Nếu như thời điểm 10 năm trước, một đội bóng dự giải vô địch quốc gia chỉ cần trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Thậm chí với 500 triệu đồng cũng có thể cơ bản đáp ứng nỗ lực trụ hạng. Song tình thế giờ đã khác hẳn, từ lương thưởng, tập huấn, thi đấu đều tăng chóng mặt. Đơn cử, nếu trước đây cầu thủ bóng chuyền có mức thu nhập cứng 5 triệu đồng/tháng, thì lúc này đa phần đều nhận khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Tính sơ sơ, để đảm bảo duy trì, mỗi đội phải có tối thiểu 2 tỷ đồng/năm. Chi phí trung bình của các đội hạng mạnh vào khoảng 2,5 - 3 tỷ đồng/năm. Cá biệt có những đội theo mô hình xã hội hóa triệt để, có nhà tài trợ chịu chơi và “máu” thành tích, chi phí có thể lên tới hơn 10 tỷ đồng.
Kinh phí tăng nhanh, có thể còn tăng nữa, nhưng hầu hết các đội bóng đều không sợ thiếu tiền nhờ sự quan tâm đặc biệt của địa phương, đơn vị chủ quản hay nhà đầu tư và tài trợ. Một vài đội thuộc diện giàu (như nam Sanest Khánh Hòa, Maseco TPHCM, nữ Bình Điền Long An, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Thông tin LienVietPostbank) chỉ còn phải lo làm sao cho ra hiệu quả, thành tích tốt. Ở mức độ khác nhau, các đội đã được đảm bảo bởi nhà tài trợ. Ngay cả những đội đang chịu sự quản lý trực tiếp, sống bằng nguồn bao cấp, thì mức đầu tư giờ cũng đã phải nâng lên tương ứng.
Dù không còn thiếu kinh phí, đã có thể chủ động trong đầu tư, đường hướng phát triển, nhưng phần lớn các đội lại đang chạy theo xu hướng “ăn xổi”. Trong số 24 đội hạng mạnh, số còn tập trung làm trẻ, có hiệu quả tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay: Nữ Thông tin LienVietPostbank, Ngân hàng Công thương VN, Bình Điền Long An; nam Thể Công, Khánh Hòa.
Tuy nhiên, chính các “địa chỉ đỏ” này cũng đang bị ảnh hưởng nặng bởi xu hướng “ăn xổi” của bóng chuyền nước nhà. Rất nhiều đội bóng có “số má” hẳn hoi tuyệt nhiên không có tuyến trẻ, các VĐV năng khiếu. Một số thì có nhưng chỉ là hình thức, chắp vá tạm bợ.
Có thể thấy rõ bóng chuyền thiếu cầu thủ chất lượng, chứ chưa nói đến tài năng đích thực, đến mức giải vô địch quốc gia trở thành cuộc đấu của các “lão tướng”. Đơn cử giải nữ 2017, bà mẹ hai con Bùi Huệ lần thứ hai tái xuất trong màu áo Thái Bình, các lão tướng Kim Huệ và Phạm Yến, Ngọc Hoa dù muốn cũng chưa được nghỉ mà vẫn phải vào sân “cày ải”. Thậm chí có đội bóng sẵn sàng trả tiền tỉ để có một cựu binh mà không nổi.