Bản danh sách của Đoàn thể thao Trung Quốc tham dự ASIAD 18 chỉ có 19 gương mặt từng giành HCV Olympic. Nổi bật là Lin Dan, tay vợt cầu lông hạng 9 thế giới giành tổng cộng 7 huy chương trong 5 kỳ góp mặt tại Á vận hội, trong đó có 4 HCV. VĐV bơi lội Sun Yang có thành tích tốt thứ hai với 5 lần lên ngôi ở ASIAD.
Lời cảnh tỉnh từ Olympic 2016
Đoàn thể thao Trung Quốc thất bại toàn tập trên đất Rio 2016. Không thể “lật đổ” sự thống trị của người Mỹ, Đất nước đông dân nhất thế giới còn để Vương quốc Anh vượt mặt ở ngôi vị thứ hai trên bảng tổng sắp huy chương. Họ chỉ cán đích hạng ba chung cuộc với 26 HCV, 18 HCB và 26 HCĐ.
Những môn sở trường của người Trung Quốc như điền kinh (2 HCV), bơi lội (1 HCV) hay bắn súng (1 HCV) không thể hiện được sự uy quyền tại Olympic 2016. Ngay cả cầu lông từng chịu sự thống trị của Trung Quốc cũng chỉ mang về nước nhà 2 HCV đến từ Chen Long (đơn nam) và Zhang Nan/Fu Haifeng (đôi nam).
Dẫn chứng khác cho thấy thể thao Trung Quốc trên đà suy thoái là bộ môn thể dục dụng cụ. London 2012, Trung Quốc hốt “trọn” 9 HCV. Trên đất Rio, những niềm tự hào năm ấy không có nổi HCV nào. Họ phải cảm thấy may mắn khi những “người hùng” đến từ môn nhảy cầu (7HCV), cử tạ (5 HCV) và bóng bàn (4 HCV) còn giữ phong độ ổn định.
South China Morning Post lý giải cho thất bại của thể thao Trung Quốc là bởi họ không có thế hệ VĐV kế thừa xuất sắc. Môn bắn súng, Virginia Thrasher của Mỹ giành HCV khi mới 19 tuổi. Còn Du Li, giành HCB, đã 34 tuổi và đây là kỳ Olympic thứ tư tham dự. Người ta tự hỏi, những “hậu duệ” của Du Li đang ở đâu?
Và nhiều môn thể thao khác cũng đang xảy ra những tình trạng tương tự như vậy.
Hy sinh ở ASIAD 2018 để hướng đến Olympic 2020?
Thể thao Trung Quốc thất bại tại Olympic nhưng ở sân chơi cấp châu lục như ASIAD, họ vẫn là số 1. Á vận hội 2018 chưa diễn ra nhưng tờ Yonhap News (Hàn Quốc) nhận định Trung Quốc sẽ đứng nhất toàn đoàn. Đoàn thể thao Hàn Quốc trong lễ xuất quân ra chỉ tiêu bảo vệ ngôi vị thứ hai với mục tiêu giành 65 HCV.
Trở lại câu chuyện của thể thao Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới cử 845 VĐV, trong đó có 631 gương mặt không có nhiều kinh nghiệm tại sân chơi châu lục hoặc thế giới để tham dự ASIAD 2018. Độ tuổi trung bình của các VĐV Trung Quốc là 24,4, trong đó thấp nhất là 13 và cao nhất là 61.
Đoàn thể thao Trung Quốc sẽ tranh tài 38 trên tổng số 40 môn thi đấu tại Á vận hội trên đất Indonesia. Hai bộ môn họ không tham dự là kabaddi (có xuất xứ từ Ấn Độ) và cử tạ (bị Liên đoàn cử tạ thế giới cấm vì nghi án doping tại Olympic 2008 trên sân nhà).
Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc sử dụng ASIAD như một bước đệm để các VĐV được cọ xát nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất cho Olympic diễn ra tại Nhật Bản vào 2 năm sau. “ASIAD 18 là một cuộc thử nghiệm dài hạn nhằm hướng đến Tokyo 2020, bên cạnh là một bài kiểm tra toàn diện cho các VĐV Trung Quốc”, Giám đốc Tổng cục thể thao Trung Quốc Liu Guoyong nói trên Tân Hoa Xã.
Trung Quốc gửi một đội ngũ hậu cần hùng hậu với trang thiết bị đầy đủ, bao gồm nhân viên y tế, nhà trị liệu, kỹ thuật viên thông tin,… bên cạnh 38 HLV và chuyên gia nước ngoài đến từ 15 quốc gia sang Indonesia. “Đó là một cuộc cải cách thể thao ở Trung Quốc và cũng là một kinh nghiệm thành công mà chúng tôi đã rút ra từ các cường quốc thế thao khác”, ông Liu nói tiếp.
Trung Quốc đang làm mọi cách để lấy lại vị thế của một nền thể thao hàng đầu thế giới. Không chỉ cơ hội để các VĐV trẻ được trao dồi thêm kinh nghiệm thực tế trước khi bước vào sân chơi lớn hơn như Olympic, ASIAD 18 là dịp để các nhà chức trách nước này tìm ra những gương mặt đầy triển vọng.
Kể từ ASIAD 1982 tổ chức tại Ấn Độ, Trung Quốc đã đứng đầu bảng tổng sắp huy chương trong các lần tham dự Á vận hội. Tại Incheon 4 năm về trước, họ giành tổng cộng 345 huy chương các loại, bao gồm 151 HCV, 109 HCB và 85 HCĐ. Kỷ lục HCV tại ASIAD được người Trung Quốc thiết lập tại Quảng Châu 2010 với con số 199.