Tản mạn về Bóng đá và Kpop

09:19 Thứ sáu 19/07/2013

Khá kỳ lạ khi trong nhất thời, một sự so sánh được tạo ra giữa những thần tượng bóng đá và những thần tượng âm nhạc khi có lẽ hầu hết fan bóng đá đều nghe nhạc và có những thần tượng của riêng mình. Tuy nhiên, sự so sánh đó cũng không phải là vô lý.

Tại sao có sự so sánh

Đầu tiên phải nói rằng, bóng đá là môn “thể thao vua” trong các môn thể thao, Arsenal là một trong những đội bóng lớn nhất trên thế giới, fan của cả Arsenal lẫn bóng đá đông đúc và trải đều qua mọi lứa tuổi. Còn Kpop, đây cũng là một loại hình âm nhạc thịnh hành nhưng chỉ mang tính cục bộ của người châu Á, chủ yếu thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Thẳng thắn thì về vị thế cũng như “lực lượng”, dĩ nhiên cái tên Arsenal có sức nặng hơn các ngôi sao Kpop cho dù đó là câu chuyện lệch lạc đem bảng chữ cái ra bì với bộ xếp hình Lego.

Trong một cộng đồng người hâm mộ, người xem bóng đá có từ những ông già bảy, tám mươi tuổi tới những cậu nhóc mới biết đòi mẹ mua áo Messi, trong số họ có những người đã đến, yêu và theo dõi bóng đá, những đội bóng, những cầu thủ trong suốt nhiều, thậm chí nhiều chục năm trời. Cũng là bóng đá, người ta tìm thấy trong đó niềm tự hào dân tộc mỗi khi nhìn tuyển Việt Nam ra sân thi đấu, người ta tìm thấy lòng tự tôn, kiêu hãnh, hạnh phúc đồng bào trong mỗi bàn thắng ở Mỹ Đình. Và nếu ai từng có mặt trong những dòng sông người bất tận một đêm mùa đông năm 2008 nơi Việt nam vô địch AFF Cup, đó hẳn sẽ là một trong những lần mà họ thấy trái tim mình hòa nhịp rộn ràng nhất với non sông.

Dù là fan bóng đá hay fan Kpop thì cách hâm mộ cũng là một nét văn hóa. Ảnh: Internet.

Bóng đá có sức cộng hưởng quá lớn, đến mọi ngóc ngách, tầng lớp của xã hội. Sẽ là công bằng khi so sánh nó với âm nhạc nói chung, khi cũng có những nghệ sĩ, những ca khúc sống mãi với thời gian, cũng có những điều vĩ đại, kỳ diệu mà âm nhạc đã tạo ra cho thế giới. Nhưng ở đây người ta chỉ nói về Kpop, sự thật là phần lớn các ca khúc của nó chỉ nói về tình yêu đôi lứa, sự tan vỡ, lừa dối, đau khổ… phần lớn. Kpop thì dĩ nhiên không có trách nhiệm phải tôn vinh tinh thần của quốc gia nào khác, và đại đa số fan Kpop cũng chỉ gắn bó với nó trong một khoảng thời gian thuộc về “tuổi trẻ”.

Sự thật là có ít nhất một nửa sự hâm mộ là bởi những gương mặt phẫu thuật đẹp đến hoàn hảo, những thân hình gợi cảm, những thứ quan trọng chẳng kém gì giá trị âm nhạc để trở thành một Kpop Idol. Bài hát nói về điều gì khác cao cả ư? quá hiếm, những tư tưởng, bài học cuộc sống trong ca khúc ư? điều xa xỉ. Nhưng cũng có khó hiểu gì đâu, Kpop phục vụ thị trường, phục vụ thị hiếu của giới trẻ, thanh thiếu niên, nó phải như vậy. Đó là cả một nền công nghiệp đào tạo ra những thần tượng, mà đã “sản xuất” ra đương nhiên phải có khách hàng, ở châu Á không ai bằng người Hàn trong lĩnh vực này.

Đó là chuyện của Kpop

Tạm gạt bỏ những định kiến, những sự đánh đồng từ một vài hiện tượng xấu, có thể khẳng định fan bóng đá nhưng nghe cả Kpop cũng không phải trường hợp gì kỳ lạ. Hàn Quốc thực sự là nơi cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc hay, họ có dân trí về âm nhạc khá cao so với mặt bằng châu Á, nơi đây có những thiên tài nghệ thuật được công nhận về chiều sâu, tuy rằng họ thường thích làm bóng, mỹ lệ hóa mọi thứ như một thói quen, hoàn hảo về mặt hình tượng, các sản phẩm điện ảnh cũng vậy.

Những ai đã xem những bộ phim kinh điển cả chiếu rạp lẫn dài tập của người Hàn, đã nghe những bài hát, những bản nhạc tuyệt vời của họ, ắt hẳn ít nhiều đều công nhận sự nghiêm túc, tài năng của các nghệ sĩ nước này. Ở đây, khía cạnh bị phê phán chỉ là một bộ phận nhạc Hàn dễ dãi, chạy theo cảm xúc giới trẻ, đồng thời là những biểu hiện thái quá trong cách ủng hộ thần tượng của một bộ phận các fan. Nhưng nên nhớ đó là những người hâm mộ tuổi đời còn ít, họ tự nhiên và hết mình lắm, họ không nghĩ phải có cái gì lớn lao ở đó cả, họ đầy mộng mơ, họ đầy xúc cảm, họ nghe và họ nhìn ngắm, rồi say mê, âu cũng là phản xạ thường tình. Ở tuổi đó, họ nghĩ nhiều về những khái niệm yêu đương đơn giản, họ thích thời trang, màu sắc, họ thích những rung động bồng bột, thích “trai xinh, gái đẹp” nữa, mà Kpop thì có tất cả, đơn giản vậy thôi.

Quay lại với bóng đá. Kpop có cá độ không? có khiến ai tan cửa nát nhà vì tiền bạc không? một vài tấm vé không đủ để như vậy. Kpop cũng không tạo ra những tấm gương xấu, những bê bối trụy lạc, bởi cầu thủ như thế vẫn là siêu sao, còn một nghệ sĩ như thế thì chấm dứt sự nghiệp. Fan Kpop có thể dọa tự tử, chửi bới người này người kia, có thể fan ca sĩ này anti ca sĩ khác, nhưng để dùng súng giết người, đốt áo, căm thù, đe dọa lấy mạng như cơm bữa kiểu hooligan sau mỗi vụ chuyển nhượng, thì chắc họ không làm được.

Tóm lại, chính vì đối tượng khán giả của bóng đá và Kpop là không giống nhau, vì thế cách họ hâm mộ, mục đích khi hâm mộ, và hậu quả của sự hâm mộ cũng khác nhau, cũng như chẳng ai lại so kè fan bóng chuyền với fan cờ tướng cả. Bóng đá có thể vĩ mô, đa chiều hơn, những dấn ấn tích cực của nó cũng to lớn, thiết thực hơn, những cũng vì thế mà những mặt tối, mặt xấu lại cũng ở một tầm cao hơn. Không ai hoàn toàn tốt và cũng không có gì hoàn toàn xấu, mỗi người có một sở thích, và dù là sở thích gì, miễn nó không gây hại cho ai, nó giúp ích, có ý nghĩa với cuộc sống của mỗi người, thế là ổn.

Cũng nhanh thôi, rồi những trận đấu của mùa giải mới sẽ lại cuốn những tín đồ túc cầu giáo vào đó, và họ sẽ chẳng còn quan tâm người khác nghe nhạc gì.
Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục