Tầm nhìn thôi mà...

14:40 Thứ hai 18/03/2013

Những người đam mê thể thao Việt Nam bỗng dưng sớm mai thức dậy thấy đời phấn chấn hẳn, bởi thông tin bản đề án “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt. Nếu chiếu theo đó, đến năm 2030 bóng đá Việt sẽ đứng thứ mười châu Á, cửa vào World Cup... thênh thang!

Khán đài thì trống vắng. Một đội bóng sáng hăm giải tán, chiều hăm nghỉ lại đang là đại diện ưu tú cho bóng đá Việt Nam ở sân chơi quốc tế mùa này. Thế mà ngành thể thao và VFF vẫn tự tin năm 2020 sẽ thành đội mạnh ở châu Á thì kể cũng tài. Ảnh: Tất Đạt

Theo bản đề án của ngành thể thao, sự thay đổi của bóng đá Việt Nam sẽ theo từng giai đoạn một cách nhanh chóng đến lạ thường. Cụ thể, năm 2020 đưa bóng đá Việt Nam phát triển, trở thành một trong những trung tâm bóng đá của khu vực và châu lục. Đến năm 2030 đứng trong nhóm mười quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu ở châu Á. Chi tiết hơn, đề án ghi rõ: “Đối với giai đoạn 2021 – 2030: bóng đá nam đứng trong nhóm mười quốc gia có trình độ bóng đá hàng đầu ở khu vực châu Á. Bóng đá nữ đứng trong nhóm sáu quốc gia hàng đầu khu vực châu Á. Số lượng cầu thủ bóng đá trẻ được đào tạo tập trung đạt trên 6.000 người. Cả nước có trên 12.000 đội bóng đá phong trào”.

Toàn những mục tiêu cao khiến chính những người trong ngành thể thao, những người làm bóng đá lâu năm cũng ngỡ ngàng và… phì cười.

Cười là bởi nhớ chuyện xưa. Năm 2004, đề án nâng chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam thêm 3 – 4cm trong thời gian từ năm 2004 – 2010 (do viện Khoa học thể dục thể thao đề xuất) được đưa ra với chi phí dự toán là 614 tỉ đồng. Từ đó đến nay, dự án này đi đâu về đâu chẳng mấy người được rõ. Càng cười hơn bởi cách đây đúng mười năm, cũng chính VFF đã từng làm đề án đặt ra mục tiêu rằng bóng đá Việt Nam sẽ lọt vào vòng chung kết World Cup vào năm 2020, tức đứng thứ năm châu Á!

Thực tế cho thấy những đề án cao siêu trên toàn được vẽ ra cho đẹp bởi đến thời điểm này, bóng đá Việt Nam vẫn đang mơ giấc mơ vô địch “vùng trũng” như AFF Cup hay SEA Games, nơi mà Thái Lan vô địch gần chục lần, Malaysia đang mạnh lên, Singapore cũng có trong tay vài chiếc cúp. Chưa vượt qua được những nước trong khu vực, thậm chí ngay cả việc chọn huấn luyện viên thế nào, xây dựng đội tuyển theo quy trình ra sao bóng đá Việt Nam còn đang mò mẫm, loay hoay học mãi chưa xong thì thử hỏi mục tiêu tốp 10 ổn định của châu Á được ngành thể thao, VFF đưa ra dựa trên cơ sở nào?

Còn bóng đá nữ đứng trong nhóm sáu quốc gia hàng đầu châu Á ư? Cứ nhìn xem giải vô địch Quốc gia đang diễn ra ở Hà Nam sẽ thấy các cô gái đá bóng được quan tâm thế nào khi trận đấu trong khuôn khổ chính thức của giải phải đôn giờ lên đá dưới cái nắng chang chang lúc 15 giờ để nhường giờ đẹp cho đội tuyển nam Việt Nam đá giao hữu! Có thể trong khu vực Đông Nam Á bóng đá nữ không được một số nước mặn mà (nên Việt Nam cũng coi thường?) nhưng nếu vậy, sao lại phải hướng đến mục tiêu đứng vào tốp 6 của châu Á – nghĩa là phải ngang hàng với các đội tuyển Úc, Bắc Triều Tiên hay Trung Quốc – đó là chưa kể với kiểu đầu tư khi nào có giải mới gom quân, bình thường một năm đá giải vài tuần rồi thôi thì ngành bóng đá nước nhà làm cách nào đạt được mộng... không tưởng ấy?

Thế nên đừng ngạc nhiên khi các bộ ngành liên quan không tin đề án này khả thi. Bộ Tư pháp cho rằng “... mục tiêu tổng quát cũng như mục tiêu cụ thể của chiến lược như đưa bóng đá nước nhà phát triển đạt tốp 10 quốc gia hàng đầu châu Á, vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games (từ 2 – 3 lần)... được thể hiện tại trang 2 dự thảo quyết định là những mục tiêu rất khó thực hiện”. Còn bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cẩn trọng nhận định: “Đề nghị quý bộ giải trình một cách khoa học và có căn cứ mục tiêu đến năm 2020”. Thêm vào đó, bộ này cũng nhận định “Với thời gian còn lại quá ngắn (tám năm) cộng với thực trạng nền bóng đá nước nhà cùng những hạn chế, yếu kém được nêu trong bản dự thảo, mục tiêu và chỉ tiêu nêu trên khó có tính khả thi và chưa thuyết phục”.

Nhưng, cuối cùng thì đề án đã được phê duyệt! Ông Phạm Ngọc Viễn, phó chủ tịch VFF, người chấp bút đề án, đã vui mừng cho rằng: “Để đạt được mục tiêu đề ra tất nhiên phải có những đề án cụ thể, có nguồn kinh phí nhất định, quy định rõ phần của Nhà nước và phần xã hội hoá. Nhưng điều quan trọng nhất là cần phải có một tổng đạo diễn là quan chức Chính phủ thì mới phối hợp được các bộ, ngành liên quan...”

Vậy là nguồn kinh phí nhà nước ắt hẳn sẽ được duyệt, còn thành công hay không thì cứ phải chờ, bởi đâu phải đề án nào cũng thành công, tầm nhìn thôi mà. Thế thì tiếc gì mà không mơ (để lấy đó làm vui) rằng bóng đá Việt sẽ sớm sánh vai với cường quốc năm châu!
Thảo Du | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục