chẽ. CONI (Ủy ban Olympic Italia) và UEFA thường xuyên “ghé thăm” và thực hiện các bài kiểm tra doping, không chỉ qua mẫu nước tiểu mà còn cả mẫu máu nữa. Thông thường thì họ sẽ đến đột ngột - trong lúc chúng tôi đang tập luyện – và bảo chúng tôi đi theo họ. Tất nhiên chúng tôi không phàn nàn gì về điều đó, và sẽ là rất ngu ngốc nếu như dùng các chất bị cấm bởi bạn sẽ bị phát hiện ngay lập tức, đó là chưa kể đến những ảnh hưởng lên sức khỏe. Thực ra, vào đầu mỗi mùa bóng thì đội ngũ y tế của các CLB sẽ cập nhật cho các cầu thủ một danh sách các loại thuốc không được phép sử dụng, nhưng ngay cả khi chỉ dùng một viên aspirin thì tôi vẫn gọi điện hỏi bác sĩ (để an toàn). Tôi luôn cảm thấy tức giận mỗi khi các tay đua xe đạp kết tội giới bóng đá là quá giàu, được hưởng quá nhiều ưu tiên: vấn đề là họ dùng doping, còn chúng tôi trong sạch (nên xứng đáng được ưu tiên).

Chuyện những cựu VĐV xe đạp thú nhận rằng đã sử dụng doping chẳng khiến tôi bất ngờ chút nào, bởi đó là một sự thực hiển nhiên trong rất nhiều năm. Một người bình thường không thể nào đạp xe tới 300km một ngày (trong đó có cả các chặng leo núi), với vận tốc 45km/giờ và lại lặp lại những hành động đó sau 24 tiếng. Những giải đua xe đạp như Tour de France hay Giro d’Italia đòi hỏi bạn phải duy trì phong độ cao trong nhiều tuần liên tục, và các VĐV không thể nào chịu nổi nếu không có doping. Chiến công giành 7 chức VĐ Tour de France của Lance Armstrong cũng giống như là leo lên đỉnh tháp Eiffel bằng trực thăng: chẳng có gì đáng nể cả. Mỗi sáng, khi thức dậy và nhìn vào trong gương, có thể tôi chỉ nhìn thấy một người đàn ông với vẻ ngoài bình thường, nhiều râu và chẳng có gì bắt mắt, nhưng tôi tự hào với từng giây phút đã qua của cuộc đời mình. Cha mẹ tôi, ông Luigi và bà Lidia, đã dạy tôi rằng không nên đi những con đường tắt: nếu làm thế, có thể thành công sẽ đến sớm, nhưng một ngày nào đó bạn sẽ thất bại và phải trả giá. Bạn sẽ bị đốt cháy trong địa ngục do chính mình tạo ra.

Từ chối người Qatar

Tôi không bao giờ muốn đi đường tắt. Năm 2011, khi Al Sadd giành quyền tham dự Cúp VĐTG các CLB, họ đã liên hệ với người đại diện Tullio Tinti của tôi và bảo: “Chúng tôi muốn Andrea có mặt ở Qatar”. Tullio đã rất sốc: “Xin lỗi, ý các ông là…” “Đến đây, chơi bóng ở Qatar”Điên rồ. Không thể có chuyện đó đâu”. Lúc đó tôi vẫn đang là một thành viên của Milan và chưa hề có ý định chuyển ra nước ngoài thi đấu. “Nhưng Guardiola cũng đã từng chơi bóng ở đây” – phía Al Sadd nói tiếp. “Đó là vào giai đoạn cuối sự nghiệp của ông ấy” – lần này là Tinti. “Được rồi, chúng ta hãy gặp mặt và nói chuyện một chút”. “Bao giờ các ông đến?”. “Chúng tôi đang ở Milan rồi, nói địa điểm đi và chúng tôi sẽ đến đó trong vòng một giờ nữa”.

Tôi đợi họ ở khách sạn Principe di Savoia, một khách sạn siêu xa xỉ nằm gần bến tàu trung tâm, nơi Beckham từng ở trong giai đoạn khoác áo Milan. “Xin chào, tôi là Andrea Pirlo”. “Hợp đồng đã sẵn sàng, anh chỉ có vài phút để cân nhắc thôi và phải quyết định nhanh lên”. “Nhưng tôi chỉ đến đây để xem các ngài là ai thôi”. Việc phiên dịch không thật sự thuận lợi, đã có vài phút im lặng trôi qua khi họ chỉ nghĩ đến tương lai còn tôi muốn tập trung vào hiện tại, nhưng dù sao tôi cũng đã có một ấn tượng khá tốt về những người Qatar. “Andrea, anh có mấy nhóc rồi?”. “Hai”. “Ở Qatar chúng tôi có một ngôi trường rất tuyệt vời, dạy bằng tiếng Anh”. “Nhưng tôi muốn nghe chúng nói tiếng Italia”. “Thì chúng tôi sẽ xây một ngôi trường mới và mời toàn các giáo viên người Italia. Và chúng tôi sẽ rất mừng nếu anh chịu nhận vài chiếc xe Ferrari như là quà tặng”. “Vài chiếc?”. “Nếu như anh nhớ Italia thì chuyên cơ luôn sẵn sàng phục vụ”. “Nhưng….”. “Thời hạn hợp đồng là bốn năm, mức lương 10 triệu euro/năm. Nếu anh thấy 10 triệu vẫn chưa đủ thì chúng tôi có thể nâng lên”. “Cám ơn rất nhiều, nhưng tôi vẫn còn muốn chơi bóng đỉnh cao ở châu Âu, ở Italia. Sang Qatar thì sự nghiệp của tôi sẽ kết thúc”. “11 triệu”. “Tullio, đi thôi”. “12 triệu….”. “13 triệu…”. Tôi gần như lôi Tullio dậy và chạy ra khỏi đó. Đồng hồ chỉ 21 giờ 21 phút. 21 là con số yêu thích của tôi, là ngày cha tôi ra đời, ngày tôi kết hôn và ngày tôi ra mắt ở Serie A. Rất nhanh, nó đã trở thành số áo của tôi và tôi chưa bao giờ từ bỏ nó. Nó luôn mang lại cho tôi may mắn và lần này cũng vậy.
Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục