Võ sĩ Nguyễn Duy Tuyến thất bại cay đắng tại bán kết hạng cân 85-90 kg đối kháng pencak silat trước võ sĩ chủ nhà Pamungkas. Kết thúc trận đấu, nhà vô địch SEA Games 2017 đã òa khóc vì không phục các quyết định của trọng tài.
Từ việc trọng tài xử ép
Theo ghi nhận của phóng viên đang tác nghiệp tại Indonesia, Duy Tuyến bị các trọng tài "đè ngửa" ra xử ép. Cụ thể, các đòn của Duy Tuyến đánh trúng nhưng không được điểm. Trong khi, võ sĩ của nước chủ nhà ra đòn không trúng nhưng điểm trên bảng điện tử vẫn nhảy.
Đặc biệt, Duy Tuyến có một lần quét ngã đối thủ và giành 4 điểm nhưng sau khi chủ nhà khiếu nại, anh bị tước điểm số một cách đầy ấm ức. Thậm chí, võ sĩ Việt Nam còn bị trừ thêm 1 điểm.
Đến hiệp đấu thứ 3, Duy Tuyến dẫn trước nhưng để đối thủ gỡ hòa, anh buộc phải tấn công và dính đòn quét trụ, qua đó phải rời sàn đấu trong nước mắt.
Ở môn karate, VĐV chủ nhà Arrosyiid (hạng cân 60 kg nam) được các trong tài "nâng đỡ" rất rõ ở bán kết trước Selvam Prem Kumar (Malaysia). Theo miêu tả của các phóng viên chứng kiến, Arrosyidd nhấc tay lên là có điểm, còn Selvam phải đòn nào thật rõ mới được tính, kết quả là Selvam bị xử thua ưu thế.
Tới trận chung kết Arrosyiid gặp Mahdi Zadeh Amir. Kịch bản tương tự tiếp tục diễn ra. Arrosyiid tự động được cộng điểm khi ra đòn. Ở những giây cuối, khi võ sĩ người Iran gỡ điểm còn 7-8, thì Arroryiid lại được tặng thêm điểm nữa để chắc thắng.
Khi trọng tài công bố kết quả, cả Selvam và Mahdi cùng thể hiện thái độ khi quay mặt đi. Thậm chí, trên bục nhận giải, Mahdi còn tháo bỏ huy chương bạc và từ chối chụp ảnh lưu niệm.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Nguyên trưởng đoàn thể thao Việt Nam, chúng ta nên thông cảm, bởi đại hội nào cũng có những sai sót trong công tác tổ chức.
Tuy nhiên, ông Minh cũng sớm cảnh báo phải cẩn thận với những trận đối đầu với VĐV chủ nhà. Tới chiều 26/8, những lời cảnh báo này đã hiện hữu khi Duy Tuyến bị xử ép trắng trợn và rời sàn đấu trong nước mắt.
Đến "sạn" trong công tác tổ chức
Không phải đến bây giờ, những hạt sạn trong công tác tổ chức, điều hành ASIAD 2018 mới gây tranh cãi.
Từ trước ngày khởi tranh, việc tổ chức bốc thăm môn bóng đá nam đã nhận nhiều phản ứng tiêu cực. Ban tổ chức giải thích cho việc thiếu 2 đội bóng UAE và Palestine là do không gửi đơn đăng ký qua email.
Sau đó, Indonesia đưa ra phương án không bốc thăm lại mà chỉ điền tên 2 đội bóng này vào các bảng đấu đã có. Nhiều người cho rằng ban tổ chức không muốn bốc thăm lại vì Olympic Indonesia rơi vào bảng đấu quá dễ.
Sau đó, Olympic UAE và Palestine được tổ chức bốc thăm riêng. Olympic Palestine được xếp vào bảng A với chủ nhà Indonesia, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) và Lào. UAE được bố trí vào bảng E với Hàn Quốc, Kyrgyzstan, Malaysia và Bahrain.
Chưa hết, việc bố trí sân tập cho các đội bóng cũng khiến giới hâm mộ và truyền thông phải ngán ngẩm.
Olympic Việt Nam được sắp xếp sân tập cách nơi ở khoảng 50 km vào lúc 20h. Theo tính toán, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ về tới khách sạn lúc 12h đêm. Để đảm bảo thể lực, Olympic Việt Nam phải tự sắp xếp sân tập với chất lượng như mặt ruộng.
Không chỉ Olympic Việt Nam, các đội bóng Myanmar, CHDCND Triều Tiên, Saudi Arabia và Iran đều phải méo mặt vì sân tập có chất lượng rất tệ.
Ngoài công tác tổ chức, việc cập nhật thông tin từ website chính của đại hội cũng gặp nhiều trường hợp dở khóc dở cười.
Bảng cập nhật thông tin trận đấu giữa 2 võ sĩ jujitsu Đào Hồng Sơn và Alblooshi Khalid (UAE) ở hạng cân dưới 56 kg của nam với kết quả đại diện Việt Nam thắng tới 100-0. Tuy nhiên, người giành quyền vào vòng tiếp theo lại là Khalid.
Đây là sai sót từ các nhân viên phụ trách việc cập nhật. Kết quả chính xác là Đào Hồng Sơn bị đối thủ submission (knock-out kỹ thuật) nên thua với tỷ số 0-100.
Chưa hết, Ngô Hữu Vương giành HCĐ nội dung 10 m mục tiêu di động nam từ 24/8. Phải hơn 1 ngày sau, trang chủ ASIAD 2018 lại đưa thông tin cập nhật trong ngày. Chưa hết, trên bảng danh vị, thông tin người đoạt HCĐ lại là Gan Yu.
Thậm chí, ngay cả các VĐV nước chủ nhà cũng phải chịu không ít ấm ức. 17 VĐV thuộc đội tuyển bắn súng Indonesia phải ngủ lại ngay trên sàn nhà thi đấu của Khu liên hợp thể thao thành phố Jakabaring (JSCC), Palembang, Nam Sumatra do đội tuyển không nhận được ngân sách cho việc ăn ở.
Theo Bola, tại ASIAD lần này, đội tuyển bắn súng Indonesia tham dự với hơn 30 vận động viên tranh tài ở 20 nội dung khác nhau.
Tuy vậy, các VĐV lại không ở tập trung mà được chia thành các nhóm. Nhóm 10 xạ thủ hàng đầu có khả năng giành vàng được hưởng chính sách đãi ngộ theo chuẩn VĐV quốc tế và ở khách sạn tại Palembang.
Nhóm thứ hai bao gồm 17 xạ thủ kể trên. Với kinh phí eo hẹp, họ buộc phải ngủ lại ngay tại nhà thi đấu. Trong khi, số còn lại ở tại nhà riêng của họ hoặc buộc phải bỏ tiền túi ra chi trả cho chi phí ngủ nghỉ tại khách sạn.
Trên đây chỉ là số ít trong các vấn đề của ban tổ chức nước chủ nhà Indonesia tại đại hội lần này.
Indonesia
Indonesia là một quốc gia nằm giữa Đông Nam Á và Châu Đại Dương. Đất nước này được mệnh danh là "Xứ sở vạn đảo", lãnh thổ của nó bao gồm 13.487 hòn đảo. Indonesia có biên giới trên đất liền với Papua New Guinea, Đông Timor và Malaysia, ngoài ra giáp các nước Singapore, Philippines, Úc, và lãnh thổ Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ.
Bạn có biết: Indonesia là quốc gia đứng thứ 14 trên thế giới về diện tích đất (thứ 7 thế giới nếu gồm biển và đất liền), là quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới. Quốc gia này còn có hòn đảo đông dân nhất thế giới, Java, chiếm hơn một nửa dân số cả nước.
Diện tích: 1,904,569 km2 (đất liền)
Dân số: 261 triệu (2016)
GDP: 3,895 USD (đầu người, 2017)
Đơn vị tiền tệ: Indonesian rupiah
Mã điện thoại: 62
Thủ đô: Jakarta