Sống dở, chết dở!

09:04 Thứ năm 16/04/2015

Trên facebook, một số VĐV bóng chuyền cũng như phóng viên thể thao đã đưa hình ảnh khán đài quá vắng ở Giải vô địch quốc gia 2015, đang diễn ra tại Thái Bình và Phú Thọ. Được biết, lọt thỏm trong khán đài có sức chứa từ 2.500 đến 3.000 khán giả này là chỉ khoảng 50 đến 100 người xem!

Sao kỳ vậy, bóng chuyền là một trong những môn được yêu thích ở VN, nhưng lại vắng khán giả? Tôi không tin người Việt Nam không còn mê bóng chuyền bằng chứng là tại Giải bóng chuyền quốc tế VTV - Bình Điền mới diễn ra gần đây tại Quảng Trị, đã thu hút rất đông khán giả.

Trả lời báo chí, ông Trần Đức Phấn - Tổng cục phó Tổng cục TDTT kiêm Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền - cho rằng số lượng 12 đội nam và 12 đội nữ đã khiến chất lượng chuyên môn bị giảm sút. Trong khi bóng chuyền sản sinh ra quá ít cầu thủ trẻ, mà số lượng đội bóng như thế là đông, dẫn đến việc có khoảng cách trình độ rất xa, khán giả quá dễ dàng để đoán trước kết quả nhiều trận đấu nên gây mất hứng thú.

Ảnh minh họa.

Tôi cho rằng câu chuyện của bóng chuyền cần xem xét lại một cách toàn diện. Cách đây 20 năm, đó là một môn thể thao rất hút khách, lôi cuốn được nhiều nhà tài trợ tên tuổi tham gia. Lịch thi đấu bóng chuyền khá phong phú, khi bên cạnh Giải vô địch quốc gia còn có hệ thống Giải Grand Prix thi đấu ba vòng, lần lượt diễn ra ở những thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Xen kẽ, bóng chuyền được “đổi gió” bằng cách mang đến các địa phương như Pleiku, Phú Thọ... Cách làm này vừa đỡ gây ngán cho khán giả ở thành phố lớn, vừa giúp các địa phương có điều kiện thưởng lãm thể thao đỉnh cao.

Và cũng xin nói thẳng, người tạo nên được sinh khí cho bóng chuyền VN thời ấy chính là ông Trần Văn Nghĩa, trọng tài bóng chuyền quốc tế và cũng là một người giỏi trong lĩnh vực kinh tế thể thao. Tuy nhiên, sau đó thì nội bộ lủng củng, ông Nghĩa quyết định giã từ liên đoàn, giã từ bộ máy quản lý nhà nước về thể thao để ra lập công ty kinh doanh trong lĩnh vực thể thao. Từ đấy, bóng chuyền VN bắt đầu hụt hẫng.

Việc kiếm tiền đã được giao cho những người không biết tí gì về kinh tế thể thao. Các nhà tài trợ lớn dần bỏ đi. Liên đoàn khi ấy đành bấu víu vào các địa phương có người lãnh đạo yêu thích bóng chuyền, để đẩy phần khó là chuyện kinh phí tổ chức. Vì vậy, một thời gian rất dài chúng ta thấy các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng đều vắng bóng môn thể thao này.

Chính việc đó đã dẫn đến cái vòng luẩn quẩn: Đưa bóng chuyền về các địa phương thì khó mà thu hút được các nhà tài trợ lớn. Ví dụ làm sao thuyết phục được Mikasa - một nhà sản xuất nổi tiếng thế giới về quả bóng chuyền - tài trợ khi mà giải không diễn ra ở TPHCM hoặc Hà Nội, Đà Nẵng? Đâu phải ai, nơi nào cũng đủ điều kiện để mua bóng Mikasa trị giá cả trăm USD/quả, vậy nên quảng cáo làm gì.

Việc dựa vào các Mạnh Thường Quân ở các địa phương thì cũng chừng mực thôi, vì đến lúc họ cũng nản khi quanh đi quẩn lại cũng chừng đó đội, chừng đó gương mặt. Và một khi tiền không có nhiều thì làm sao quảng bá, mời truyền hình trực tiếp...?

Và rồi giải năm nay cũng thế, diễn ra tận Thái Bình, Phú Thọ; rồi truyền hình cũng không trực tiếp nên mấy ai ở Hà Nội, TPHCM biết là có giải bóng chuyền quốc gia đang diễn ra?

Xem ra, suy cho cùng thì cũng là câu chuyện về năng lực con người, đặc biệt là ở khâu quản lý.

Nhất Huy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục