Có thể nói, trong lịch sử của thể thao Việt nam tham gia SEA Games chưa có lần nào thắng lợi toàn diện như lần này.
Thắng lợi toàn diện, tức là các môn thể thao tham gia đều giành được kết quả tốt, số lượng huy chương lớn, vượt qua chỉ tiêu về vị trí và vượt cả Thái Lan, với số lượng huy chương vượt trội. Điều ấn tượng là Đoàn thể thao Việt Nam thắng lợi ở các môn Olympic và giành HCV 2 môn bóng đá, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử tham dự SEA Games của thể thao Việt Nam.
SEA Games 22 tại Việt Nam, tôi trực tiếp lãnh đạo đoàn nhưng chúng ta vẫn có những tiếc nuối. Đó là đội tuyển bóng đá nam chưa thể giành HCV. Sau đó, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt có chia sẻ với tôi rằng: “Đoàn thể thao Việt Nam về nhất là tốt rồi nhưng tôi rất cần một chiếc HCV bóng đá”.
Lời nói của ông diễn tả niềm mong mỏi của rất đông các cổ động viên Việt Nam rằng bóng đá luôn chiếm một vị trí quan trọng. Đứng trên khán đài sân Mỹ Đình, tôi nhìn thấy dòng người buồn bã ra về. Kỳ SEA Games này ta thắng toàn diện và đã tạo nên một niềm tin mới, một bước tiến mới để tạo đà cho SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam.
Sự thắng lợi của các môn thể thao Olympic
Mục tiêu của thể thao Việt Nam là muốn phát triển và nâng cao thành tích ở các môn Olympic. Từ SEA Games 2015 ở Singapore, các môn thể thao Olympic đã phát triển tốt và giờ vẫn đang phát huy. Tuy cách sắp xếp chương trình của BTC, số lượng huy chương trên bảng tổng sắp có xê dịch nhưng số lượng huy chương các môn Olympic vẫn mang đến những kết quả khả quan.
Điền kinh là môn thể thao từ thời cổ đại của Olympic. Kỳ đại hội này, điền kinh vẫn dẫn đầu Đông Nam Á với 16 HCV. Vật là môn thể thao Olympic cổ đại và xuất hiện lần đầu trong chương trình thi đấu hiện đại ở Olympic 1896. Đây là môn thế mạnh và chúng ta luôn chiếm ưu thế. Kỳ đại hội này, ta giành 12/14 tấm HCV. Môn vật là môn truyền thống của chương trình Olympic nhưng không thường xuyên được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games.
Bóng đá cũng là môn thể thao Olympics xuất hiện ở thời hiện đại. Hai huy chương vàng, đồng nghĩa với thắng lợi của môn bóng đá tại SEA Games 30. Nói cách khác, chúng ta giành chiến thắng trong một môn Olympic.
Chúng ta nhiều lúc mải nhìn vào bóng đá mà quên mất các môn thể thao khác. Thể dục dụng cụ, bơi, cử tạ, đua thuyền đều là những môn thể thao Olympic. Những đội tuyển tham gia SEA Games 30 đã đóng góp số lượng huy chương xứng đáng cho đoàn thể thao Việt Nam.
Nhiều môn bóng khác cũng nằm trong chương trình như bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn... Những thành công được tính bằng huy chương, với các VĐV ưu tú. Bóng bàn duy trì thành tích HCV đôi nam. Bóng rổ thành công với tấm HCĐ lịch sử. Bóng chuyền cũng có những tiến bộ ở đội tuyển nữ. Những thành công đó giúp chúng ta có niềm tin hơn vào con đường đầu tư mạnh mẽ trong tương lai.
Sự trở lại của các môn võ cũng là điểm nhấn. Các môn võ thuật luôn mang đến số lượng huy chương lớn, từ 1/3 đến một nửa số huy chương ở thời kỳ chúng ta hội nhập. Từ 2010, các môn này có giảm sút. Sự trở lại của các môn như vật, karatedo, teakwondo ở đại hội lần này mang đến niềm tin cho Đoàn thể thao Việt Nam.
Một yếu tố đem đến thành tích là các môn thể thao này phải nằm trong chương trình thi đấu, với số lượng nội dung nhiều hay ít. Tài năng của VĐV là yếu tố thứ nhất, nhưng nội dung chương trình sẽ quyết định số lượng huy chương mang lại. Các môn võ thuật đã trở lại và đóng góp xứng đáng số lượng huy chương vào thành tích chung.
Dấu ấn của việc xã hội hóa thể thao
Thành công của bóng rổ cũng chứng minh tính đúng đắn của việc thực hiện xã hội hóa thể thao. Nó không đóng góp một cách mờ nhạt mà ghi dấu những ấn tượng tốt.
Việc xã hội hoá thể thao đã được triển khai từ lâu, nhưng tiến triển còn chậm, nhất là những môn thể thao thành tích cao. Với Đoàn thể thao Việt Nam, thành tích đến dù chậm nhưng không nằm ngoài quy luật. HCV, HCB của môn quần vợt đã chứng minh cho điều đó. Lý Hoàng Nam hay những vận động viên Việt kiều thi đấu cho Đoàn thể thao Việt Nam đều dựa trên nguồn vốn xã hội hoá.
Những môn xã hội hóa nằm trong thành phần Đoàn thể thao Việt Nam đều mang đến những thành tích tốt. Thể thao Việt Nam cần huy động các nguồn lực này để mang đến nguồn sức mạnh tổng hợp và xu hướng tích cực. Qua kỳ Sea Games này, ta thấy sự đóng góp của các liên đoàn thể thao cho sự phát triển của các vận động viên. Những đơn vị, những cá nhân có đóng góp cho thể thao cần được tuyên dương. Chủ chương xã hội hóa của chính phủ đã thúc đẩy sự phát triển của thể thao.
Các vấn đề của thể thao Việt Nam
Chương trình thi đấu ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của các đoàn, Chương trình thi đấu, nội dung thi đấu, các bộ huy chương được trao tác động đến tất cả các đoàn không riêng gì Việt Nam. Chúng ta đang nhìn thấy những bất cập từ vấn đề này.
Myanmar là nước chủ nhà SEA Games 2011, thu về 70 HCV, thì ở kỳ SEA Games này số lượng còn 4 huy chương. Singapore ở SEA Games 2015 là chủ nhà thì đứng vị trí thứ 6. Indonesia hay các nước khác cũng vậy. Việt Nam khi tổ chức SEA Games 31 sẽ góp phần tổ chức lại chương trình thi đấu để đảm bảo sự công bằng, giương cao ngọn cờ fair play của thể thao, nhất là thể thao khu vực.
Việc xác định đối thủ, từ đó đưa ra dự đoán về thành tích, dù có hoàn thiện đến mấy cũng không thể tránh sai số. Nguyên phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, một người làm thể thao kỳ cựu, cũng không thể nào tưởng tượng nổi môn Kurash lại lấy được 7 HCV hay môn Annis có 4 HCV.
Có nhiều môn thể thao đóng góp vào bảng thành tích, nhưng chúng ta chỉ có thể dự đoán đúng với những môn thể thao truyền thống, được đầu tư và được thi đấu thường xuyên. Việc xác định chỉ tiêu, phải dựa vào trình độ của ta, trình độ của đối thủ, điều kiện thi đấu và các yếu tố khác để xác định chính xác. Chỉ tiêu tối thiểu thì có thể đúng, nhưng tối đa thường rất khó xác định, đòi hỏi phải được thi đấu thường xuyên, được cọ xát.
Thể thao luôn tồn tại những bất ngờ. Điều này còn phụ thuộc vào đối thủ, và điều kiện thi đấu. Bóng rổ chúng ta không hình dung họ có huy chương nhưng lại mang về 2 tấm HCĐ. Yếu tố trọng tài cũng nên được đề cập. Cặp đấu của Trương Đình Hoàng là một ví dụ.
Điều kiện thi đấu ổn định, sự trải nghiệm của VĐV là quan trọng. Số lần tham dự, trải nghiệm càng nhiều lần chúng ta mới có thể xác định được đối thủ và tỷ lệ thành công của thể thao Việt Nam.