Thể thao Việt Nam: Tìm người truyền cảm hứng

15:21 Thứ tư 12/02/2014

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo giới quốc tế bên lề SEA Games 27, nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương đã cho biết, người truyền cảm hứng cho cô đến với đường chạy là gương mặt huyền thoại Đông Nam Á, Lylia de Vega. Một câu hỏi đặt ra là giờ đây, TTVN có những gương mặt nào đủ khả năng truyền cảm hứng cho các VĐV thế hệ sau?

Quang Liêm là biểu tượng hoàn hảo của TTVN thế hệ mới

Để trở thành một gương mặt có đủ sức truyền cảm hứng cho những VĐV lứa sau theo đuổi con đường thể thao, những yếu tố quan trọng đầu tiên là tài năng và thành công ở mức đặc biệt xuất sắc. Thế nhưng ai là người đạt được những tiêu chuẩn đó, giữa hàng loạt những gương mặt đạt tầm châu lục và thế giới, ở thời điểm này? Trở lại với trường hợp nhà vô địch SEA Games 27 Vũ Thị Hương. Ở tuổi 27 bên đường chạy Myanmar, Vũ Thị Hương cho biết cô muốn theo bước chân nhà cựu vô địch châu Á Lydia de Vega (Philippines).

Lydia đã từng giành được HCV 100m Asian Games New Delhi 1982 và bảo vệ thành công ở kỳ Asian Games tiếp theo tại Seoul năm 1986 và giành thêm HCB 200m. "Tôi đã quen với hình ảnh bà chạy tại Asian Games khi tôi còn nhỏ. Bà ấy thực sự là nguồn cảm hứng của tôi. Tôi đã đến với đường chạy với hoài bão trở thành VĐV chạy nhanh nhất châu Á. Dẫu cho tôi chưa hoàn thành được mục tiêu của mình thì tôi vẫn tin tưởng vào ước mơ giành HCV của mình”. Từ tấm gương huyền thoại Đông Nam Á Lydia de Vega, giờ đây Vũ Thị Hương đã trở thành một trong những VĐV điền kinh xuất sắc nhất Việt Nam mọi thời đại, ghi dấu ấn tại đấu trường SEA Games, Asian Games, vô địch châu Á...

Và thậm chí, nữ VĐV quê đất Chè cũng đã trở thành một tấm gương, một gương mặt đủ sức truyền cảm hứng cho các VĐV điền kinh lứa sau, không chỉ với thành tích đã đạt được mà còn vì nghị lực vượt qua những chấn thương tưởng chừng sẽ quật ngã nhà vô địch. Dĩ nhiên làng thể thao Việt Nam không chỉ có Vũ Thị Hương. Người ta còn nhìn thấy nỗ lực của Nguyễn Tiến Minh, “hoàng tử” cầu lông. Với sự bền bỉ tự thân không ngừng cùng sự trợ giúp của gia đình, Tiến Minh đã phấn đấu trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên xuất hiện ở vị trí thứ 7 thế giới, đem lại thương hiệu cho Việt Nam trên bản đồ cầu lông quốc tế.

Thành công ở nhiều giải đấu đỉnh cao, Tiến Minh đã mở đường cho nhiều tay vợt đàn em khác tiếp nối giấc mơ chuyên nghiệp, đủ đầy cả vấn đề kinh phí, vốn không phải VĐV Việt Nam nào cũng đạt được. Trong số những gương mặt trẻ thế hệ 9x, nhiều cái tên khác cũng đem lại sự thán phục, và dĩ nhiên là cả niềm đam mê cho những người khác. Đó là những Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước, Trần Duy Khôi (bơi lội), Phan Thị Hà Thanh (TDDC)... Họ đều là những đại diện tài năng của thể thao Việt Nam ở nhóm môn Olympic và trở thành những sứ giả của thể thao nước nhà trên đấu trường quốc tế.

Sau chiến công của Hà Thanh ở giải vô địch thế giới, các chuyên gia thể dục quốc tế đã đưa ra những lời thán phục về một cô gái Việt Nam nhỏ bé nhưng đủ sức cạnh tranh huy chương thế giới. Tương tự, Ánh Viên cũng được báo chí quốc tế ca ngợi là “một biểu tượng của nỗ lực và tài năng” giữa những ngôi sao châu Á... Thế hệ 9X của thể thao nước nhà còn có một biểu tượng tài năng khác, một kết hợp hoàn hảo giữa thành công của thể thao và học tập. Đó là trường hợp của siêu ĐKTQT Lê Quang Liêm.

Từ nhà VĐTG tuổi 14, Liêm đã hoàn tất giấc mơ ĐKTQT để trở thành nhà vô địch thế giới cờ chớp ở tuổi ngoài đôi mươi và nhận được học bổng toàn phần của trường đại học Webster, Mỹ với ngành tài chính ngân hàng. Giờ đây, Quang Liêm đang nỗ lực thực hiện mục tiêu của mình, một kỳ thủ chuyên nghiệp và một chuyên viên cao cấp trong lĩnh vực nghề nghiệp đã chọn. Với tất cả những điều đó, họ xứng đáng trở thành người truyền cảm hứng cho các VĐV thế hệ sau của thể thao Việt Nam tiếp tục giành nhiều thành công quốc tế trong tương lai.

Kim Hoài | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục