Bộ dạng của Barca trong 2 trận đầu tiên trước Real Sociedad và Real Madrid hoàn toàn biến mất trước Osasuna – đội bóng từng “góp công quan trọng” trong việc khiến giấc mơ vô địch Liga của Barca tan biến mùa giải trước. Sự ức chế trong lối chơi được thể hiện qua màn trình diễn của nhiều cá nhân là điều dễ dàng nhận thấy ở Barca tại Reyno de Navarra. Không quá lời khi nói Barca vừa qua là hình ảnh phóng to từ Messi – ngôi sao ghi 2 bàn giúp đội bóng xứ Catalunya giành chiến thắng. Trong một ngày mà Messi thi đấu không thật sự xuất sắc, Barca cũng chơi kém hẳn đi.
Trước một Osasuna có lối đá áp sát, pressing cực độ, phòng ngự chủ động, thu hẹp không gian chơi bóng đến tối đa của các ngôi sao bên phía Barca, tiqui-taca trở nên nhạt nhoà trong 2/3 thời gian trận đấu. Vậy đó là điểm yếu về tư duy chiến thuật khi mà Barca của Tito đã đụng phải một đối thủ được đánh giá yếu hơn nhưng lại tìm ra cách chế ngự họ? Không hẳn như vậy, vì Tito đã hoàn toàn có ý đồ và cách tiếp cận chủ động trong đấu pháp trước Osasuna, sai lầm duy nhất của ông nằm ở yếu tố con người. Cũng trong 1/3 thời gian còn lại của 90 phút trận đấu, chính Tito là người tự tay giải quyết vấn đề của Barca đấy thôi.
Barca thắng trong nỗi lo của Tito - Ảnh: Getty |
Sau đây là những vấn đề của Barca được nhìn nhận qua trận đấu với Osasuna – một trận đấu mà nhiều người cho rằng “thắng trong trăm nỗi lo toan”:
1. Những tác nhân phụ: Tại sân El Sadar (tên gọi khác của Reyno de Navarra), Barca đã trải qua những yếu tố ngoại cảnh – một phần không thể thiếu của mỗi trận đấu: những sai lầm của trọng tài, mặt sân khô và chói nắng.
2. Linh hoạt trong xoay vòng cầu thủ: Thời Pep, một điểm đáng chú ý trong sơ đồ đội hình thi đấu của Barca là cứ mỗi trận Pep lại tung ra một đội hình khác biệt với đội hình trong trận trước đó. Không một đội hình với nhân sự cố định nào được duy trì. Thời Tito, trải qua 3 trận đấu, truyền thống này vẫn được áp dụng, nhất là trong bối cảnh mật độ trận đấu dày đặc như hiện tại. Nhưng nét nổi bật ở Tito là ngoài 4 cầu thủ “bất khả xâm phạm” gồm Valdes, Alves, Busquets và Messi – tức 4 cầu thủ đá chính và đá đủ 90 phút của cả 3 trận, hầu như những cầu thủ còn lại đều được xoay vòng theo kiểu 2 trận đá chính, 1 trận đá phụ. Ngoài mục đích đảm bảo sức lực cầu thủ, Tito rất có thể còn muốn tạo nên “bề dày” cho đội hình thông qua việc để mỗi cầu thủ đều được thi đấu và cảm thấy tầm quan trọng của mình, từ đó khiến họ tự thôi thúc nỗ lực để được ra sân. Chính vì thế mà trước Osasuna, những Xavi, Mascherano và Pedro của trận đấu với Real trước đó được cất trên ghế dự bị. Không thể chỉ nói vì Tito muốn dưỡng sức họ cho trận lượt về Siêu cúp TBN.
3. Niềm tin và phong độ: Đến hiện tại, có thể thấy rõ Tito đặc biệt tin tưởng Tello và Fabregas, cho dù màn trình diễn của họ đang thật sự thất thường. Nhưng chỉ sau trận đấu với Osasuna thì sự thất thường (hay tệ hại) mới lộ diện, tức trước đó không ai khẳng định Cesc và Tello đá chính sẽ làm hỏng mọi thứ. Điều này chỉ được ngộ ra về sau. Vì thế, việc Tito để Cesc và Tello có mặt trên sân trước Osasuna ngay từ đầu không có gì để quá hoài nghi. Vấn đề chỉ đến khi trong trận đấu, Cesc hoàn toàn không còn là một Cesc tại Arsenal ngày trước, rất khó để nói rằng anh là truyền nhân của Xavi, thậm chí là hoàn toàn không thể. Lối đá biên của Tello cũng dễ bị bắt bài thấy rõ. Iniesta thì đột nhiên xuống phong độ rõ rệt nếu so với trận Real trước đó. Sự khó ở của Iniesta được thể hiện thông qua những cú sút và những đường chuyền hỏng hoặc quá non (theo Tito thì một phần do ảnh hưởng của mặt sân).
4. Con người làm hỏng lối chơi: Khi mà Cesc trở nên vô hồn và mờ nhạt ở vị trí tiền vệ trung tâm, sự liên kết giữa tuyến tiền vệ với tiền đạo trở nên rời rạc hơn bao giờ hết. Cesc và Messi không thể tìm được sợi dây liên hệ với nhau. Iniesta được Tito giao trọng trách số 9 ảo trong trận đấu với sứ mệnh chơi tự do và trở thành một “Messi thứ hai” đã không thể hoàn thành trọng trách bởi phong độ sa sút kỳ lạ của mình. Messi luôn có một cầu thủ kèm chặt, khi bóng đến chân anh, lại có thêm 1 hoặc 2 cầu thủ khác áp sát vào. Số 10 Barca nhạt nhoà vì lẽ đó và cũng bởi anh không nhận được sự hỗ trợ tốt từ các tiền vệ.
Xuất phát từ việc triển khai bóng không thành ở mắt xích Cesc mà Barca thiên về tấn công biên với việc bơm bóng cho Tello hoặc Alexis. Nhung những đường chuyền non, sự thiếu hiểu ý, và hệ thống bắt việt vị hiệu quả của Osasuna đã triệt tiêu luôn đường lên bóng dạng này.
5. Con người chữa lỗi con người: Với những con người “thất bại” lúc bấy giờ, từ phút 63 trở đi, Tito có 3 sự thay đổi nhân sự mang tính chiến lược. Đây chính là điểm nhấn trong tư duy của Tito: nhận ra con người mới chính là điều làm hỏng 2/3 thời gian trận đấu của Barca. Pedro vào thay cho Cesc, Xavi vào thay cho Iniesta và Villa vào thay cho Tello. Lúc bấy giờ, Messi trở lại vị trí số 9 ảo quen thuộc thế chỗ Iniesta đảm trách từ đầu, Alexis chơi trung phong, Pedro và Villa hai bên cánh (cũng có thể nói Barca khai triển lối đá 4-2-4). Với 3 tiền đạo bên trên, Messi được kéo về chơi tự do hơn ở phía dưới và phía sau anh là sự hỗ trợ rất tốt của Xavi. Lối đá Barca mượt mà hơn hẳn. Từ đây 2 bàn thắng đã đến với sự phân chia vai trò và khu vực rõ rệt. Bàn đầu tiên là các pha phối hợp của một nửa hàng tấn công thuộc cánh phải với Pedro – Alexis – Messi. Bàn thứ hai là một nửa hàng tấn công thuộc cánh trái với Villa – Messi – Alba cùng sự hỗ trợ từ Xavi. Tựu chung, cả 2 bàn đều có dấu ấn của 2 tiền đạo chơi dạt 2 bên cánh khác nhau (Pedro và Villa) và đỉnh mủi nhọn của tam giác được tạo nên chính là Messi. Trong một ngày trở thành “người bình thường”, Messi cũng ghi bàn.
6. Tiên liệu và kết luận: Điều thất vọng nhất ở đội hình Barca chính là Cesc chứ không phải Tello, vì Cesc có tiếng và được kỳ vọng cao hơn cầu thủ trẻ kia. Anh từng khẳng định rằng mình cảm thấy “khó ở” khi chơi theo khuôn mẫu của Xavi hay Iniesta thời Guardiola, thay vào đó anh thích là một số 9 ảo như hồi đầu mùa trước với sự kết dính cùng Messi trên hàng công. Rất có thể anh sẽ được Tito “làm cho thoải mái” nhưng nếu cũng không thể phát huy khả năng thì Song là sẽ là lựa chọn của Tito trong việc tìm người đảm trách vị trí tiền vệ trung tâm dự phòng cho Xavi nay đã qua tuổi 30. Song vốn đá tiền vệ phòng ngự nhưng có khuynh hướng tấn công và có tài ở những đường kiến tạo sâu.
Trận thắng nhọc nhằn vừa qua của Barca trước Osasuna là lỗi nằm ở con người, ở tâm lý – thái độ tiếp cận trận đấu của các cá nhân chứ không phải nằm ở lỗi sắp xếp đội hình của Tito hay sự yếu kém về chiến thuật. Mùa giải chỉ mới bắt đầu và Osasuna không phải là đội bóng mạnh, huống chi là đội bóng duy nhất có thể tìm ra cách gây khó dễ cho Barca. Tinh thần và tác phong thi đấu của các cầu thủ cần được Tito đào sâu khắc phục nếu ông muốn thật sự để lại dấu ấn của mình một cách rõ nét và “dễ nhận ra” nơi người hâm mộ Barcelona. Nhưng vấn đề là đây chỉ mới đầu mùa giải…