Sông Lam Nghệ An - đội bóng chém đinh, chặt sắt

09:19 Thứ ba 04/03/2014

Lối chơi chém đinh, chặt sắt từng tạo nên bản sắc cho SLNA, nhưng nó cũng tạo nên hình ảnh không đẹp về một CLB chuyên nghiệp.

Nắng gió thành Vinh tạo nên những cầu thủ xứ Nghệ có ý chí và tinh thần thi đấu máu lửa. Thế nhưng, cũng vì cầu thủ không kiểm soát được sự máu lửa của mình, SLNA suốt một thời gian dài có mặt trên bản đồ V-League, trở thành đội bóng bị tiếng là đá rắn, “chém đinh chặt sắt”. Thời đỉnh cao phong độ của mình, Hữu Thắng cũng đã nổi tiếng với lối chơi này. Ở cả trên tuyển lẫn CLB, Hữu Thắng trở thành một hình ảnh kiên cường, nhưng đôi lúc anh cũng gặp không ít rắc rối bởi phong cách chơi bóng đúng chất Nghệ của mình.

Lối chơi chém đinh chặt sắt của SLNA dần làm mất đi hình ảnh của đội bóng chuyên nghiệp. Ảnh: Kỳ Lân.

Sau Hữu Thắng, đến thời của Huy Hoàng, cũng là một trung vệ “khét tiếng” bởi lối chơi “chém đinh chặt sắt”. Rất nhiều tiền đạo của V-League thừa nhận khi đối đầu với Huy Hoàng luôn có cảm giác lo lắng. Lo bởi cầu thủ của SLNA có thể áp sát bất cứ lúc nào, chơi quyết liệt và thậm chí là “hết mình” để cản phá đối phương.

Chắc hẳn nhiều người không thể quên được hình ảnh một Huy Hoàng lao cả hai chân vào cầu thủ Samson đúng theo kiểu triệt hạ đối phương. Với những pha vào bóng như vậy, nếu đối thủ là những cầu thủ trẻ non nớt chắc chắn sẽ phải gãy chân, hay chí ít là rạn xương phải nằm viện. Nhưng Samson tinh quái vừa tránh được cú vào bóng nguy hiểm, vừa “tặng” cho Huy Hoàng gầm giày vào mặt, khiến trung vệ của SLNA mới chính là người phải đi cấp cứu.

Huy Hoàng trở thành biểu tượng của bóng đá xứ Nghệ, cũng một phần là nổi tiếng bởi lối chơi rắn. Từ Hữu Thắng tới Huy Hoàng, hai biểu tượng đều ảnh hưởng rất lớn tới lối chơi của cả đội. Vì thế, cầu thủ SLNA hầu như ai cũng chơi máu lửa, quyết liệt, không ngại va chạm. Lối chơi này khiến đối thủ chẳng biết đá như thế nào bởi sợ chấn thương.

Mùa giải 2010, SLNA khiến đội khách Đà Nẵng phải khiếp vía. Cứ ở những pha vào bóng 50-50, các cầu thủ Nghệ An vào bóng theo kiểu triệt hạ đối phương. Trọng tài rút ra cơn mưa thẻ vàng, nhưng điều đó chẳng hề chi bởi mục đích cuối cùng của đội bóng xứ Nghệ đã hoàn thành chính là giành chiến thắng. Đà Nẵng được đánh giá cao hơn hẳn so với SLNA hồi đó khi là đương kim vô địch, nhưng họ đã không dám đá, chấp nhận rời sân Vinh với kết quả thua 0-5. Sau trận đấu, HLV Lê Huỳnh Đức đã phải thốt lên: “SLNA đá vậy chúng tôi thua là phải. Thôi thì thua còn hơn là phải giải nghệ vì chấn thương”.

Có một điều khá khó hiểu là các cầu thủ SLNA và cả những CĐV của họ lại không thừa nhận mình là đội bóng có lối chơi “chém đinh, chặt sắt”. Thường thì lối chơi đó được hiểu chỉ là đá hết mình, ra sân với quyết tâm cao nhất, không ngại va chạm để giành thế chủ động. Thế nhưng, trong bóng đá, ranh giới giữa máu lửa và quyết liệt rất mong manh và hầu như mùa giải nào SLNA cũng không kiểm soát được lối chơi “chặt chém” của mình.

Mùa giải năm nay, SLNA cũng là một trong những đội bóng bị báo chí và dư luận lên tiếng về lối chơi thô bạo. Điển hình là pha vào bóng của Đình Đồng khiến cầu thủ của An Giang là Anh Hùng bị gãy ống chân, có nguy cơ phải giải nghệ. Sau khi bị ban kỷ luật VFF đưa ra án phạt cấm thi đấu hết mùa giải, lãnh đạo CLB SLNA đã phản ứng dữ dội và khẳng định sẽ làm đơn kháng án vì cho rằng cầu thủ đội nhà “vô tình” làm gãy chân đối thủ. Đình Đồng nổi tiếng đá rắn ở đội bóng xứ Nghệ. Trưởng ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường biết điều này hơn ai hết, bởi ông từng nhiều lần ra án phạt với Đình Đồng.

Lối chơi “chém đinh, chặt sắt” từng tạo nên bản sắc cho SLNA, nhưng nó cũng tạo nên hình ảnh không đẹp về một CLB chuyên nghiệp. Hậu quả lớn nhất là mất đi hình ảnh của đội bóng, còn cái thiệt trước mắt là mất quân vì chấn thương và thẻ phạt.
Phương Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục