Thổi tinh thần Nhật vào “lò” PVF

11:33 Chủ nhật 04/09/2016

U15 PVF chỉ về nhì ở VCK U15 quốc gia vừa kết thúc tại An Giang nhưng dưới sự dẫn dắt của HLV người Nhật Daisuke Machinaka, các cầu thủ trẻ luôn chơi bóng với tinh thần võ sĩ đạo...

Ở tuổi 37, HLV Daisuke Machinaka được Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) mời về làm việc theo bản hợp đồng 2 năm, phụ trách công tác huấn luyện cho lứa cầu thủ U15. Dù có một sự nghiệp cầu thủ không mấy nổi bật nhưng ở vai trò một chuyên gia đào tạo trẻ ở Nhật, Machinaka nổi tiếng còn hơn cả cựu HLV tuyển Việt Nam Toshiya Miura khi 2 lần đưa đội U18 Gamba Osaka giành ngôi á quân Giải U18 Nhật năm 2013 và 2014.

HLV Machinaka (bìa phải) cùng đội PVF ở Giải U15 quốc gia 2016. Ảnh: Internet.

Trong đội tuyển Nhật hiện có 3 ngôi sao từng trưởng thành dưới bàn tay đào tạo của ông Machinaka là tiền đạo Usami Takashi, hậu vệ Niwa Daiki và thủ môn Higashi Guchi. Ngoài ra, một học trò khác đang chơi cho U23 là tiền vệ Ideguchi Yosuke (em ruột cầu thủ Ideguchi Masaaki đang đá cho HAGL). Với Gamba Osaka (á quân J-League 1 mùa bóng 2015), hiện có tới 19 cầu thủ xuất thân từ lớp U15 từng do ông dìu dắt. Cùng thế hệ với nhóm cầu thủ này còn có một học trò khác của ông là Keisukei Honda đang khoác áo AC Milan.

Sau gần 5 tháng được CLB Cerezo Osaka biệt phái sang PVF đảm nhiệm công tác huấn luyện đội tuyển U15, nhà cầm quân người Nhật đã thổi vào đội bóng một luồng sinh khí đặc biệt. Đó là tinh thần thi đấu đồng đội, kỷ luật nghiêm minh và đặc biệt là thói quen đeo bám đối thủ đến cùng, không khoan nhượng đúng với tinh thần võ vĩ đạo.

“Tôi thấy các cầu thủ Việt Nam rất khéo léo, hoàn thiện kỹ thuật cá nhân từ tuổi 15 nhưng lại rất yếu trong việc suy nghĩ, tư duy, phán đoán các tình huống trên sân. Điều này càng khiến họ gặp trở ngại về thể lực nhiều hơn. Ví dụ thường thấy là khi mất bóng, cầu thủ Việt Nam không cố gắng rượt đuổi tranh bóng mà chỉ đi từ từ. Nếu thay đổi được điểm này sẽ tạo cho họ thói quen thường xuyên tranh chấp khi thi đấu, thể lực theo đó cũng dần được nâng cao hơn” - nhà cầm quân người Nhật chia sẻ.

Những buổi tập dưới thời ông Machinaka vì thế cũng bắt đầu khác dần so với trước đây. Các cầu thủ U15 của PVF giờ đây được cho thi đấu đối kháng theo nhóm nhiều hơn trong giờ tập luyện, đúng theo phong cách tập luyện ở Nhật. Ông Machinaka tin rằng việc được tập luyện đối kháng nhiều sẽ cải thiện khả năng tư duy chơi bóng của cầu thủ.

Nhận xét về điểm yếu thể lực, thể hình của cầu thủ Việt, ông Machinaka nói: “Thể lực và thể hình là một câu chuyện rất dài, từ tố chất của mỗi dân tộc, quá trình dinh dưỡng cho đến việc họ tập luyện. Tôi nhận thấy các khẩu phần ăn ở PVF đã đầy đủ dinh dưỡng và công việc của tôi là phải làm sao để các cầu thủ tập luyện hết 100% trên sân bóng. Tôi tin tưởng vào khả năng này của mình vì đây vẫn là phương châm làm việc của tôi: phát huy tối đa khả năng của mỗi người”.

Cựu tiền đạo Việt Thắng nhận xét về đồng nghiệp Machinaka: “Làm việc rất kỷ luật nhưng khi bước ra ngoài sân cỏ, ông Machinaka (có vợ và 2 con) lại trở thành một người vui tính, dễ hòa đồng và đặc biệt có tinh thần cầu thị. Chỉ mới sang Việt Nam 3 tuần nhưng ông Machinaka đã “trọ trẹ” được nhiều câu nói phổ biến, thậm chí là vài lời chỉ đạo tiếng Việt trên sân tập, như “nhặt bóng vào đi”.

Minh Ngọc | 22:59 03/09/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục