Sir Alex là M.U

12:29 Thứ năm 03/01/2013

Không ai làm được như Sir Alex Ferguson. “Quỷ đỏ” đã phải sống dưới cái bóng cực lớn của Liverpool khi nhắc về truyền thống. Chỉ có 12 chức vô địch trong vòng 26 năm nhờ bàn tay vị huấn luyện viên vĩ đại mới giúp M.U chuyển mình dữ dội, trở thành đội bóng được yêu thích nhiều nhất hành tinh, vươn tầm ra châu lục và đúng vào lúc các phương tiện thông tin nở rộ, M.U đã có được một lực lượng cổ động viên khổng lồ. Từ khủng hoảng thành dẫn đầu, từ bình thường thành biểu tượng, thật đặc biệt cho “mối tình” M.U và Sir Alex. Hay như King Eric đã nói, “Sir Alex chính là M.U”.

Chiếc logo 71 tuổi

Không quá khi cho rằng với sự hiện diện của Sir Alex Ferguson và những gì ông làm được, chiếc logo màu đỏ của M.U đã lột xác hoàn toàn trong tâm tưởng người hâm mộ trên toàn thế giới, hình dáng “quỷ đỏ cầm cây đinh ba” đã có một vị trí vô cùng khác biệt, hiện hữu khắp nơi như một cách hút khách của bất cứ loại hình dịch vụ, sản phẩm nào. Để M.U từ một câu lạc bộ trụ hạng vươn tới cái tầm phá vỡ ranh giới thể thao như thế, không ai khác ngoài Sir Alex là kiến trúc sư trưởng của mọi kế hoạch, mọi công trình chinh phục. Để khắp nơi trên trái đất là những người mặc áo đỏ và hướng về Old Trafford hàng tuần, người đàn ông ấy đã sống hết mình vì chiếc “logo Quỷ”, thứ quen thuộc với mọi người như chính hình ảnh “ông già nhai kẹo cao su” vậy.

Nụ cười của ông là một phần lịch sử đội bóng này. Ảnh: Internet.

Ông chưa cho thấy nét già nua nào trong công việc dù tóc đã bạc gần hết. Ông là huấn luyện viên duy nhất duy trì được bản sắc và vị thế của đội bóng mà không phải tập hợp một lố các siêu sao. Ông không chỉ huấn luyện cho hôm nay mà tính cả cho tương lai dài trước mắt, ông ưu tiên công tác đào tạo, ông khuyến khích các cầu thủ bản địa người Anh. Quan trọng hơn, ông vẫn tiếp tục trên đà giành các danh hiệu trong cái thời đại mà một nhà chuyên môn cao tuổi như ông tưởng chừng sẽ sớm lạc hậu, đuối sức trước thế hệ các nhà cầm quân mới. Đội bóng của ông chưa bao giờ giảm đi sức hút, vẫn những huyết mạch rực đỏ chảy dòng máu quỷ tới hàng trăm triệu tế bào- những người yêu M.U trên thế giới, và chỉ có chính ông mới có thể đóng vai “trái tim truyền máu” tuyệt vời như thế.

Đã có bao thế hệ cầu thủ từ tài năng đến vĩ đại đến rồi đi khỏi Old Trafford, nhưng không có M.U họ sẽ không vĩ đại đến thế, mà M.U của một phần tư thế kỷ tính đến hôm nay chính là “con đẻ” của Sir Alex. Ông tạo ra một biểu tượng mà chính ông là tượng đài lớn nhất, không có một fan M.U chân chính nào chạy theo những ngôi sao sân cỏ mà từ bỏ tình yêu dành cho đội bóng, bởi họ biết ngôi sao có nhiều, còn Sir Alex chỉ có một, ông còn là M.U còn. Dẫu những ngày sóng gió, những nỗi buồn thất bại vẫn ghé qua như một điều tất yếu, chiếc logo 71 tuổi Alex Ferguson vẫn ở đó, hiên ngang bước tiếp với cái mũi đỏ gay, với cặp mắt hùng hồn sau lớp kính và nụ cười cha già tươi rạng đậm chất “trẻ thơ”.

M.U là tất cả

Với mọi người, Sir Alex là M.U. Còn với bản thân ông, M.U là tất cả. 26 năm của ông còn dài hơn năm tháng một người cha nuôi đứa con trưởng thành. Hơn cả một công việc kiếm tiền và khẳng định bản thân, tâm huyết của ông với câu lạc bộ cứ lớn dần theo thời gian, nó gắn với ông như một phần thân thể. Ông yêu việc ngồi trả lời họp báo, yêu việc toan tính mua bán giữa thời buổi “hét giá” của thị trường, yêu từng ngày ra sân tập để ôn tồn bảo ban và vào phòng thay đồ để vung tay quát nạt. Ông yêu việc nói khích đối phương, cãi vã với trọng tài và tôn vinh những con người, những tập thể hay trong bóng đá. Cứ nhìn ông nhảy nhót ăn mừng bàn thắng với nét mặt trẻ ra bao lần như một, nhìn những lần khiếu nại nóng nảy văng cả… bã kẹo cao su, và nhìn cái lúc bàn tay hồng rực của ông run rẩy trong một trận chung kết, ta sẽ hiểu rằng, tuy nói ngày mình nghỉ hưu phụ thuộc vào sức khỏe, nhưng có lẽ nếu được đặt cả tính mạng vào M.U, ông cũng chẳng chau mày.

Bóng đá là sự sống của Sir Alex. Ông không huấn luyện để được làm “Sir”, được làm “Hiệp sĩ”, ánh mắt ông long lanh trong ngày khánh thành bức tượng đặt trước khán đài mang tên mình là ánh mắt tự hào của người cha nhìn đứa con thành đạt hơn là niềm sung sướng cá nhân, nụ cười ấy của ông thật đẹp. Ở M.U không có ai là không thể thay thế, ông luôn nhắc các học trò về việc đặt lợi ích của đội bóng lên hàng đầu, và chính ông cũng luôn làm gương cho họ. Ông không nói nhiều về mình mà chỉ nói về M.U của ông, với ông chỉ có đội bóng làm nên huyền thoại chứ không có huyền thoại một mình làm nên đội bóng.

Ngay cả khi có quá ít siêu sao ông vẫn tự tin đánh giá đội hình của mình là chất lượng, đầy đủ, ông kiên nhẫn và tin tưởng vào từng cầu thủ để họ hết mình chiến đấu, nhưng đồng thời ông cũng rất giỏi tự sắp xếp, điều chỉnh để lời nói của mình được hiện thực bằng chiến thắng. Thứ văn hóa, môi trường mà Sir Alex tạo dựng ở Old Trafford vô cùng nhân văn, hợp tình mà không cứng nhắc, sách vở. Luôn có chỗ cho những lão tướng trung thành, luôn có chỗ cho những chàng trai trẻ cầu tiến và những tân binh tận tâm cống hiến. Ở đó mọi người đoàn kết một lòng và cạnh tranh sòng phẳng, vừa có những kỷ luật rõ ràng, vừa có đủ khoảng không cho những cá tính, cho ai cũng thoải mái là chính mình trong cái chung tập thể.

Sir Alex vẫn muốn tại vị thêm 2, 3 năm nữa, ông đã đến tuổi khó “trốn” được bệnh viện, nhưng nếu ông không bị cơ thể biểu tình quá dữ dội thì trái tim khỏe nhờ rượu vang kia vẫn sẽ đập nhiệt tình như thể nó vốn không phải trái tim của Alex Ferguson nào cả, nó là trái tim của bóng đá. Rời M.U rồi ông còn cười tươi được thế ko? Ông có yên tâm nhìn một ai khác chập chững làm mới lại M.U ko? Thật khó nói. Ông đã là đội bóng ấy rồi, và cái ngày ông từ bỏ nó thực sự có lẽ là ngày ông nằm xuống giã biệt cuộc đời, chứ không phải ngày ra mắt bản hợp đồng có chữ ký người sẽ thay ông. Cảm ơn ông thật nhiều, rồi có ngày người ta sẽ tự hỏi mình đã yêu gì, yêu M.U hay yêu Sir Alex, dẫu biết rằng nào có khác gì đâu.
Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục