Từ Quaresma đến Nani: Chuyện những người khốn khổ

22:47 Thứ bảy 11/07/2015

(TinTheThao.com.vn) - Tài năng kiệt xuất và từng nhận được kỳ vọng sẽ trở thành ngôi sao lớn của làng túc cầu thế giới, đó là điểm chung đáng chú ý nhất của bộ đôi người Bồ Đào Nha: Ricardo Quaresma và Luis Nani. Tuy nhiên khi mà sự nghiệp của họ đang bước dần lùi những ngày tháng cuối cùng thì người ta mới nhận ra rằng những tài năng này đã rất không may mắn, vì sinh ra nhầm thời đại…

Có thể nói bóng đá của thời điểm hiện tại không còn có chỗ cho những người nghệ sỹ đường phố, thi đấu bằng ngẫu hứng và dùng những tuyệt kỹ để giành chiến thắng. Mà thay vào đó muốn đi đến thành công ít nhất cần phải có được sự gắn kết của một tập thể.

Ricardo Quaresma và Luis Nani từng được kỳ vọng rất nhiều. Ảnh: Internet.

Với Quaresma cũng như Nani họ là những người đi ngược triết lý ấy. Phong cách chơi bóng “tới đâu hay tới đó” là một phần giết chết những “nhà nghệ thuật” kể trên.

Đã từng có thời kỳ người hâm mộ bóng đá xem Quaresma như là một người nghệ sỹ thực thụ trên sân cỏ. Khi đạt phong độ cao nhất hầu như không một hàng phòng ngự nào có thể ngăn cản những pha đi bóng như con lốc từ hai hành lang cánh của tiền vệ sinh năm 1983 này.

Quaresma sở hữu phẩm chất của một thiên tài bóng đá, anh làm thổn thức biết bao con tim khi phô diễn kỹ thuật cá nhân siêu việt của mình. Những pha đảo chân như rang lạc, những tình huống qua người thần sầu, những cú sút cháy lưới đối phương và đương nhiên không thể không nhắc đến những pha vẩy má ngoài điệu nghệ, một nét đặc trưng độc quyền của riêng cá nhân anh mà không lẫn vào đâu được.

Thế nhưng tài năng của Quaresma không cùng song hành với lý trí và sự đức độ của một cầu thủ bóng đá cần có. Bóng đá với Quaresma đơn thuần chỉ là một trò chơi, nói cách khác đó là một môn nghệ thuật. Trong khi đó, cái đội bóng cần ở anh không phải là thứ bóng đá biểu diễn mà là một phong độ ổn định giúp đội nhà cầm chắc những chiến thắng.

Từ Porto, Barca, Chelsea, Inter Milan,… tất cả đều có chung một lập luận, đại khái là: “Quaresma rất tốt, nhưng chúng tôi rất tiếc. Đội bóng của chúng tôi không cần một cầu thủ vô kỷ luật như anh ấy.”

Ricardo Quaresma không thể gắn kết với đồng đội. Ảnh: Internet.

Nói cũng đúng, khi theo dõi những “Best Skills” của Quaresma trên Youtube hẳn là chúng ta cảm thấy rất hào hứng từ những đường bóng siêu việt của nhà nghệ thuật này. Song, nếu thường xuyên chứng kiến Quaresma thi đấu trong suốt 90 phút, không ít người ngán ngẩm: “Lẽ ra anh nên chuyền bóng sớm hơn thì đội nhà đã có một bàn thắng,...”

Sau thời Ricardo Quaresma thì một đồng hương khác của ngôi sao một thời này là Luis Nani cũng đi theo vết xe đổ từ người đàn anh. Hè 2007 Luis Nani gia nhập Man United với giá xấp xỉ 25 triệu Euro và với một số tiền khổng lồ như thế các Manucians chờ đợi rất nhiều điều đến từ chàng tiền vệ khi đó mới 21 tuổi này.

Đã có lúc người ta nhìn thấy bóng dáng của Cristiano Ronaldo trong cách xử lý bóng của Nani, cũng phải thừa nhận rằng anh đã học hỏi được rất nhiều thứ khi CR7 còn chơi ở Old Trafford. Tuy nhiên trình độ “thực hành” của Nani là kém xa so với siêu sao hiện tại đang chơi cho Real Madrid.

Nani sở hữu những phẫm chất hơn người, từ những pha vờn bóng, đảo chân, đến qua người dễ bởn giữa vòng vây 3, 4 cầu thủ đối phương. tuy nhiên Nani lại thiếu đi sự ổn định cần thiết để mang đến thành công. Chính phong độ “trận trúng, trận thất” ấy đã biến tiền vệ sinh năm 1986 này trở thành một nghệ sỹ “không có đẳng cấp”.

Luis Nani đã không thể vươn tới đẳng cấp của một siêu sao. Ảnh: Internet.

Và rồi sau tám mùa giải khoác lên mình chiếc áo đỏ, cuối cùng Nani cũng đã rời xứ Sương mù sang Thổ Nhĩ Kỳ để tìm kiếm một bến đổ thích hợp hơn với bản thân anh. Một môi trường không mang nặng tính cạnh tranh như CLB Fenerbahce có lẽ sẽ tốt hơn hơn với phong cách chơi bóng ngẫu hứng của Nani…

Trong bóng đá đỉnh cao chỉ tài năng không vẫn chưa đủ, mọi cầu thủ đều phải nỗ lực tập luyện, học hỏi và nhất là phải biết thích nghi với môi trường mình chơi bóng. Suy cho cùng, chính Quaresma và Nani tự đưa sự nghiệp mình đến bế tắc mà thôi. Bởi vì trước đây họ từng được đội bóng của mình tạo rất nhiều điều kiện để toả sáng, nhưng bởi cái nết biểu diễn “kỹ thuật không đúng lúc” đã lấy đi của họ tất cả.

Câu chuyện của những người khốn khổ như cặp đôi Quaresma và Nani quả thật là một bài học nhãn tiền cho những thế hệ cầu thủ sau này. Với tấm gương nói trên, chúng tôi, những con chiên ngoan đạo của làng túc cầu thế giới không bao giờ mong muốn những câu từ: “Tiếc nuối muộn màng” được lặp đi lặp lại thêm một lần nào nữa đâu.

Vệ Anh Tiến | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục