Tây Ban Nha & Tiqui-taca: Thay đổi hay là chết

19:23 Thứ tư 20/06/2012

Thầy trò HLV Del Bosque đã giành quyền vào tứ kết Euro 2012, nhưng lối chơi tiqui-taca của các nhà ĐKVĐ châu Âu đang có vấn đề.

TBN – Barca + tiqui-taca = Thành công

Kể từ năm 2008, lối chơi tiqui-taca đã giúp ĐT Tây Ban Nha và Barca đến với những thành công vang dội. La Furia Roja liên tiếp vô địch châu Âu và thế giới, còn Barca của Guardiola vô đối với 3 chức vô địch Liga + 2 danh hiệu Champions League. Trên căn bản, tiqui-taca là lối chơi ban bật ngắn dựa trên nền tảng kĩ thuật siêu việt của những Xavi, Iniesta, Busquets hay Silva ở hàng tiền vệ, qua đó giúp TBN và Barca luôn nắm quyền kiểm soát bóng vượt trội so với đối thủ.

Tiqui-taca đang lỗi thời?

Thất bại của Barca tại Liga và Champions League mùa giải vừa qua đã chỉ ra rằng tiqui-taca đang dần bị bắt bài. Trước những đối thủ biết cách phòng ngự trong đó đặc biệt là Chelsea, gã khổng lồ xứ Catalunya đã phải nếm trái đắng bằng thất bại tại bán kết Champions League.

Tây Ban Nha đã gặp khá nhiều khó khăn ở vòng bảng

Từ kinh nghiệm của Chelsea, Italia và Croatia đã gây ra vô số khó khăn cho Tây Ban Nha tại vòng bảng Euro 2012. Nếu biết chắt chiu cơ hội, thậm chí Italia và Croatia có thể đã khiến Seleccion phải nếm trái đắng, nhưng rất may cho các nhà ĐKVĐ châu Âu là họ chưa thất bại bởi sự kém duyên của đối thủ hoặc nhờ những pha cản phá xuất sắc của Casillas trong khung gỗ.

Tiqui-taca cần thay đổi?

Có thể nhận thấy rõ sự bế tắc của TBN trong 2 trận đấu với Italia và Croatia. Trước những đối thủ chơi phòng ngự khu vực cực tốt, dù cầm bóng vượt trội nhưng đàn "bò tót" rất khó xâm nhập vòng 16m50 của đối thủ. Vì thế, để có thể bảo vệ thành công chức vô địch châu Âu trước những đối thủ được cho là còn rắn mặt hơn (trước mắt là Pháp tại tứ kết), có lẽ HLV Del Bosque cần có thêm những điều chỉnh.

TBN từ đầu Euro 2012 đến giờ thường thi đấu với sơ đồ 4-6-0 hoặc 4-5-1, nhưng đều không có những tiền vệ cánh đích thực. Iniesta và Silva thường xuyên chơi chếch ra cánh, nhưng cả 2 đều có thiên hướng cầm bóng vào trong nên miếng đánh biên của Seleccion thường ít đem lại hiệu quả. Điều này khác hẳn so với Barca bởi bên cánh phải là một Alves công thủ toàn diện (Arbeloa chỉ làm tốt nhiệm vụ phòng ngự).

Torres và Navas cần được cùng thi đấu

Có thể nhận thấy rõ TBN tỏ ra nguy hiểm hơn ở 2 trận đấu với Italia và Croatia khi HLV Del Bosque tung Navas vào sân. Khả năng xuyên phá bên cánh phải của cầu thủ đang khoác áo Sevilla thường xuyên đẩy hàng thủ đối phương vào thế bị động và tạo cơ hội cho đồng đội ở bên trong. Tất nhiên, để những đường lật cánh hay căng ngang của Navas đạt hiệu quả tối ưu, La Furia Roja cần có một tiền đạo cắm đích thực và Torres sẽ là người được đặt niềm tin sau những gì đã thể hiện (Llorente cũng là một giải pháp).

Nhưng để cả Navas và Torres vào sân, HLV Del Bosque sẽ phải hy sinh ít nhất một công thần. Bộ 5 tiền vệ Busquets – Alonso – Iniesta – Xavi – Silva đã chơi với nhau khá lâu và ăn ý nên loại ai sẽ là cả một vấn đề. TBN khác với Barca ở chỗ là có 2 tiền vệ phòng ngự (Busquets – Alonso) và sẽ khó có thay đổi ở 2 vị trí này (Del Bosque luôn ưu tiên sự an toàn), Xavi không thể động đến, vì thế nhiều khả năng Iniesta hoặc Silva sẽ phải chấp nhận ngồi ghế dự bị hoặc rời sân khi đội bóng cần có những thay đổi để phá vỡ thế bế tắc.

Tây Ban Nha được đánh giá cao hơn Pháp rất nhiều, nhưng nếu không có sự thay đổi, sẽ không dễ để đàn bò tót vượt qua những chú gà trống Gaulois. Tiqui-taca vẫn rất nguy hiểm, vấn đề là HLV Del Bosque cần có sự uyển chuyển để làm mới lối chơi đã bá chủ thế giới những năm gần đây.

Thanh Vân | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục