Từ Clint Dempsey nghĩ về cầu thủ Việt

21:32 Thứ sáu 17/06/2016

(TinTheThao.com.vn) - Đội tuyển Mỹ đã vào đến bán kết Copa America năm nay, và cái tên giúp họ bay xa đến như vậy vẫn rất quen thuộc, Clint Dempsey.

Bóng đá Mỹ đã rất khởi sắc trong những năm qua, họ đã chứng tỏ rằng với vị thế là một cường quốc thể thao thì chỉ cần quyết định tập trung đầu tư vào môn thể thao nào thì môn đó sẽ “khó lòng” mà không phát triển được.

Tuy nhiên trong sự phát triển của bóng đá tại Mỹ, không phải chỉ đơn thuần là bỏ tiền ra xây dựng lò đào tạo cầu thủ trẻ hoặc chiêu mộ các danh thủ qua thời đỉnh cao khắp nơi về MLS đá bóng để truyền đạt những tư duy chiến thuật. Đội tuyển quốc gia của họ đang thành công nhờ những nhân tố nòng cốt có kinh nghiệm chinh chiến lâu năm ở nước ngoài, và Clint Dempsey là một ví dụ như vậy.

Clint Dempsey, một nhân tố quan trong giúp ĐT Mỹ vào đến bán kết Copa America năm nay. Ảnh: Internet.

Cựu cầu thủ của Fulham và Tottenham đang làm rất tốt công việc của mình ở Copa America năm nay, vẫn là đầu tàu để đưa tuyển Mỹ vươn lên. Những bàn thắng và đường chuyền kiến tạo của anh là chìa khóa để mở ra một thế trận có lợi, một chiến thắng cho đội bóng. Nếu không có bảy năm nhúng mình vào môi trường có đẳng cấp cao hơn MLS là Premier League, chưa chắc Dempsey đã có được phong độ tốt và duy trì nó đến tận ngày nay khi anh đã 33 tuổi.

Những người làm bóng đá ở Mỹ bây giờ đang cố gắng có thêm nhiều Clint Dempsey nữa, họ không còn phụ thuộc vào mỗi bóng đá học đường như xưa, mà đã có lò đào tạo theo tiêu chuẩn châu Âu, hầu mong các cầu thủ họ tạo ra dễ dàng hơn trong việc tìm cơ hội ở châu Âu và sau đó quay về giúp cho đội tuyển quốc gia.

Nhìn một chút về Việt Nam, có một sự thật ai cũng biết đó là nền bóng đá của chúng ta chỉ ở mức đang phát triển, Đông Nam Á cũng chỉ là vùng trũng của bóng đá thế giới, giải vô địch quốc gia V-League chưa là gì so với các giải đấu trong khu vực châu Á. Nếu muốn bóng đá phát triển, ngoài việc đào tạo trẻ thì không thể không tính tới việc cho cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Vấn đề là liệu người Việt đã sẵn sàng cho điều đó hay chưa?

Lấy ví dụ về bầu Đức, khi ông có ý định cho cầu thủ học viện JMG sang châu Âu nhưng rồi không thực hiện được, nhiều người lại có phần hả hê. Thực sự việc có một định hướng rõ ràng rằng lứa cầu thủ này sẽ được đào tạo để đi nước ngoài, là rất quan trọng, nó sẽ giúp trang bị cho cầu thủ những kỹ năng cần thiết nhất để hòa nhập với bóng đá thế giới, vì vậy không có gì đáng chê trách khi có những tuyên bố kiểu như cầu thủ của tôi là để xuất khẩu hay tương tự như vậy.

Bóng đá Việt cần nhiều những ông bầu như bầu Đức luôn đặt mục tiêu xuất khẩu cầu thủ. Ảnh: Internet.

Tất nhiên vẫn còn nhiều điều cần bàn về việc này, ví dụ như không xuất khẩu bằng mọi giá. Clint Dempsey đã từng được một CLB Anh theo đuổi với mức giá 750.000 bảng, nhưng anh chưa sang và chỉ một năm sau, Fulham đã phải bỏ ra mức giá gấp đôi để đưa được anh về. Nếu như năm đó vì quá hưng phấn trước cơ hội mới ở châu Âu và sang Anh ngay, chưa chắc Clint Dempsey thành công như bây giờ. Việc xuất khẩu cầu thủ Việt cũng nên như vậy, không cần phải quá gấp rút, đưa đi bằng được, mà cần tính toán kỹ càng để không sa vào mục đích thương mại của người ngoài.

Tuy còn nhiều điều để nói, nhưng vấn đề chính ở đây là những thành phần của nền bóng đá Việt cần phải có tư duy “hướng ra biển lớn” như vậy. Đã từng có nhiều cầu thủ đang đạt độ chín của Việt Nam được các CLB ở những giải đấu khác liên hệ, nhưng rồi cuối cùng đều không thành.

Có thể nguyên nhân là từ các CLB chủ quản, hoặc chính bản thân cầu thủ còn ngại ngùng chưa muốn đi. Tâm lý e ngại như vậy cần được loại bỏ đi để nhường chỗ cho việc dám thử thách và có kế hoạch để thử thách. Bóng đá Việt cần nhiều những ông bầu như bầu Đức luôn đặt mục tiêu xuất khẩu cầu thủ, và cũng cần những cầu thủ như Nghiêm Xuân Tú sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi ở nước ngoài. Có như thế bóng đá nước nhà mới phát triển được.

(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

21:11 17/06/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục