Trường tồn võ Việt

14:09 Thứ ba 05/08/2014

Nhiều người bảo, cứ mỗi năm, không khí của Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam diễn ra lại một khác. Quả thực, điều ấy đúng bởi đã qua 5 lần liên hoan được diễn ra trên đất võ Bình Định thì cả 5 lần những người yêu võ Việt và các bạn bè quốc tế đều háo hức như ngày đầu được tham dự…

1. Cái háo hức ấy có thể thấy từ không khí “nóng” trên khắp các điểm tổ chức biểu diễn trong thời gian liên hoan diễn ra. Kỳ liên hoan này, chúng ta thu hút đông đảo các môn sinh, các võ sĩ, các võ sư cùng nhiều nhà nghiên cứu võ thuật tới từ 63 đoàn thuộc các đơn vị trong cả nước cùng 60 đoàn võ thuật của 26 võ phái đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sự đông đảo ấy đã cho thấy sức hút đối với Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam như thế nào. Hẳn thế, liên tục trong những ngày “chính hội” thì từ Tây Sơn cho tới Tuy Phước, An Nhơn luôn quy tụ đông đảo người hâm mộ tới theo dõi nhiều đoàn biểu diễn.

Biểu diễn võ thuật tại liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V

Cái háo hức không chỉ đến từ những võ sĩ của các môn phái võ cổ truyền trong nước mà cũng tới từ những người bạn nước ngoài. Từ Võ Kinh Vạn An Phái (Pháp), Thủy Pháp Việt Nam - Bỉ, Lâm Long Phi (Mỹ) cho tới Tinh võ đạo Nga, Văn Lang võ đạo Ma-rốc, võ quyền Ba Lan, Thần long thiên đại hổ (Pháp), Sa Long Cương quốc tế (Việt Nam, Pháp, Ý)… tất cả đến với ngày hội võ thuật của liên hoan là để biểu diễn cũng như quảng bá thật sâu rộng hơn môn võ mà mình đeo đuổi. Sâu thẳm trong đó, ít nhiều họ cũng có sự ảnh hưởng từ võ cổ truyền của Việt Nam.

Như môn phái Thủy Pháp Việt Nam - Bỉ được chính võ sĩ, võ sư trong đoàn mô tả đây là môn võ có hình thức như dưỡng sinh và nó đang được nhiều môn sinh Bỉ cùng kiều bào Việt Nam sinh sống tại đây tập luyện. Thậm chí, một số trường họ còn đưa môn võ này vào trong chương trình hoạt động thể chất dành cho học sinh. Hay với Võ Kinh Vạn An Phái được chính trưởng môn Trương Quang Kim chia sẻ là có bắt nguồn từ võ cổ truyền Bình Định gia. Ít nhất, tại nước Pháp, môn phái này đã có 20 CLB hoạt động, sinh hoạt tập luyện.

2. Trong sự giao lưu ấy, tất cả đều “mở” chứ không “đóng”. Cái “mở” ở đây chính là tiếp nhận giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, giữa các môn phái võ cổ truyền trong cả nước. Điều ấy đã tạo được hiệu quả rõ rệt trong những ngày liên hoan tại Bình Định vừa qua. Cái “mở” cũng là việc các môn phái võ Việt, người hâm mộ võ Việt được thêm cơ hội chiêm ngưỡng và tìm hiểu kỹ hơn với các võ phái, môn võ của nhiều bạn bè quốc tế. Trong ngày hội ấy, người ta được chứng kiến tận mắt để có thêm sự tỏ tường đối với karatedo, kiếm đạo tới từ Nhật Bản.

Hẳn rằng môn võ truyền thống của đất nước mặt trời mọc không xa lạ với người đam mê võ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, các võ sĩ Nhật Bản có mặt tại liên hoan vừa qua ra sàn đấu biểu diễn và giới thiệu thêm về nó thì sự tỏ tường khơi rộng hơn. Trong khung cảnh đầy hào khí nức tiếng Tây Sơn - Bình Định, khán giả được chiêm ngưỡng karatedo (đồng diễn quyền, đối luyện, nội công…), kiếm đạo battoudo và cả sumo của Nhật Bản quả thật đã tạo nhiều cảm xúc thích thú cho người xem.

Khép lại liên hoan lần thứ 5, nhà tổ chức hẹn gặp lại các bạn bè ở mùa năm sau. Có thể, liên hoan đã bế mạc ở công tác tổ chức nhưng dư âm của nó vẫn khiến nhiều môn sinh, võ sư, nhà nghiên cứu còn vương vấn đất võ Bình Định thật lâu.

Liên hoan bế mạc ngày 5-8. Trong khuôn khổ liên hoan, giải cúp vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 2014 cũng đã diễn ra và bế mạc với ngôi nhất toàn đoàn thuộc về TPHCM (10 HCV, 3 HCB, 4 HCĐ). Chủ nhà Bình Định ở vị trí thứ nhì (8 HCV, 7 HCB, 4 HCĐ) và Khánh Hòa xếp hạng 3 (3 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ). Cúp vô địch năm nay thu hút 400 VĐV của 40 đơn vị trong cả nước đăng ký thi đấu.

Minh Chiến | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục