Theo nguồn tin của Zing, Trung tâm phòng chống doping Việt Nam đã thông báo cho lãnh đạo ngành thể thao thêm 3 trường hợp của tuyển điền kinh Việt Nam nghi ngờ sử dụng doping tại SEA Games 31.
Trong số 3 trường hợp mới này có hai nữ vận động viên, trong đó một người thuộc tổ chạy, từng giành thành tích cao ở đấu trường châu lục, một vận động viên nam giành HCB SEA Games 31.
Trước đó, Trung tâm phòng chống doping Việt Nam đã thông báo có 2 nữ vận động viên điền kinh bị nghi ngờ dùng chất cấm. Như vậy, chỉ riêng đội điền kinh Việt Nam đã có 5 trường hợp có mẫu A dương tính với doping.
Cả 5 vận động viên này đều đề nghị xét nghiệm mẫu B và các mẫu này sẽ được gửi sang phòng xét nghiệm tại Thái Lan và thực hiện xét nghiệm trong tháng 11. Lãnh đạo ngành thể thao cho biết không công bố danh tính của các vận động viên mà chờ quyết định cuối từ Cơ quan chống doping quốc tế (WADA).
Tại SEA Games 31, ban tổ chức đã lấy mẫu ngẫu nhiên của khoảng 1.000 vận động viên. Theo quy trình, mỗi vận động viên khi lấy mẫu xét nghiệm sẽ chia làm 2 lọ gồm lọ A (mẫu A) và lọ B (mẫu B). Mẫu A được chuyển tới Bangkok, Thái Lan để kiểm tra.
Điền kinh Việt Nam gây tiếng vang lớn tại SEA Games 31 khi bảo vệ thành công ngôi nhất toàn đoàn với tổng cộng 22 HCV, hơn đội xếp thứ nhì là Thái Lan tới 10 HCV. Tuy vậy, 5 trường hợp nghi ngờ sử dụng doping sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của điền kinh và thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Trong lịch sử, thể thao Việt Nam từng có một số trường hợp điển hình dương tính chất cấm như HCB Olympic Bắc Kinh 2008 Hoàng Anh Tuấn, nữ vận động viên thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương hay Trịnh Văn Vinh (cử tạ). Đa số vận động viên dương tính doping vì thiếu hiểu biết, sử dụng thuốc có loại chất nằm trong danh mục chất cấm.