Tom Cleverley: Tương lai nào cho anh?

17:23 Thứ bảy 07/12/2013

Trận Community Shield đầu mùa giải 2011/2012, hiệp 2, Tom Cleverley, cầu thủ vừa được tung vào sân sau giờ nghỉ, băng lên, rồi nhả bóng, tạo khoảng trống một cách thông minh và chuyền đầy tinh tế cho Nani ghi bàn thắng thứ hai vào lưới Man City – một bàn thắng khiến cộng đồng mạng Twitter phát sốt lên và gọi đó là “bàn thắng kiểu Barca”. “Mèo Tom”, người vừa quay về sau một thời gian thi đấu khá ấn tượng dưới dạng cho mượn ở Wigan, được coi như là Paul Scholes mới.

Cùng Anderson, Cleverley tạo thành một bộ đôi tiền vệ trung tâm được coi như là “giỏi cả công lẫn thủ” (!), và người Anh bắt đầu nghĩ xem làm cách nào để ghép được anh cùng Jack Wilshere vào trong cùng một đội hình.

Và tới mùa giải 2013-2014, cái tên Tom Cleverley đang trở thành bia ngắm bắn cho các cổ động viên United mỗi khi đội nhà thua, cùng với… David Moyes, Danny Welbeck...Tất nhiên, nhiều lời chỉ trích tới từ những “cổ động viên phong trào” hay những người đơn giản là không thể tìm được nguyên nhân nào khác cho sự thất vọng của mình ngoài cách đổ lỗi cho bất kì một cầu thủ nào đó, nhưng không thể phủ nhận rằng có điều gì đó không ổn đang diễn ra với Tom Cleverley.

Anh là một cầu thủ tài năng và thuộc loại “đặc biệt”, không hẳn là vì quá sức xuất chúng, mà vì phong cách độc đáo với M.U và tuyển Anh. Cleverley lên xuống nhịp nhàng, nhưng lại có khả năng kĩ thuật và sáng tạo tốt hơn là “box-to-box” đơn thuần, không chơi cao như một “số 10” nhưng cũng không phải là một tiền vệ phòng ngự, lại càng không phải là mẫu chuyên tranh chấp, sẵn sàng cày nát khu trung tuyến. Tóm lại, Cleverley là một “con thoi”, chơi bên cạnh một tiền vệ phòng ngự khác, có nhiệm vụ băng lên đưa bóng cho các cầu thủ tấn công, sau đó cùng tham gia hãm thành, sử dụng sự nhanh nhẹn, sáng tạo và khả năng xâm nhập để mở khóa hàng phòng ngự đối thủ.

Tom Cleverley. Ảnh: Internet

Ở Man Utd lúc đó chỉ có hai loại tiền vệ: một “chân chuyền” lùi sâu cầm trịch (Carrick, Scholes, Giggs) và một “chân chạy” (Fletcher, Anderson) – Cleverley như gạch nối giữa hai loại này. Còn ở tuyển Anh, vốn đã quá quen với những tiền vệ “kiểu cũ”, những Cleverley, Wilshere thuộc về một thế hệ mới, hiện đại hơn, dựa vào kĩ thuật và sự khéo léo.

Nhưng giờ nếu bạn mới xem Cleverley thi đấu lần đầu, có lẽ bạn sẽ có ấn tượng khác. Anh chơi lùi sâu hơn, chạy chỗ không thật sự sắc sảo và không có được sự bùng nổ như trước. Các số liệu từ whoscored.com cho thấy giữa mùa giải trước và mùa giải này: số lần tắc bóng của anh tăng từ 1,7 lên 2,1 lần/trận; số lần cắt bóng tăng từ 0,7 lên 1,2 lần/trận; trong khi số đường chuyền trung bình mỗi trận tăng từ 49 lên 55,1. Như vậy, có thể thấy Cleverley đã có sự thay đổi trong lối chơi, khi anh lùi sâu hơn, tham gia phòng ngự nhiều hơn và phân phối bóng theo kiểu “quay vòng” như máy nhiều hơn. Làm như vậy không có gì xấu cả, và không đáng bị chỉ trích. Mỗi đội bóng hiện đại đều cần một người làm nhiệm vụ “quay vòng” như vậy – tất nhiên, các fan thường không thể hiểu được nhiệm vụ thầm lặng này, và coi cầu thủ đó là một kẻ vô dụng, cũng như mỗi đường chuyền về là biểu hiện của sự…ngu dốt.

Ngay tại United thôi, Michael Carrick – người đã làm nhiệm vụ điều phối thầm lặng trong suốt thời gian khoác màu áo đỏ – cũng từng bị nhiều fan coi thường, trước khi được chính những người này hết lời tán dương. Tuy nhiên, với Cleverley, có lẽ đây là một sự phát triển theo hướng có phần phí phạm. Anh có thể lực, có sự nhanh nhẹn để chơi cao hơn trong vòng mấy năm tới – chẳng nhẽ chúng ta chỉ được một lần thấy Cleverley bùng cháy ở trận Community Shield 2011 thôi sao?

Nếu Cleverley thực sự đi theo hướng đá lùi hơn, Carrick sẽ là mẫu hình tốt cho anh. Với một “regista” mới, United sẽ có người thay thế cho Carrick trong tình thế số 16 của United đã bắt đầu già đi và không thể chơi liên tục, cũng như không phải dựa hoàn toàn vào Giggs. Đồng thời, Cleverley có thể cặp đôi tốt với những “máy quét” như Jones và Fellaini; chưa kể nếu như United muốn mua Herrera – một “con thoi” khác – Cleverley vẫn có thể chơi cặp cùng anh này. Và lên tuyển Anh, khả năng Wilshere – Cleverley đá cùng nhau, vốn không thật sự khả dĩ do sự tương đồng trong lối đá của hai người, lại trở nên hoàn toàn có thể!

Nhưng phải nói một điều: Để có thể có tư duy chiến thuật cần thiết cho phục vụ một đội bóng như Man United không phải là dễ dàng gì. Bên cạnh việc điều nhịp một cách chủ động, anh phải có khả năng đọc trận đấu để bảo vệ hàng hậu vệ. Kĩ năng đứng đúng vị trí là vô cùng quan trọng, còn hơn cả có cơ bắp, có thể hình tốt hay tắc bóng khỏe. Liệu Cleverley có thể làm được?

Ở độ tuổi 24, đáng lẽ một cầu thủ phải định hình được phong cách của mình, thì với Cleverley, câu hỏi đặt ra cho anh lại là “đi theo hướng nào?” Liệu Cleverley có thể trở thành ít nhất là một cầu thủ khá, hay sẽ là một cái tên nữa được điền vào danh sách “những thần đồng bóng đá Anh thất bại”?

(Bạn đọc: Bùi Nhật)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục