Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động trong ngày cuối năm 2016, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM Mai Bá Hùng cho biết: “TP HCM đã có nhiều giai đoạn đóng góp tích cực cho nền thể thao nước nhà và có những giai đoạn thăng trầm, có bộ môn chững lại. Vấn đề ở đây là sự nhận thức về phát triển TDTT ra sao và lộ trình, những chương trình cụ thể phụ thuộc các mục tiêu khác nhau. Về đại chúng, thể thao TP được sự hưởng ứng của cộng đồng dân cư, sự tiếp sức, ủng hộ của các nhà tài trợ; sự động viên, quan tâm của nhiều thế hệ cán bộ. Chúng tôi cần lộ trình, bước đi vững chắc hơn để trả lời rằng thể thao đang mang lại gì, đang cần gì và những người làm thể thao như chúng tôi cần giải quyết vấn đề gì, qua đó khẳng định lại TP là nơi cung cấp VĐV, tổ chức giải đấu quan trọng cho thể thao nước nhà”.
Cụ thể, ông Mai Bá Hùng nhấn mạnh TP HCM sẽ phát huy chương trình tạo nguồn nhân lực cho thể thao cùng với các chính sách cho HLV, VĐV hay chương trình đào tạo dài hạn ở nước ngoài cho nhân tố xuất sắc, mục tiêu trước mắt là đóng góp cho thể thao quốc gia ở SEA Games 2017 tại Malaysia cũng như các môn thể thao Olympic như bơi lội, điền kinh hay thể dục. Trong năm 2017, TP cũng sẽ củng cố các môn thể thao mang tính trọng điểm như: bóng đá, bóng chuyền, taekwondo, judo, karatedo, cử tạ, cầu lông… vốn là thế mạnh của TP trong những năm trước đây.
Với thể thao phong trào, ngoài chương trình vận động toàn dân rèn luyện theo gương Bác Hồ, sự phối hợp giữa Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Giáo dục - Đào tạo TP sẽ được gắn kết hơn nữa. Lấy thể thao học đường làm nhân tố chính, ngành TDTT TP hy vọng sẽ có được những ngôi sao từ học sinh như Trương Thanh Hằng (điền kinh), Nguyễn Diệp Phương Trâm (bơi), Từ Hoàng Thông (cờ vua)… mà trước đây TP HCM đã có được.
Ngoài ra, năm 2017 cũng đánh dấu sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, khi khởi công xây dựng lại Nhà Thi đấu TDTT Phan Đình Phùng, quy hoạch cụ thể công trình Trung tâm Huấn luyện TDTT TP HCM (Phú Thọ) và Trung tâm TDTT Rạch Chiếc.