Các đệ tử Thiếu Lâm Tự biểu diễn |
Từ cách luyện công
Dường như thời gian không hề ảnh hưởng đến phương pháp huấn luyện võ học của Thiếu Lâm Tự. Dẫu đang sống trong thế kỷ XXI nhưng các môn đệ Thiếu Lâm Tự vẫn luyện công theo cách cổ điển. Nhà chùa không hề sử dụng bất kỳ dụng cụ bổ trợ hiện đại nào. Lý do vì lịch sử đã chứng minh hiệu quả của chúng. Gần chùa Thiếu Lâm Tự có 1 ngọn núi mà chiều dài đi từ chân đến đỉnh hết 1 giờ đồng hồ. Mỗi sáng, cứ vào lúc 5 giờ, gần như toàn bộ các đệ tử Thiếu Lâm Tự từ cậu bé 4 tuổi mới nhập môn cho đến các sư huynh có trên 20 năm luyện võ cũng phải chạy từ chân núi đến đỉnh rồi trở về. Vào mùa đông, có khi nhiệt độ xuống -15 độ C, các đệ tử Thiếu Lâm Tự chỉ được mặc thêm 1 chiếc quần và vẫn cởi trần mà chạy...
Các công việc thường nhật ở chùa như nấu cơm, quét sân đều được dùng để giúp các võ tăng rèn luyện võ công, đồng thời rèn tính nhẫn nại và giáo dục nhân cách: không xem thường bất cứ việc gì hay bất cứ ai, dù đó là việc nhỏ nhặt... Chẳng hạn trong quá trình tập võ, có 1 giai đoạn mà các tăng nhân phải ăn cơm trong thế... đứng tấn. Khi nấu cơm, các võ tăng phải xào cải trong 1 chảo khổng lồ, có đường kính 1m (cái sạn xào cải to bằng xẻng xúc đất), như thế cánh tay của tăng nhân không khỏe mới lạ. Những cảnh người ta thường thấy trong phim ảnh như 1 hoà thượng treo ngược thân người trên xà, tay cầm cái sạn lớn như chiếc xẻng ở trên để đào cơm trong nồi đến nay vẫn còn tồn tại ở Thiếu Lâm Tự. Nhưng tất nhiên, vẫn có 1 số hình thức tập luyện bị đào thải theo thời gian. Trước đây, các tăng võ phải lấy nước lên núi bằng cách chạy từ suối lên chùa, 2 tay dang ngang, mỗi tay cầm 1 xô nước bằng gỗ. Còn hiện tại, chùa đã có hệ thống bơm nước và các võ tăng được miễn công việc này.
Bồ Đề Đạt Ma |
Đến phương pháp giữ gìn kỷ luật
Trải qua hơn 1.500 năm lịch sử, sự nghiêm khắc của Thiếu Lâm Tự trong việc dạy dỗ các đệ tử không hề thay đổi. Còn nhớ võ sư Triệu Vĩ – một thành viên của đoàn Tinh Anh có lần sang TPHCM biểu diễn vào những năm đầu thế kỷ 21 từng bộc bạch: “Lúc mới nhập môn, tôi cảm thấy rất khổ, sáng nào cũng phải dậy thật sớm tập đau hết cả người. Hở 1 chút là bị sư phụ phạt: dậy trễ cũng phạt, đi xuống núi bằng 2 tay, chậm cũng bị phạt. Thà bị đánh đòn còn hơn phạt cái kiểu quỳ gối 2 tiếng, đứng tấn với 1 lư hương có cắm nhang trên đầu và dưới mông. Nhiều lần đã bị cháy cả bàn tọa...”. Nhờ sự động viên của sư phụ và huynh đệ đồng môn, võ tăng 22 tuổi này mới không bỏ cuộc: “Sau 3 năm cố gắng luyện tập, tôi được vào đoàn và đi biểu diễn nhiều nơi”. Sau 11 năm chuyên cần luyện võ, võ tăng này mới thấy hết nỗi khổ tâm của các sư phụ: “Cách luyện tập theo kiểu cổ truyền có lợi nhiều hơn so với hiện đại. Nó khiến chúng tôi phải tự lực trong tất cả các công việc, mọi lúc, mọi nơi. Sự nghiêm khắc của các trưởng bối giúp chúng tôi phát triển hết tiềm năng”.
Ở Thiếu Lâm Tự không hề có ngoại lệ nào: các môn đệ đều phải tuân thủ lịch tập luyện (kể cả các em nhỏ từ 4 – 5 tuổi): luyện công từ 5 giờ 30 đến 7 giờ 30, học văn hóa từ 8 giờ đến trưa. Ăn trưa xong được nghỉ 2 tiếng, sau đó bắt đầu tập võ, buổi tối dành cho các đệ tử học văn hóa và học giáo lý nhà Phật (2 buổi/tuần), đến 10 giờ tối là ngủ. Sau khi lên núi, họ hoàn toàn bị cách ly với thế giới bên ngoài: người thân không được đến thăm, các tăng võ 2-3 năm mới được hạ sơn thăm nhà, 2 tháng/lần được nghỉ 1 ngày: tất cả xếp hàng đi bộ xuống thị trấn (cách chùa 2 km) để mua vật dụng cá nhân cần thiết. Mọi việc liên quan đến sinh hoạt cá nhân như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh... đều phải tự lực. Hầu hết các tiểu sư phụ đều biết tự lập là như vậy.
Tuyển chọn đệ tử
Việc tuyển chọn đệ tử của Thiếu Lâm Tự rất khắt khe. Những ai có tố chất thích hợp, tư tưởng trong sạch, không bị vướng víu vào những sân si của thế tục mới được nhận vào chùa. Tùy theo tố chất của mỗi người, các nhà sư sẽ quyết định cho họ học võ công hay khí công, hoặc chỉ có thể đọc kinh niệm Phật. Nếu tập võ công, một sư phụ có thể dạy cho 15 đệ tử 1 lúc, còn những ai học khí công thì chỉ có thể học 1 trò/ 1 thầy. Số người có thể “kiêm tu” cả 2 loại này như 2 thành viên của đoàn Tinh Anh – sư Thích Đức Dũng 46 tuổi (1 trong 10 người giỏi khí công nhất TQ và được chính phủ xem như “Quốc Bảo” ) và Triệu Vĩ là rất ít ỏi. Vẫn theo truyền thống, trong chùa có 2 gian “mật thất” dành riêng cho các vị đại sư luyện công. Trưởng đoàn Tinh Anh Vương Thanh cho biết: “Để bảo mật, không ai được phép rình xem các vị đại sư luyện công. Tôi là người được nhà nước phái đến hỗ trợ cho việc tổ chức biểu diễn của đoàn mà cũng không được xem qua”. Số đại sư luyện võ trong 2 gian mật thất này khá nhiều: 2 vị cửu đẳng quyền sư (đẳng cấp cao nhất theo quy định phong cấp của nhà nước) và vài chục nhà sư bát đẳng. Sau 3 năm luyện tập, chỉ các đệ tử ưu tú nhất trong hàng trăm môn đệ (chiếm tỉ lệ khoảng 2%) mới được tuyển lên học những môn tuyệt kỷ bí truyền. Và tất nhiên, đệ tử phải là người Trung Quốc.