Tiền và xu hướng của bóng đá hiện đại

00:15 Chủ nhật 26/04/2015

(TinTheThao.com.vn) - Khi bóng đá dần không còn là một môn chơi đơn thuần mà là một ngành công nghiệp thật sự thì có những giá trị cũng bị phai nhạt dần theo thời gian hay nói đúng hơn bị phai nhạt bởi sức nặng của những đồng tiền.

Chính vì bóng đá đã là một ngành công nghiệp sinh ra tiền nên những người đứng đầu CLB luôn tìm cách làm sao để có được lợi nhuận nhanh và nhiều nhất. Để làm được điều đó thì họ chẳng thể kiên nhẫn đợi những cầu thủ trẻ của mình trưởng thành.

Trong lịch sử bóng đá thế giới từng ghi nhận cái gọi là bản sắc đội bóng. Nơi đó có những con người được sinh ra ở một thành phố, cùng trưởng thành và cùng chơi cho đội bóng nơi ấy. Sau này, khái niệm bản sắc được mở rộng ra dùng để chỉ những cầu thủ được đào tạo cùng một nơi rồi lên chơi đội một để tạo thành sự tiếp nối.

Nhưng theo thời gian, với sự tự do hơn trong các hoạt động chuyển nhượng thì việc mua bán cầu thủ diễn ra dễ dàng hơn dẫn đến sự ra đời của những đội bóng liên hiệp quốc như Chelsea, Arsenal khi họ ra sân thậm chí không có một cầu thủ Anh nào.

Vì thành tích, vì lợi nhuận mà các đội bóng chẳng màng gì tới chuyện bản sắc hay văn hoá truyền thống của CLB. Và chính việc mua bán ào ạt đó dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang bằng tiền bạc trong thế giới bóng đá.

Cứ sau một năm giá cầu thủ lại tăng vùn vụt kiểu như tốc độ phi mã. Có lẽ chỉ trong vài năm nữa người ta sẽ thấy rằng cái giá gần 100 triệu euro của Gareth Bale hay 50 triệu bảng cho hậu vệ như David Luiz chẳng gì là điên rồ. Bởi tham vọng không có giới hạn nhưng sự kiên nhẫn quá ít ỏi thì mua bán là con đường nhanh nhất, dù bước đầu mất nhiều tiền nhưng sẽ có lại rất nhiều tiền.

Hệ luỵ của việc nâng giá cầu thủ lên không ngừng khiến cho lương của họ cũng tăng đột biến. Các ngôi sao cũng chẳng dại gì khi hiểu rằng cuộc đời cầu thủ của họ rất ngắn ngủi, nhưng lại có thể sinh ra rất nhiều tiền. Nên cớ gì không chảnh chẹ hay ra yêu sách này nọ.

Từ đó cái khái niệm từng được ca ngợi là “lòng trung thành” chỉ còn trong sách vở và thế giới bóng đá càng ít dần đi những Giggs, Maldini, Totti… mà càng có nhiều những Ronaldo, Messi, Rooney… với những đòi hỏi trên trời. Ngay cả một ngôi sao mới nổi như Raheem Sterling cũng mạnh miệng làm khó Liverpool khi CLB này không đáp ứng mức lương mà anh ta muốn.

Và khi cầu thủ có giá trị cao, những trận đấu thu hút hàng triệu người xem, lợi nhuận khó mà đong đếm được thì lúc lúc ấy chính là thời cơ cho những nạn tiêu cực phát tán ra. Cá độ, dàn xếp tỷ số… theo đấy mà leo thang, chung quy chỉ vì tiền, chỉ vì các cầu thủ dần quên đi rằng mình phải đá bóng vì niềm đam mê, vì trách nhiệm.

Nếu chỉ đá bóng vì tiền thì sẽ rất dễ dàng họ bán trận đấu để được những món tiền lớn hơn. Cứ như vậy bóng đá dần rơi vào bàn tay điều khiển của những kẻ kinh doanh bóng đá. Với họ bóng đá chỉ là canh bạc sinh ra tiền chứ nói chuyện giải trí, danh dự, truyền thống… chỉ là khôi hài.

Cũng chính căn bệnh thành tích, lợi nhuận đã dẫn đến những kết cục buồn cho những người gánh trách nhiệm làm thầy cho đội bóng. Thế giới bóng đá có thể tự hào khi Sir Alex tại vị ở Old Trafford gần 30 năm hay Arsene Wenger sắp tròn 20 năm dẫn dắt Arsenal. Tuy nhiên thử hỏi có bao nhiêu HLV có được sự may mắn đó?

Các ông chủ hàng năm bỏ cả núi tiền ra để mua sắm cầu thủ, mục tiêu không ngoài danh hiệu và sinh ra tiền bạc thì chẳng có lý do gì họ mang tiền của mình trao cho các HLV thử nghiệm. Nhiệm vụ bắt buộc với những nhà cầm quân không ngoài việc có danh hiệu ngay tức thì. Khi hợp đồng dẫn dắt CLB được ký chính là lúc họ bắt đầu cuộc chạy đua với thời gian bởi không ai được sự kiên nhẫn như Man United và Arsenal đối với Sir Alex Ferguson và Giáo sư Wenger.

Lòng trung thành, bản sắc đội bóng hay sự kiên nhẫn đối với các ông thầy… từng được xem là bình thường tại các đội bóng. Nhưng giờ những điều đó dần không còn bởi đồng tiền đã khẳng định sức mạnh của mình trong bóng đá hiện đại và chi phối mọi thứ.

Cát Tường | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục