Thể thao Việt Nam nhìn từ Asiad 17: Không thể... dàn hàng ngang

08:51 Thứ bảy 04/10/2014

Ngày 4-10 trên sân vận động Asiad Incheon (Hàn Quốc), ngọn lửa Á vận hội sẽ tắt để khép lại 15 ngày tranh tài đỉnh cao của thể thao châu lục.

Với Thể thao Việt Nam nếu nhìn vào mặt thành tích thì đây chưa hẳn là một kỳ Đại hội thất bại bởi cả thành tích lẫn thực tế thi đấu phản ánh đúng thực lực của cả nền thể thao quốc gia. Tuy nhiên, cũng chính qua Asiad lần này, câu hỏi về hướng phát triển trong tương lai lại được đặt ra.

Thành công nhưng chưa trọn vẹn

Diễn ra 4 năm/1 lần, nhưng Đại hội thể thao mùa hè châu Á - Asiad đang phân hóa mạnh về chuyên môn. Các nền thể thao hàng đầu như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã đạt tới tầm thế giới và không khó để chiếm những vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng huy chương. Và vì thế, với các nền thể thao đang phát triển, trong đó có cả Thể thao Việt Nam thì... có huy chương đã là thành công và mục tiêu HCV cũng chỉ là những "bài tính nhẩm" nhằm khẳng định sức mạnh riêng.

Hà Thanh đã đem về cho TTVN 1 HCB - 1 HCĐ tại ASIAD 17

Vậy nên khó có thể lấy "luận anh hùng" bằng chuyện thắng thua, mà cần phải nhìn vào từng tấm huy chương để thấy rõ sự thành - bại của Thể thao Việt ở kỳ Á vận hội này. Và hãy bắt đầu với thành công. Sau nhiều thập kỷ đứng ở tốp đầu khu vực, Thể thao Việt Nam bắt đầu hướng mục tiêu tới tầm châu lục, thế giới bằng sự phát triển toàn diện hơn thay cho cách làm đi tắt đón đầu. Cụ thể hơn, chúng ta đã có nhiều hơn các môn thể thao cơ bản, những môn trong hệ thống thi đấu Olympic tiệm cận với mặt bằng châu lục và nhiều thành tích ở các môn này đã tạo nên dấu ấn lịch sử.

Đó là 2 HCB điền kinh của Quách Thị Lan (400m nữ); Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ); HCB của Nguyễn Thị Thật (xe đạp đường trường nữ); 1 HCB - 1 HCĐ của Hà Thanh (Thể dục dụng cụ nữ); 2 HCĐ của nữ kình ngư trẻ Ánh Viên...

Nhưng nếu nhìn vào chỉ tiêu thành tích - phấn đấu giành 2-3 HCV, thì cũng không thể không nhắc đến những thất bại ngay ở chính các môn Olympic kể trên. Tay súng vô địch thế giới Hoàng Xuân Vinh không có được phong độ vốn có; Thạch Kim Tuấn cũng không qua nổi giới hạn của bản thân... và cũng nhiều niềm hy vọng Vàng khác tan biến khiến thành công của Thể thao Việt Nam không thể trọn vẹn như ý.

Đi lối nào?

Asiad 17 đã ở lại phía sau và không thể cứ coi mỗi lần tham dự các đại hội thể thao lớn là một lần rút kinh nghiệm, bởi nói một cách hình ảnh thì "sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết". Vấn đề với Thể thao Việt Nam này không phải là chuyện tính toán hơn thiệt với từng tấm huy chương, từng cuộc thi đấu mà qua đó cần xác định hướng đi nào tiếp theo nếu chúng ta muốn chinh phục thành công đấu trường châu lục, thế giới, thay vì quẩn quanh ở cái "ao làng” khu vực!

Tất nhiên, để nâng tầm, Thể thao Việt Nam buộc phải tập trung vào các môn thể thao Olympic, thước đo chuẩn cho sự phát triển của bất kỳ nền thể thao nào. Thế nhưng, đầu tư và phát triển trong thể thao chẳng giống như phép cộng đơn giản, đầu tư và thành công với những môn cơ bản không chỉ đơn giản là quyết tâm, hay tiền bạc mà còn phụ thuộc rất nhiều những yếu tố khách quan, chủ quan, đặc biệt là vấn đề nền tảng.

Vì thế, lối đi của Thể thao Việt Nam lúc này đương nhiên vẫn phải tập trung đầu tư cho các môn thể thao cơ bản nhằm nâng chất, nhưng qua thực tế của Asiad 17, thì việc tìm kiếm huy chương nhằm nâng tầm rõ ràng cần phải có những thế mạnh mang tính đột phá. Thế nhưng ở đây bao gồm: Môn thi và nội dung thi đấu. Với môn thi, thực tế qua 8 kỳ Asiad kể từ năm 1982 tới nay, mũi nhọn vẫn là các môn võ thuật mà các tuyển thủ đã, đang mang về những tấm HCV. Đây vẫn là những môn cần được chú trọng đầu tư mà trước hết để giải quyết nhiệm vụ huy chương.

Còn nội dung thi lại phụ thuộc vào những tài năng cụ thể mà Thể thao Việt Nam có được, những Quách Thị Lan, Hà Thanh, Ánh Viên, Kim Tuấn... đó chính những “báu vật trời cho”, và nếu được đầu tư thỏa đáng, hiệu quả, sẽ mang tới những kỳ tích lớn, làm đòn bẩy cho sự phát triển của cả nền thể thao.

Tóm lại, sau Asiad 17, Thể thao Việt Nam không thể chỉ dàn hàng ngang mà cần tạo ra những mũi nhọn tấn công hiệu quả hơn.

Nguồn: Ngọc Minh - Báo Hải Quan

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục