Ryan Giggs đã giành được hầu hết các danh hiệu ở cấp Câu lạc bộ cùng với Manchester United. Từ Champions League, Premier League, FA Cup, Cúp liên đoàn... cho tới FIFA Club World Cup. Cùng với đó là những kỷ lục cá nhân đáng nể, trong đó phải kể tới 4 kỷ lục được Guinness thế giới xác nhận: Cầu thủ đầu tiên và duy nhất ra sân thi đấu trong mọi mùa giải tính từ khi Ngoại hạng Anh ra đời, Cầu thủ đầu tiên và duy nhất ghi bàn trong mọi mùa giải tính từ khi Ngoại hạng Anh ra đời, Cầu thủ đá nhiều trận nhất tại Ngoại hạng Anh, Cầu thủ giành nhiều chức vô địch nhất trong lịch sử Ngoại hạng Anh. Bảng thành tích của lão tướng sắp bước qua tuổi 40 này thật sự đáng nể. Và nếu như không có scandal tình ái năm 2011, có lẽ anh đã được phong tước Hiệp sĩ Hoàng gia Anh. Nhưng xét trên bình diện chung, Giggs vẫn là một tượng đài, một huyền thoại sống của M.U.
Lampard không nhận được sự tri ân như Giggs. Ảnh: Internet. |
Nếu như Giggs là "cây trường sinh", là huyền thoại sống của M.U, thì Frank Lampard xứng danh là bức tượng đồng vĩ đại bậc nhất ở Stamford Bridge. Kể từ khi gia nhập Chelsea năm 2001, L8 đã trở thành chân sút xuất sắc thứ hai trong lịch sử The Blues với 194 bàn thắng, chỉ xếp sau Bobby Tambling với 202 bàn. Nếu Chelsea không thất bại đáng tiếc trước Corinthians ở FIFA Club World Cup 2012, có lẽ Lampard đã có đầy đủ các danh hiệu ở cấp Câu lạc bộ. Ở mùa giải này, lão tướng 35 tuổi cũng đã chơi cực hay, tiếp tục mang lại những bàn thắng quan trọng cho đội bóng. Sự bền bỉ đáng sợ của Lampard là một tài sản quý giá mà Chelsea có được.
Giggs và Lampard bước qua đỉnh cao đã lâu, họ bỏ lại sau lưng tốc độ và sự sung mãn, nhanh nhạy của tuổi trẻ. Ở cái tuổi lão tướng, không còn đủ thể lực để ra sân thường xuyên, nhưng cả hai vẫn ít nhiều đóng góp cho câu lạc bộ trong những lần góp mặt. Họ chơi bằng bản lĩnh và kinh nghiệm dày dạn qua từng năm. Hãy nhìn Lampard nổ súng liên tục trong những trận đấu gần đây của Chelsea, hãy nhìn Giggs chơi xông xáo ra sao trong những lần ra sân thi đấu. Chelsea và M.U có thể thay đổi nhân sự, thay đổi các chiến thuật khác nhau. Nhưng ở bất kỳ sơ đồ nào, bất kỳ phương án chiến thuật nào, cả hai vẫn chơi rất ổn định. Đáng tiếc rằng, sự khắc nghiệt của bóng đá lại đưa họ đi theo hai con đường khác nhau. Nếu như Giggs sắp sửa được M.U gia hạn hợp đồng - một phần thưởng tri ân đối với sự trung thành của "phù thủy xứ Wales", thì Super Frankie lại không được như thế, anh vẫn cống hiến hết mình mỗi lần được thi đấu, anh chấp nhận giảm lương để tiếp tục gắn bó với The Blues. Nhưng đáp lại, Abramovich và các cộng sự đã thẳng thừng loại anh ra khỏi các kế hoạch của đội bóng. Sự lạnh nhạt với một công thần đã đẩy Lampard ngày càng rời xa Stamford Bridge hơn. Nếu Lampard khoác áo một đội bóng khác, đó cũng chẳng phải là điều ngạc nhiên. Chỉ ngạc nhiên ở cách mà ban lãnh đạo Chelsea đối xử với một công thần như L8.
Mùa sau, Giggsy vẫn sẽ ở lại, anh sẽ ở lại nơi đã gây dựng nên tên tuổi của một huyền thoại sống. Dấu giày của Giggs vẫn còn ở Old Trafford, ở Carrington, ở một nơi nào đó tại thành Manchester - hệt như nhiều năm trước đó. Còn với Super Frankie, có lẽ các Chelski khó có thể chấp nhận mất anh. Sự độc tài, ghẻ lạnh của Abra đã biến anh thành nạn nhân của một cuộc thanh lọc được dự báo trước. Người hâm mộ lại thở dài và tiếc cho Lampard. Ai đó trong các fan Chelsea có lẽ sẽ thốt lên: "Milan tri ân Maldini; Roma tri ân Totti; Barca tri ân Johan Cruyff; M.U tri ân Giggs và Scholes..., tại sao Chelsea không tri ân Lampard?".
Một phần sự khắc nghiệt của bóng đá là thế? Đơn giản thôi, Chelsea không phải M.U; Barca... hay bất cứ đội nào khác. Và Abramovich cũng chẳng giống bất kỳ vị chủ tịch nào ở châu Âu. Bóng đá cũng như cuộc sống, đâu phải khi nào cũng công bằng.
(Bạn đọc: Đoàn Sơn)
|
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam