Anh Lê Văn Công tại Incheon Hàn Quốc 2014. |
Nếu có một điểm tựa…
Cách đây gần một năm, những ai theo dõi đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam dự Para Games đều rơm rớm nước mắt khi chứng kiến hình ảnh lực sĩ Lê Văn Công run run cầm phong bì có chứa 1 triệu đồng tiền thưởng nóng. Có lẽ, khi đối mặt với cục tạ nặng 176kg - mức kỷ lục Châu Á mà Lê Văn Công thực hiện thành công - anh cũng không run đến như thế.
Một triệu đồng ấy, nếu so với mức thưởng nóng của những VĐV lành lặn ở SEA Games chỉ tương đương 1/6. HCV SEA Games được thưởng 6 triệu đồng, HCV Para Games chỉ được thưởng 1 triệu đồng. Nhưng Công nói: “Đối với tôi, chừng này cũng đã bằng ½ thu nhập mỗi tháng rồi, cũng chẳng mong gì hơn”.
Ở trong đoàn thể thao khuyết tật, vốn đã nhiều người đặc biệt, thì Lê Văn Công là một trong những người đặc biệt nhất. Cái đặc biệt của Công không phải ở tỉ lệ thương tật mà là thành tích anh đạt được. Ở Para Games cuối năm 2013, Lê Văn Công đoạt HCV lập kỷ lục Châu Á. Ở Incheon, Công còn làm được điều lớn lao hơn: Đoạt HCV Asian Para Games và lập kỷ lục thế giới. Nói một cách văn hoa, Lê Văn Công là người khuyết tật khỏe nhất thế giới ở hạng 49kg. Khi Lê Văn Công chinh phục mức tạ 181,5kg thì tất cả những ai chứng kiến đều ồ lên kinh ngạc. Thành tích của Công chỉ hơn kỷ lục thế giới do Yakubu xác lập (181kg) có nửa kilogram, nhưng đó là một nỗ lực phi thường như chính HLV của anh - ông Nguyễn Hồng Phúc - thừa nhận.
Nếu Lê Văn Công chỉ phải gồng mình với hai quả tạ khổng lồ và sau đó có thể thở phào nhẹ nhõm thì gánh nặng gia đình đeo đẳng Lê Văn Công thường trực. Công bị teo cơ chân từ nhỏ do mẹ anh mắc chứng xuất huyết khi mang thai. Năm 19 tuổi, Công từ Hà Tĩnh quê anh vào TPHCM với hy vọng có được việc làm phù hợp và một cuộc sống dễ chịu hơn khi ở nhà. Ở một nơi như TPHCM kiếm tiền không dễ, Công - một người khuyết tật - biến mình thành một “thợ đụng” - nghĩa là ai thuê gì làm đấy, đụng đâu làm đó, sống qua ngày. Rồi may mắn, anh cũng lập gia đình, sinh con. Gánh nặng lên vai Lê Văn Công càng chất chồng, thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào Công, rất bấp bênh. Hai vợ chồng thuê căn nhà nhỏ xíu rộng chưa tới 10m2 ở TPHCM để đi ra, đi vào.
Với Lê Văn Công, việc anh lập kỷ lục thế giới quan trọng nhưng điều quan trọng là với tấm HCV ấy, Công đã có được phần thưởng “nóng” lên tới 20 triệu đồng từ nhà tài trợ là Công ty bảo hiểm Hà Nội cùng những khoản thưởng theo chế độ cũng đủ gánh nặng của Công vơi đi phần nào. Khi nhiều người tới chúc tụng Công, anh bảo: “Số phận của tôi xem ra cũng là may mắn, nghị lực của tôi cũng chỉ như những người khuyết tật khác, có những người mà chính chúng tôi cũng khâm phục như chị Tuyết Loan.
Người mà Công nhắc tới, cũng là một lực sĩ cử tạ khuyết tật, chị Châu Hoàng Tuyết Loan - người vừa đoạt HCB tại Incheon Hàn Quốc. Đồng đội gọi chị Loan là “người đàn bà thép” đơn giản là chị là hiện thân cho tình yêu cuộc sống, bất chấp hoàn cảnh. Chị Loan liệt hai chân từ chỏ, sau khi thử hàng loạt nghề, chị quyết định trở thành thợ may. Dù với bàn tay khéo léo và khá đắt khách nhưng cuộc sống của chị vẫn còn rất khó khăn. Cách đây vài năm, khi đoàn TTVN chuẩn bị đi Paralympic (Olympic cho người khuyết tật) thì mọi người mới kinh ngạc khi chính chị tiết lộ là đang chống chọi với căn bệnh ung thư vòm họng từ nhiều năm nay.
Cũng giống như Văn Công, Châu Hoàng Tuyết Lan gần như không có sự hỗ trợ về kinh phí. Chỉ khi tập trung đội tuyển họ mới có thêm vài chục ngàn đồng tiền ăn. Song, với những người như chị Tuyết Lan, thể thao mang lại nghị lực sống, điều đó quan trọng hơn cả việc lẽ ra họ phải được xã hội, cộng đồng chăm sóc nhiều hơn.
Anh Công cùng gia đình. |
Những “quái kiệt” của thể thao khuyết tật
Đã từng có một Phạm Văn Mách - lực sĩ thể hình - thử bước chân vào showbiz và ở góc độ nào đó, anh cũng có những thành công nhất định, hoặc là để người ta nhớ đến.
Những VĐV khuyết tật Việt Nam hầu như không có cơ hội này song lại có rất nhiều người chứng tỏ tài lẻ một cách đặc biệt: Nguyễn Bình An - HCV Asian Paragames và xác lập kỷ lục Châu Á - là một giọng ca cải lương có tiếng. Dù vậy, chàng trai gốc Trà Vinh này khẳng định rằng, sẽ không tham gia show truyền hình nào, vì “ca hát là để mình vui, không thể mang thân thể mình ra để người ta thương hại”.
Quái kiệt thực sự trong đoàn thể thao khuyết tật phải kể đến kình ngư bị liệt hoàn toàn hai chân Nguyễn Thành Trung. Năm 2 tuổi, chàng trai Thành Trung (SN 1982, quê vùng chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ) mất cả hai chân vì căn bệnh bại liệt. 9 tuổi, Trung đã biết bơi như thường chỉ với hai bàn tay, sau đúng 3 tháng tập. 15 tuổi, đang học lớp 9 phải nghỉ học để thay cha đau ốm, rong ruổi trên chiếc thuyền bé tí qua các vùng nước đánh cá kiếm tiến nuôi cả nhà và nổi tiếng là thợ sát cá.
17 tuổi, ngoài nghề đánh cá còn bắt đầu nổi danh khắp vùng như một MC và ca sĩ hát đám cưới. Tài nhảy hip hop của Thành Trung được nhiều người biết đến hơn khi tham gia chương trình “Những bước nhảy 2006”. Điều khiến mọi người kinh ngạc là “đạo cụ” của Trung chỉ là… đôi dép. Trung xỏ dép vào tay và nhảy hip hop. Chính vì thế, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam kỷ lục đã từng đề xuất Thành Trung vào kỷ lục “Người khuyết tật đầu tiên ở Việt Nam nhảy hip hop”. Với những động tác xoay uốn cực khó bằng tay, nhóm nhảy AAT của Thành Trung đã vô địch cuộc thi "Bước nhảy xì tin" khu vực ĐBSCL 2 năm liên tiếp vào 2009 và 2010.
Nhưng phía sau, vẫn là những câu chuyện về mưu sinh và cuộc sống. VĐV khuyết tật Việt Nam vẫn cố gắng mang về những tấm huy chương song điều họ chưa nhận được thực sự là sự thừa nhận cũng như quan tâm của xã hội. Đó cũng là một phần sự thật sau ánh hào quang.