Trần Vân Phát: Một người bạn từ Trung Quốc

09:05 Thứ ba 20/05/2014

Để đội tuyển bóng đá nữ có được thành công như ngày hôm nay, có đóng góp không nhỏ từ một người đàn ông đến từ Trung Quốc: HLV Trần Vân Phát. Vị chuyên gia sinh năm 1955 này đang cùng các cầu thủ cố gắng thi đấu, vì màu cờ sắc áo tại giải Vô địch bóng đá nữ Châu Á, từ 14.5 đến 25.5 tại TPHCM.

Từ Giả Quảng Thác tới Trần Vân Phát

Năm 1997 là năm đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu tiên được thành lập dưới sự dẫn dắt ban đầu của HLV Mai Đức Chung. Thế nhưng khi cần “nâng tầm” đội tuyển nữ để dự Đại hội thể thao Châu Á (ASIAD) năm 1998 tại Thái Lan, VFF đã phải nhờ ông Hoàng Vĩnh Giang mời một chuyên gia Trung Quốc.

Thầy trò Trần Vân Phát

HLV Giả Quảng Thác tới Việt Nam làm nhiệm vụ và không ngờ chính HLV họ Giả này lại có thời gian gắn bó lâu dài với bóng đá nữ Việt Nam. Ông Giả Quảng Thác với những kinh nghiệm từ sự phát triển của bóng đá nữ Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy bóng đá nữ Việt Nam, từ ĐTQG cho đến những địa phương mà ông từng gắn bó như Hà Nội, Hà Tây.

Song người Trung Quốc thực sự gây ấn tượng và chiếm trọn tình cảm của những cầu thủ nữ lại là HLV Trần Vân Phát. Năm 2007, tròn 10 năm kể từ khi bóng đá nữ manh nha phát triển, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam có những thay đổi mạnh mẽ về lực lượng để hướng đến những mục tiêu mới chứ không chỉ gói gọn trong các giải khu vực như ĐNÁ hay SEA Games.

Khá tình cờ, VFF liên hệ được với ông Trần Vân Phát - lúc ấy đang làm trưởng phòng đào tạo của Đại Liên và là chuyên viên của LĐBĐ Trung Quốc. Tất nhiên, ông Phát không nhận lời ngay mà tìm cách nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ bóng đá Việt Nam. Vài tháng sau, VFF mới nhận được cái gật đầu của ông Phát.

Khởi đầu của ông Phát với bóng đá nữ Việt không hẳn thuận lợi, ở giải đấu đầu tiên, giải ĐNÁ năm 2007, tuyển nữ Việt Nam chỉ đoạt hạng 3. Đây là vị trí rất khiêm tốn đối với các cầu thủ Việt. Lúc ấy, đã có dư luận và chuyên gia cho rằng mức lương 3.000USD/tháng cho ông Phát (dù chỉ bằng 1/8 HLV ngoại ở tuyển nam) vẫn là quá lãng phí.

Thế nhưng vị chuyên gia này vẫn nhận được sự ủng hộ, bằng chứng là dưới bàn tay dẫn dắt của Trần Vân Phát đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã có những chuyển giao mạnh mẽ và không lâu sau, các cô gái Việt Nam chinh phục chiếc HCV SEA Games năm 2009 tại Lào.

Một người bạn từ Trung Quốc

Đối với các cầu thủ nữ, ông Phát còn hơn cả một người thầy. Đôi khi, ông Phát cho phép mình đặt vị trí là người cha, người bạn của các cầu thủ nữ.

Thủ môn Kiều Trinh kể rằng ở SEA Games 27 trên đất Myanmar, sau buổi tập cuối cùng trước trận chung kết với Thái Lan, HLV Trần Vân Phát đã dành tặng cho cô một bất ngờ: Đó là món quà nhỏ mừng sinh nhật dù 3 ngày nữa mới sinh nhật Kiều Trinh.

Sau đó, ngay tại sân tập, HLV Trần Vân Phát và các đồng đội đã cùng hát vang ca khúc mừng sinh nhật cô gái gác đền của đội tuyển nữ Việt Nam. Xúc động trước món quà bất ngờ của người thầy, Kiều Trinh tỏ rõ quyết tâm: “Chắc chắn trong trận chung kết, chúng ta sẽ đá một trận tưng bừng với Thái Lan”.

Dù kết quả chưa được mong muốn (tuyển nữ Việt Nam thua 0 - 2 và chỉ nhận HCB) nhưng những hành động nhỏ của HLV Phát đã tạo sự tin tưởng tuyệt đối với các học trò.

Chính nhờ mối quan hệ thân thiết với những cầu thủ, ông Trần Vân Phát đã nhờ chính các học trò dạy cho mình tiếng Việt. “Tôi muốn hiểu các học trò nói gì khi đang tập luyện và thi đấu, có vậy mới tạo ra một tập thể đoàn kết” - ông Phát nói - “thật vui khi các học trò lại trở thành… thầy tôi ở lĩnh vực ngôn ngữ”. Ông Phát cười vui vẻ khi nói như vậy.

Điều đặc biệt thú vị khác là ông Phát luôn yêu cầu các cầu thủ phải thi đấu bằng ý chí cao nhất với tinh thần tự hào dân tộc. HLV Trần Vân Phát luôn yêu cầu tất cả các cầu thủ phải hát quốc ca trước mỗi trận đấu để thấy trách nhiệm với màu cờ sắc áo mà thi đấu tốt hơn. Chính ông, dù là người Trung Quốc khi khoác lên vai tấm áo có quốc kỳ Việt Nam cũng lẩm nhẩm hát “Tiến quân ca” cùng các học trò.

Mê ăn phở và thích thưởng lãm Hà Nội mỗi khi rảnh rỗi, ông Trần Vân Phát thông thuộc khá nhiều con phố Hà Nội cũng như thông thuộc tính cách từ các học trò của ông.

Năm 2013, lẽ ra VFF đã chia tay với tuyển nữ Việt Nam vì ông Phát ràng buộc với cơ quan chủ quản. Thế nhưng trước cơ hội lớn là có thể dự World Cup, VFF đã tìm mọi cách thuyết phục ông Phát ở lại. Sau khi tuyển nữ CHDCND Triều Tiên bị cấm tham dự vì có 5 cầu thủ bị phát hiện sử dụng doping ở World Cup 2011, Châu Á có thêm suất dự World Cup. Với cơ hội ấy, ông Phát tiếp tục sát cánh cùng các cầu thủ nữ.
Thành An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục