Tự truyện Alex Ferguson (Chương 8): Dải ngân hà của nhà Glazer

12:16 Thứ sáu 01/11/2013

Kể từ khoảnh khắc Manchester United trở thành một công ty TNHH vào năm 1990, tôi đã biết chắc rằng sẽ có ngày CLB bị mua lại và chuyển sang dạng sở hữu cá nhân. BSkyB là một trong những cổ đông lớn nhất trước khi Malcolm Glazer bắt đầu mua cổ phần vào năm 2003. Với truyền thống và vị thế của chúng tôi, M.U không thể thoát khỏi sự chú ý của các nhà đầu tư. Điều bất ngờ duy nhất đối với tôi, khi gia đình Glazer nắm giữ quyền kiểm soát, là có quá ít tỷ phú quan tâm đến thương vụ này.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

 

Mối quan hệ với nhà Glazer

Sau khi nhà Glazers mua lại M.U, Andy Walsh của Hội Cổ động viên Manchester gọi cho tôi và nói “Ông phải từ chức”. Andy là một người đáng mến nhưng tôi không có lý do gì để đồng ý với lời đề nghị đó. Tôi là HLV trưởng, không phải một giám đốc, cũng không phải một trong những cổ đông lớn vừa bán lại cổ phần. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu đội bóng chẳng liên quan gì đến tôi cả. Tôi bảo Andy: “Nhưng anh nghĩ điều gì sẽ diễn ra với các trợ lý của tôi? Một số người đã làm việc cùng tôi suốt 20 năm và họ cũng sẽ phải ra đi một khi tôi ra đi”. Tôi không muốn tham gia vào các cuộc tranh cãi về mô hình sở hữu và gây ra những rối loạn trong việc quản trị CLB. Tất nhiên, nếu gia đình Glazer lựa chọn một phương án cứng rắn hơn – yêu cầu tôi sa thải một vài trợ lý chẳng hạn – thì mọi chuyện sẽ khác, nhưng những áp lực kiểu như thế chưa bao giờ xuất hiện. Vậy liệu bạn có từ bỏ một công việc mà mình đã gắn bó cả đời chỉ vì vài CĐV muốn thế?

Sir Alex từng đối mặt với việc buộc phải từ chức HLV Man Utd

Tôi phải thừa nhận rằng đó là một quãng thời gian đầy lo âu. Tôi không rõ mình có thể đầu tư thêm bao nhiêu tiền vào đội bóng. Nhưng tôi phải tin vào khả năng của mình trong việc phát hiện ra những cầu thủ giỏi cũng như cấu trúc của CLB. Nhà Glazer đã mua lại một CLB có nền tảng vững chắc và họ hiểu rõ điều đó.

Malcolm là người đầu tiên gọi cho tôi, và hai tuần sau thì hai con trai của ông ta - Joel và Avi – chính thức đến Manchester. Họ nói rằng sẽ không có gì thay đổi trong việc điều hành các hoạt động bóng đá, bởi họ cho rằng CLB đang được quản lý tốt, tôi là một HLV thành công và họ hoàn toàn ủng hộ tôi. Đó là tất cả những gì tôi muốn nghe. Ngoại trừ tuổi tác của tôi thì không có lý do nào khác để nhà Glazer cân nhắc đên việc thay đổi HLV trưởng. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến khả năng đó.

M.U không phải “con bò sữa”

Hàng chục triệu bảng tiền lãi mà M.U phải trả khiến người ta có cảm giác CLB đang bị biến thành “con bò sữa” cho nhà Glazer. Nhưng chưa bao giờ tôi bị ép phải mua sắm thận trọng hơn, cũng chưa bao giờ buộc phải bán một cầu thủ vì tiền. Một trong những điểm mạnh của nhà Glazer là khả năng làm thương mại. Họ mang về hàng tá nhà tài trợ: từ hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ cho đến các công ty điện thoại ở Saudi Arabia và Thái Lan, cho đến các hãng bia ở Viễn Đông. Những HĐ tài trợ ấy mang về hàng chục triệu bảng khác và giúp thanh toán các khoản nợ.

Chưa bao giờ tôi bị “bó chân bó tay” vì nhà Glazer. Nếu tôi từ bỏ một thương vụ nào đó thì là vì giá chuyển nhượng hoặc tiền lương bị đội lên cao một cách quá đáng, và những quyết định đó đều nằm trong thẩm quyền của tôi và David Gill. Trên thực tế thì “dải ngân hà” tài năng của chúng tôi thậm chí còn được mở rộng, mà đáng chú ý nhât là Carlos Tevez. Ban đầu tôi không định thực hiện vụ chuyển nhượng này vì những rắc rối liên quan đến quyền sở hữu của bên thứ ba, nhưng cuối cùng David bảo tôi ông ấy có thể mượn được Tevez trong hai năm với một khoản phí. Carlos đã chơi tốt trong mùa giải đầu tiên ở đây, luôn tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng cho dù anh ấy không sở hữu tốc độ thực sự tốt và cũng không thích tập luyện. Carlos luôn nói rằng “bắp đùi tôi bị đau” và luôn muốn nghỉ ngơi. Đôi lúc chuyện đó khiến chúng tôi khó chịu, bởi chúng tôi muốn các cầu thủ phải luôn luôn hăng hái trong các buổi tập.

Mở rộng dải ngân hà

Tevez đã chơi tốt hơn Wayne Rooney trong trận chung kết Champions League 2008, nhưng vấn đề là trong mùa giải tiếp theo tôi đã ký hợp đồng với Dimitar Berbatov và tôi muốn Rooney – Berbatov trở thành cặp tiền đạo chủ lực. Khi xem Dimitar chơi bóng ở Tottenham, tôi thấy anh ấy có những phẩm chất tương tự như Cantona hay Teddy Sheringham: không quá nhanh, nhưng rất sáng tạo và tỉnh táo. Tôi nghĩ anh ấy có thể đưa chúng tôi lên một tầm cao mới và Tevez chỉ còn đóng vai trò dự bị. Đến tháng 12 năm đó, chúng tôi cảm thấy Tevez đang thi đấu không tốt. Tôi nghĩ Tevez là dạng cầu thủ lúc nào cũng cần được chơi bóng: khi bạn không tập luyện nhiều, bạn phải thi đấu nhiều để bù lại. David hỏi tôi muốn gì, và tôi trả lời rằng mình cố gắng cho Tevez ra sân nhiều hơn để đánh giá chính xác phong độ của anh ta.

Sau đó Tevez đã tạo được ảnh hưởng lớn trong nửa sau mùa giải 2008-09, đáng kể nhất là trận thắng Spurs 5-2 sau khi bị dẫn trước 2-0, nhưng anh ta không được đá chính trong trận chung kết Champions League 2009. Sau trận đấu ở Rome, anh ta nói với tôi rằng: “Ông chưa bao giờ có ý định ký HĐ dài hạn với tôi”. Tevez là một cầu thủ giỏi, nhưng tôi sẽ không bao giờ trả số tiền điên rồ 47 triệu bảng như Man City. Một phần cũng là lỗi của tôi, bởi tôi rất thích Berbatov và muốn anh ấy thành công ở đây.

Berbatov (trái) và Carlos Tevez trong màu áo  Manchester United

Tháng 1/2007, chúng tôi mượn được Henrik Larsson trong 2 tháng. Tất cả các cầu thủ đều ngưỡng mộ Henrik, ngoài ra anh ấy luôn tập luyện rất tuyệt vời và 3 bàn thắng trong quãng thời gian ấy không thể phản ánh hết những đóng góp của Henrik.

Bên cạnh Tevez và Larsson, còn có những tài năng khác gia nhập chúng tôi. Carlos Queiroz, thông qua các mối quan hệ của ông ấy ở BĐN, nói rằng có một cậu bé 16-17 tuổi tên là Anderson ở Porto. Sau khi xem cậu ta thi đấu, em trai Martin của tôi thậm chí khẳng định chắc nịch rằng “Alex, thằng bé đó còn giỏi hơn Rooney”. Cũng vào thời điểm đó tôi quyết định mua Nani bởi cậu ta có tốc độ, thể lực, chơi đều cả hai chân, tranh chấp bóng bổng tốt, nói tiếng Anh tương đối ổn và chưa có điều tiếng gì về đời sống cá nhân ở Sporting Lisbon.

Sau hai năm, tôi có thể nói rằng những lý do khiến tôi quyết định chiêu mộ họ là chính xác. Tôi luôn luôn tôn trọng những cầu thủ Brazil. Thử kể tên một cầu thủ Brazil không tỏa sáng trong những trận cầu lớn? Họ sinh ra để đá những trận quan trọng. Họ có một phẩm chất đặc biệt: lòng tự hào về bản thân. Các cầu thủ Argentina cũng có lòng tự hào dân tộc rất cao nhưng tôi thấy họ thiếu đi sự bùng nổ như những người Brazil. Ngoài ra còn có một định kiến sai lầm là các cầu thủ Brazil không thích tập luyện. Điều đó không đúng, họ tập chăm chỉ chẳng kém ai. “Cầu thủ Brazil sợ lạnh” lại là một suy nghĩ sai lệch khác: anh em nhà Da Silva là ví dụ. Họ ra sân tập mà không cần quần áo giữ ấm, cũng không cần găng tay.Với Nani, cậu ta có đầy đủ những phẩm chất cá nhân nhưng cần thêm sự ổn định và phải cố thoát ra khỏi cái bóng của Ronaldo.

Những vụ chuyển nhượng khác

Tôi cảm thấy kém lạc quan hơn khi nghĩ lại vụ chuyển nhượng thảm họa của Owen Hargreaves. Anh ta không có chút tự tin nào về bản thân, không cho thấy đủ quyết tâm để vượt qua những chấn thương và luôn chọn phương án dễ dàng cho bản thân trong tập luyện. Khi tôi ký hợp đồng với anh ta, đã có điều gì đó mà tôi không thích ngay từ đầu. Có lẽ đó là bản năng của người lãnh đạo. Kleberson cũng khiến tôi không an tâm, nhưng đó là vì anh ta dành quá nhiều sự quan tâm đến mong muốn của vợ và cha vợ.

Bebe là người đầu tiên tôi mua mà chưa từng xem anh ta thi đấu trước đó. Anh ta không phải là một cầu thủ toàn diện và cần rèn luyện thêm về phối hợp nhóm, nhưng với đôi chân uy lực như thế thì Bebe đủ sức ghi 20 bàn/mùa. Mame Biram Diouf, có giá 4 triệu euro, được Ole Gunnar Solskjaer giới thiệu với chúng tôi và đó là một thương vụ tốt cho dù cậu ta không bao giờ tỏa sáng ở M.U. Rồi còn Gabriel Obertan, Chris Smalling... tôi không bao giờ cho phép mình dừng lại, ngay cả trong những khoảnh khắc vinh quang nhất. Ngày nào tôi còn ở đây, ngày đó tôi sẽ tiếp tục nhìn về phía trước. Luôn luôn là như vậy.
Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục